Kỳ thi THPT quốc gia 2019: An toàn, nghiêm túc, đúng quy chế

Trên 27 ngàn thí sinh ở 60 điểm thi của Đồng Nai đã hoàn tất Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế vào trưa 27-6.

Thí sinh Trường THPT Ngô Quyền trao đổi đề thi tiếng Anh sau khi kết thúc môn thi chiều 26-6. Ảnh: Công Nghĩa

Thí sinh Trường THPT Ngô Quyền trao đổi đề thi tiếng Anh sau khi kết thúc môn thi chiều 26-6. Ảnh: Công Nghĩa

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ chia sẻ: “Đến thời điểm này, thí sinh có thể an tâm ăn ngon, ngủ kỹ, bù đắp lại cho những ngày dài vất vả dốc sức cho kỳ thi. Còn với chúng tôi, nhiệm vụ của kỳ thi phía trước khá nặng nề, đó là công tác chấm thi đảm bảo nghiêm túc, công bằng cho thí sinh”.

* Trút bỏ gánh nặng tâm lý

Theo kế hoạch, cán bộ được giao nhiệm vụ làm phách sẽ bị cách ly từ ngày 27 đến 29-6. Từ ngày 28-6, các bài thi trắc nghiệm sẽ được Trường đại học công nghiệp TP.Hồ Chí Minh khởi động chấm đầu tiên; các bài thi tự luận sẽ bắt đầu chấm từ ngày 30-6.

Trong 2 ngày đầu của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tại điểm thi Trường THPT Thống Nhất A (huyện Trảng Bom) có từ 15-17 phòng thi. Nhưng trong buổi thi cuối cùng với bài thi tự chọn khoa học xã hội vào sáng 27-6 chỉ còn lại 5 phòng thi, vì phần lớn thí sinh đã hoàn thành sớm kỳ thi từ chiều hôm trước. Bước ra khỏi điểm thi vào buổi thi cuối cùng, thí sinh Nguyễn Ngọc Hiền cho hay: “Đến giờ này em đã có thể trút bỏ mọi lo lắng sau nhiều tháng căng thẳng chuẩn bị cho kỳ thi. Kết quả các buổi thi đều như em mong đợi, đề thi không môn nào “đánh đố” thí sinh. Em tự tin với những môn thi có liên quan đến xét tuyển đại học của mình là Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý”.

Anh Nguyễn Tuấn Anh là một trong số 203 cán bộ, giảng viên Trường đại học công nghệ Đồng Nai làm nhiệm vụ coi thi tại điểm thi Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa), cho biết đây là lần đầu tiên anh được cử coi thi THPT quốc gia nên không tránh khỏi bỡ ngỡ và áp lực. Anh Tuấn Anh chia sẻ: “Mỗi lần vào phòng thi tôi cố gắng thể hiện sự thoải mái, không làm thí sinh căng thẳng. Tôi dặn kỹ những thứ được và không được mang vào phòng thi và chúc các em hoàn thành tốt môn thi của mình. Kết thúc kỳ thi mà không gặp sự cố nào, tôi cảm thấy rất phấn khởi”.

Một giáo viên trường THPT tư thục tại TP.Biên Hòa cho hay: “Nhà trường phân công 100% giáo viên chủ nhiệm lớp 12, giáo viên các môn thi tốt nghiệp năm nay có mặt tại các điểm thi để hỗ trợ thí sinh. Chúng tôi đã khá lo lắng cho thí sinh trước kỳ thi và khi các em thi xong, ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm. Điều đáng mừng là đề thi vừa sức, công tác tổ chức thi nghiêm túc”.

* Thêm nhiều kinh nghiệm

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc: Coi trọng yếu tố con người

Thứ tưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc trong buổi làm việc với Ban Chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia tỉnh vào chiều 24-6 đã nhấn mạnh: “Đồng Nai đã có kinh nghiệm tổ chức thi, chấm thi nhiều năm đảm bảo an toàn, nghiêm túc, điều đó là rất quý. Kinh nghiệm đó cần tiếp tục phát huy, đảm bảo tuyệt đối đúng quy trình chấm thi, trong đó coi trọng yếu tố con người trong tổ chức chấm thi”.

Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đào Đức Trình, phụ trách công tác thanh tra của kỳ thi, trong 5 buổi thi, tỷ lệ thí sinh đến dự thi đều đạt trên 99%. Kỳ thi đạt được nhiều tiêu chí như: không có cán bộ vi phạm quy chế coi thi; không có thí sinh nào vi phạm kỷ luật phòng thi như: mang tài liệu, điện thoại, quay cóp tài liệu trong phòng thi. Đề thi được quản lý chặt chẽ, không bị lộ, lọt ra ngoài trong giờ làm bài.

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia tỉnh chia sẻ, đến thời điểm này đã có thể yên tâm với khâu tổ chức thi, đây vốn là khâu phức tạp, dễ xảy ra rủi ro vì tổ chức thi trên diện rộng với 60 điểm thi, huy động trên 3 ngàn cán bộ tổ chức thi. Đó là chưa kể đến sự tham gia gián tiếp của nhiều lực lượng khác như: công an, nhân viên y tế, điện lực, sinh viên tình nguyện…

Đánh giá kết quả tổ chức kỳ thi năm nay, Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho rằng, các thí sinh toàn tỉnh đã rất nghiêm túc, nỗ lực cho kỳ thi. Các sở, ngành, địa phương đã cộng đồng trách nhiệm, phối hợp nhịp nhàng trong quá trình tổ chức thi. Các trường được chọn làm điểm thi đã chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, nhất là phòng chủ tịch điểm thi, vì đây là nơi tiếp nhận bảo quản đề thi, bài thi. Camera được lắp đặt ở 60 phòng chủ tịch điểm thi đều hoạt động trơn tru suốt những ngày thi. Một khâu rất quan trọng là cán bộ tổ chức thi, coi thi đã được tập huấn rất kỹ về quy chế tổ chức thi, coi thi.

Thí sinh Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) phấn khởi, tự tin sau khi kết thúc Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: Công Nghĩa

Thí sinh Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) phấn khởi, tự tin sau khi kết thúc Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: Công Nghĩa

Những quy định mới của kỳ thi như bốc thăm chọn phòng thi, bốc thăm chọn phương án phát đề ở mỗi buổi thi đã được phổ biến kỹ, từ đó cán bộ coi thi đã thực hiện đúng quy định. Ở 60 điểm thi, không có thí sinh nào bị phát nhầm đề hay giám thị ký nhầm trên bài thi của thí sinh dẫn đến phải làm lại bài thi, ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh. Có trường hợp thí sinh gặp sự cố không thể viết trong bài thi Ngữ văn đã được Sở tổ chức 1 phòng thi cho riêng thí sinh này. Hay có thí sinh bị ngất trong lúc làm bài thi Toán, Sở cũng đã chỉ đạo xử lý tốt vừa đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, đồng thời không gây tâm lý hoang mang cho các thí sinh khác tại điểm thi này.

* Siết chặt công tác chấm thi

Dù kỳ thi THPT quốc gia phải đến trưa 27-6 mới kết thúc nhưng buổi sáng ngày trước đó các điểm thi đã bắt đầu công việc bàn giao bài thi về địa điểm tập kết và tổ chức chấm do Sở GD-ĐT bố trí tại TP.Biên Hòa.

Đến đầu giờ chiều 27-6 đã có 100% bài thi của thí sinh được chủ tịch điểm thi vận chuyển về điểm tập kết và hoàn tất công tác bàn giao bài thi. Những điểm thi xa như ở huyện Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ cũng đã hoàn thành công tác giao bài thi ngay trong đầu giờ chiều 27-6.

Trong 5 buổi thi của kỳ thi, có trên 157 ngàn bài thi của thí sinh đã được nộp và chuyển về điểm chấm thi, trong đó có 27.164 bài thi tự luận môn Ngữ văn, còn lại ở bài thi trắc nghiệm. Các bài thi đều được bảo quản, niêm phong kỹ trước khi đưa ra khỏi điểm thi bàn giao tại điểm tập kết. Phó giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho biết: “Sau khi tiếp nhận bài thi chuyển về từ các điểm thi, chúng tôi đã đưa vào khu vực bảo quản, có cán bộ trực bảo vệ, có phương án phòng chống cháy nổ, lắp đặt camera quan sát 24/24 giờ”.

Theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, các bài thi trắc nghiệm tại kỳ thi năm nay sẽ do trường đại học được Bộ chỉ định chấm thi ngay tại địa phương, còn Sở GD-ĐT sẽ chịu trách nhiệm chấm bài thi tự luận Ngữ văn. Theo đó Sở GD-ĐT đã triệu tập 130 giáo viên Ngữ văn của các trường THPT làm nhiệm vụ chấm thi. Sở GD-ĐT đã thống nhất với Trường đại học công nghiệp TP.Hồ Chí Minh từ nhiều tháng trước về chọn địa điểm tổ chức chấm thi trắc nhiệm, chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất... Sở đã bố trí 6 máy quét bài thi tốc độ cao, 5 máy tính và 2 máy in. Trong các phòng chấm ở cả 2 khu vực chấm thi tự luận và trắc nghiệm đều được trang bị camera, cán bộ tuyệt đối không được mang điện thoại vào khu vực chấm thi. Lực lượng an ninh còn lắp đặt thiết bị phá sóng điện thoại để đảm bảo công tác chấm thi nghiêm túc, đúng quy định...

Các địa phương phải công bố điểm thi vào ngày 14-7

Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các trường đại học được chỉ định phối hợp với địa phương tổ chức chấm thi THPT quốc gia năm 2019 ngoài tuân thủ quy trình, đảm bảo nghiêm túc và an toàn, phải tuân thủ tuyệt đối quy định về thời gian. Chậm nhất ngày 11-7 phải gửi kết quả chấm thi về Bộ, các địa phương phải công bố điểm thi vào ngày 14-7, không địa phương nào được công bố trước hoặc sau ngày này.

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/201906/ky-thi-thpt-quoc-gia-2019-an-toan-nghiem-tuc-dung-quy-che-2952832/