Kỳ thi THPT Quốc gia nhìn từ dịch Covid- 19: Cần tính đến giải pháp căn cơ nhất
Trong công văn hỏa tốc gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 (lần 2), Bộ GD&ĐT quyết định lùi lịch thi THPT Quốc gia 2020 đến ngày 8/8. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT phải điều chỉnh kế hoạch năm học.
Nhiều chuyên gia cho rằng Bộ GD&ĐT cần tính toán đến phương án không tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia. Tuy nhiên, thực tế tại các trường ĐH lại ghi nhận việc tìm kiếm phương án xét tốt nghiệp, dừng thi THPT Quốc gia năm nay chưa hẳn là giải pháp căn cơ nhất.
Xét tuyển thay thi tuyển?
TS Nguyễn Tùng Lâm - thành viên Tổ tư vấn Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng cho rằng, việc điều chỉnh thời gian thi THPT Quốc gia sang tháng 8 của Bộ GD&ĐT phù hợp nếu học sinh nghỉ hết tháng 3. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, thì việc lùi thời gian thi không còn khả thi.
Theo thầy Lâm, nếu kỳ thi THPT Quốc gia diễn ra vào tháng 8, việc chấm thi mất khoảng 1 tháng để hoàn thành. Như vậy, việc công bố kết quả thi và xét tuyển CĐ, ĐH sẽ phải kéo dài đến giữa tháng 9, trong đó mùng 5/9 đã khai giảng năm học mới.
“Chúng ta có thể lùi, nhưng để chuẩn bị một kịch bản xấu hơn, thì cần chủ động. Hiện nay, chúng ta vẫn đang điều chỉnh theo kiểu chạy theo. Để tránh những áp lực, quá tải cho thầy và trò, Bộ GD&ĐT cần tránh việc học và thi tràn lan như hiện nay, thầy và trò phải học từ đầu đến cuối sách giáo khoa là không hợp lý. Việc học nên có những trọng tâm kiến thức, rèn luyện tư duy, câu hỏi thi cũng nên khác đi, hiện nay thi vẫn nặng về kiểm tra học sinh có nhớ kiến thức không, chứ không phải vận dụng ra sao”, thầy Lâm nói.
Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cũng đề xuất Bộ GD&ĐT nên xem xét việc xét tuyển thay vì thi THPT Quốc gia. Việc xét tuyển ĐH sẽ giao về cho các trường xét học bạ hoặc có những cách đánh giá khác cho phù hợp.
Là người đưa ra ý tưởng có thể xét tốt nghiệp THPT cho năm học 2019-2020, ngay từ cuối tháng 2/2020, ông Đỗ Hoàng Sơn - một chuyên gia của Liên minh Giáo dục STEM, thành viên Hội đồng Giám khảo Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật quốc gia (ISEF) cho biết: Ông đưa ra ý kiến trên dựa vào những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam bởi đến nay chưa ai có thể biết chính xác thời gian an toàn để học sinh quay trở lại trường học, chúng ta cần có phương án chủ động nếu phải “kháng chiến lâu dài” với dịch bệnh.
Chính vì thế, ông Sơn đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cần chủ động xây dựng phương án, trình xin ý kiến Chính phủ, Quốc hội, Bộ Chính trị cho học sinh lớp 12 năm nay xét tốt nghiệp THPT theo kết quả của 5 học kỳ đã qua. Bộ trưởng GD&ĐT chỉ cần ủy quyền cho Hiệu trưởng các trường tổ chức thực hiện dưới sự giám sát của Sở GD&ĐT. Trường đại học có thể tuyển sinh theo học bạ và phỏng vấn, kiểm tra… để tuyển sinh theo nhiều đợt khác nhau.
Lý giải chi tiết, ông Sơn lập luận: “Nếu sang tháng 4 học sinh vẫn tiếp tục nghỉ học thì đối với lớp 12 kiến thức sẽ bị “dồn toa”, không còn dư địa để lùi, sẽ “kịch khung” và ảnh hưởng tới kế hoạch năm học sau. Hơn nữa, việc này còn gây tâm lý lo lắng, áp lực cho học sinh, phụ huynh, giáo viên. Việc xét tốt nghiệp theo kết quả các kỳ học không chỉ thích ứng với dịch bệnh mà còn phù hợp với khoa học giáo dục và xu hướng đánh giá kết quả qua cả quá trình chứ không phải chỉ 1 kỳ thi. Chúng ta cũng sẽ tiết kiệm được một khoản không nhỏ kinh phí tổ chức thi chung để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh”.
Có thể sẽ vỡ trận?
Tuy nhiên, đứng ở góc độ các trường đại học, việc dừng không thi THPT Quốc gia không chỉ ảnh hưởng kế hoạch tuyển sinh của các trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thí sinh. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tỷ lệ tốt nghiệp hằng năm rất cao, ngay cả năm 2019 khi thay đổi cách thức xét, tỷ lệ này cũng chỉ giảm nhẹ từ trên 97% xuống còn trên 94%. Như vậy, dù không có kỳ thi này, hầu hết học sinh đã tốt nghiệp.
Nhưng thống kê số liệu xét tuyển đại học các năm vừa qua cho thấy các trường lấy nguồn tuyển từ kỳ thi này là chủ yếu. Có tới trên 70% chỉ tiêu của các trường đại học xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT Quốc gia. Trong đó, khoảng 100 trường đại học lớn chủ yếu tuyển sinh từ kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia. Các trường khác, đặc biệt là khối trường tư thục, chủ yếu xét tuyển từ học bạ. Do vậy, việc không có kỳ thi này sẽ ảnh hưởng việc tuyển sinh của các trường lớn, và các trường này tuyển sinh theo phương thức nào khi không có nguồn tuyển từ đây sẽ có tác động rất lớn đến thí sinh.
PGS Trần Trung Kiên - Trưởng phòng tuyển sinh, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết do dịch Covid-19 nên thời gian đăng ký, thi, chấm thi, thay đổi nguyện vọng của thí sinh sẽ bị lùi đi một chút. Và khóa tuyển mới năm nay của trường sẽ bị lùi vài tuần. Tuy nhiên, giả sử Bộ GD&ĐT không thể tổ chức được kỳ thi THPT Quốc gia do dịch bùng phát, lúc đó cần tìm phương án thay thế và phương án này cần có sự đồng thuận của các trường và xã hội. Trường sẽ bàn thêm với một số trường trong nhóm để có phương thức tuyển sinh nào hợp lý nhất.
“Do chống dịch Covid-19 được đặt lên hàng đầu, việc thi hay tuyển sinh của các trường cũng chỉ là thứ yếu. Bộ cũng cân nhắc theo sự tiến triển của dịch. Trường sẽ căn cứ trên khuyến cáo của Bộ để triển khai. Tuy nhiên, không phải đợi đến khi Bộ khuyến cáo trường mới chuẩn bị. ĐH Bách khoa Hà Nội đang phối hợp những tổ chức để tổ chức thi đánh giá năng lực, trong trường hợp cần sẽ sử dụng”, PGS Trần Trung Kiên thông tin.
PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng nếu không có kỳ thi THPT Quốc gia, thí sinh sẽ vất vả hơn nhiều so với mọi năm. Vì các trường ĐH sẽ tổ chức tuyển sinh. Mà như thế thí sinh không có nhiều thời gian để chuẩn bị trước nên sẽ gặp khó khăn.
“Vì vậy, ý kiến cá nhân của tôi là có thể linh hoạt hơn trong xét tốt nghiệp THPT, còn không thể bỏ thi THPT Quốc gia”, PGS Bùi Đức Triệu nói.
Đồng quan điểm này, đại diện một trường ĐH Y khu vực phía Bắc cho rằng nếu không tổ chức thi THPT Quốc gia, các trường ĐH tự chọn phương án tuyển sinh sẽ “vỡ trận”. Vì các trường và bản thân thí sinh còn quá ít thời gian để chuẩn bị.
Giảm nhẹ kiến thức
Trong tình huống nếu kịp thi THPT Quốc gia trong tháng 8, TS Nguyễn Tùng Lâm cũng bày tỏ Bộ GD&ĐT nên tính đến việc điều chỉnh nội dung đề thi, ra đề để đánh giá được phương pháp tư duy, năng lực của học sinh chứ không phải là kỹ năng làm bài, khối lượng kiến thức như lâu nay, không nên quá dàn trải hết chương trình.
Còn ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM bày tỏ: “Theo Luật, chúng ta chắc chắn phải tổ chức thi THPT Quốc gia còn thi thời điểm nào thì còn tùy theo diễn biến của dịch bệnh. Hiện nay, Bộ GD&ĐT cũng đã lùi việc thi này vào tháng 8”.
Ông Sơn bày tỏ rằng chúng ta có thể rút ngắn thời gian đào tạo lại, đẩy mạnh việc dạy học online trong thời gian học sinh không đến trường. Về lượng kiến thức thi cũng cần nên hạn chế để không tạo áp lực cho học sinh.
Về câu chuyện tuyển sinh của các trường đại học, ông Phạm Thái Sơn cho rằng, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng chậm lại theo diễn biến của dịch, tuy nhiên, các trường phải có biện pháp để ứng phó như tăng cường các phương án, hình thức xét tuyển riêng như xét tuyển theo học bạ, phỏng vấn online.
Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) đề xuất, đối với kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020, Bộ GD&ĐT có thể xem xét và quyết định chỉ thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; bỏ các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.
Nội dung đề thi năm nay cũng cần có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Năm nay khi chưa xảy ra dịch bệnh, Bộ GD&ĐT chủ trương không công bố đề minh họa kỳ thi quốc gia. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh phức tạp khiến học sinh tiếp tục phải nghỉ học như hiện nay, thầy Khang cho rằng, Bộ cần sớm ban hành đề minh họa các môn thi, giúp học sinh và các nhà trường có kênh tham khảo chính thức để ôn tập và yên tâm về định hướng ra đề trong năm học “đặc biệt” này.
Trước ý kiến đề xuất của các chuyên gia giáo dục, chiều 17/3, thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết kỳ thi THPT Quốc gia sẽ có những điều chỉnh để phù hợp tình hình mới. Bộ GD&ĐT khẳng định kỳ thi này được giữ ổn định trong giai đoạn 2017-2020. Kết quả của kỳ thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục của các địa phương, làm cơ sở để tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Trên thực tế, các trường đại học đều sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia để tuyển sinh ở mức độ khác nhau. Do đó, kỳ thi sẽ được tổ chức với phương thức ổn định như năm 2019. Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu giảm tải chương trình để vừa đảm bảo mục tiêu giáo dục vừa phù hợp điều kiện dạy học của nhà trường trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh. Bộ cũng sẽ xây dựng và công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT Quốc gia 2020 phù hợp giảm tải chương trình, làm định hướng cho các nhà trường tổ chức dạy học, ôn tập. Vì vậy, giáo viên và học sinh không quá lo lắng. Đồng thời, Bộ GD&ĐT tiếp tục chủ động bám sát diễn biến của dịch Covid-19 để có các giải pháp phù hợp trong dạy học và thi theo tình hình thực tế diễn biến của dịch bệnh.