Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Hà Nội quán triệt '6 rõ', không để xảy ra sự cố

Hà Nội là địa phương có số lượng thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT đông nhất cả nước. Hiện thành phố đang khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị cho kỳ thi với tinh thần '6 rõ' để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc và không bị ảnh hưởng bởi việc sắp xếp bộ máy hành chính.

Đảm bảo mọi khâu không bị gián đoạn, kiểm soát tốt các nguy cơ phát sinh

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra trong hai ngày 26 và 27/6. Theo số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, toàn quốc có gần 1,17 triệu thí sinh đăng ký dự thi năm nay, trong đó Hà Nội chiếm gần 125.000 thí sinh, tương đương hơn 1/10 tổng số thí sinh toàn quốc. Đây là con số kỷ lục về quy mô thi tại một địa phương, đồng thời là thách thức lớn trong công tác tổ chức, nhân lực và cơ sở vật chất.

Trong đó, hơn 5.100 thí sinh tự do của Hà Nội cũng cần được chú ý đặc biệt để bảo đảm điều kiện dự thi và công bằng trong đánh giá kết quả. Đáp ứng quy mô khổng lồ này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã lên kế hoạch bố trí trên 250 điểm thi với hơn 5.500 phòng thi - tăng gần 50 điểm thi và gần 500 phòng thi so với năm 2024. Việc mở rộng này đòi hỏi phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, cơ sở vật chất, công tác an ninh và các phương án tổ chức.

Hà Nội đã lên kế hoạch bố trí trên 250 điểm thi với hơn 5.500 phòng thi (ảnh minh họa)

Hà Nội đã lên kế hoạch bố trí trên 250 điểm thi với hơn 5.500 phòng thi (ảnh minh họa)

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thực hiện kỳ thi theo nguyên tắc “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian và rõ kết quả. Đây được xem như kim chỉ nam để đảm bảo mọi khâu trong tổ chức thi không bị gián đoạn, kiểm soát tốt các nguy cơ phát sinh và đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Trần Sỹ Thanh, đã ký ban hành các văn bản chỉ đạo yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các quận, huyện, sở ngành triển khai phương án thi đúng theo “6 rõ”, phân công trách nhiệm cụ thể, tăng cường kiểm tra và chuẩn bị các phương án ứng phó kịp thời.

Một điểm đáng chú ý là kỳ thi diễn ra trong bối cảnh bộ máy hành chính mới của Hà Nội sẽ bắt đầu vận hành từ ngày 1/7/2025 – chỉ vài ngày sau kỳ thi. Điều này đặt ra áp lực lớn, khi nhiều cán bộ có thể đang trong giai đoạn chuyển giao hoặc thay đổi vị trí công tác. Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà nhấn mạnh tuyệt đối không để bất kỳ khâu nào bị gián đoạn hoặc ảnh hưởng từ việc sắp xếp bộ máy hành chính.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố và các đơn vị liên quan xây dựng các phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối. Công tác y tế, kiểm tra an toàn thực phẩm cũng được bố trí chu đáo nhằm đảm bảo sức khỏe cho thí sinh và cán bộ tham gia kỳ thi.

Thanh tra thành phố cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra, giám sát các khâu theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo kỳ thi diễn ra minh bạch, trung thực, không xảy ra sai sót hay tiêu cực.

Phối hợp đồng bộ và kiểm soát chặt mọi khâu - chìa khóa của thành công

Tại các quận, huyện như Đông Anh, Long Biên, Ba Vì, công tác tổ chức kỳ thi cũng được triển khai cụ thể. Ví dụ, huyện Đông Anh dự kiến bố trí 12 điểm thi tại các trường đủ điều kiện về cơ sở vật chất và an toàn, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về quy chế thi và các điểm mới của kỳ thi năm nay, giúp thí sinh nắm vững quy định và chuẩn bị tốt nhất.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, cho biết nhà trường có 276 học sinh lớp 12 tham dự kỳ thi, trong đó có khoảng 20 em học lực yếu được hỗ trợ đặc biệt thông qua các lớp ôn tập riêng biệt nhằm giúp các em đủ điều kiện dự thi và tốt nghiệp. Nhà trường luôn hướng tới sự tiến bộ và công bằng, không chạy theo thành tích mà chú trọng sự phát triển năng lực từng học sinh.

"Đến thời điểm này, nhà trường đã tổ chức hai vòng thi thử: vòng đầu tiên là kỳ kiểm tra học kỳ II; vòng thứ hai là kỳ thi thử toàn diện, dự kiến diễn ra trước khi học sinh nghỉ chính thức để ôn thi. Nhà trường cũng đã phổ biến kỹ quy chế thi và các điểm mới của kỳ thi cho các thí sinh", thầy Tùng Lâm cho biết thêm.

Tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên), Hiệu trưởng Lê Trung Kiên khẳng định nhà trường đã tạo mọi điều kiện để học sinh yên tâm ôn tập và chuẩn bị tâm lý trước kỳ thi. Đồng thời, các quy định về vật dụng được mang vào phòng thi, trách nhiệm cá nhân trong phòng thi được phổ biến kỹ càng để tránh vi phạm quy chế.

Việc thực hiện nghiêm nguyên tắc “6 rõ”, phối hợp đồng bộ và kiểm soát chặt chẽ mọi khâu là được coi chìa khóa để Thủ đô đảm bảo kỳ thi diễn ra đúng quy định, không để xảy ra gián đoạn hay sự cố đáng tiếc nào.

Hà Nội xác định kỳ thi tốt nghiệp THPT là nhiệm vụ chính trị quan trọng và huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng tham gia. Công an thành phố được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh, chống gian lận công nghệ cao; Sở Y tế bố trí đủ nhân lực y tế, thuốc men, phương tiện, sẵn sàng ứng trực tại các điểm thi và kiểm tra an toàn thực phẩm tại khu vực lân cận.

Thanh tra thành phố cử cán bộ tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát kỳ thi theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm tuyệt đối trung thực, không xảy ra tiêu cực.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho biết đơn vị đã chuẩn bị kế hoạch tập huấn kỹ lưỡng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên coi thi, chấm thi. Bên cạnh đó, phương án nhân sự dự phòng cũng được lên kế hoạch sẵn sàng, nhằm ứng phó kịp thời nếu có biến động do sắp xếp tổ chức bộ máy hoặc các tình huống phát sinh.

Toàn bộ danh sách điểm thi của thành phố dự kiến công bố vào ngày 4/6, làm căn cứ để các địa phương xây dựng phương án triển khai chi tiết, phân công trách nhiệm cụ thể.

Trong bối cảnh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều thay đổi cả về chương trình giáo dục, bộ máy hành chính và quy mô tổ chức, Hà Nội đang thể hiện rõ sự chủ động và tinh thần trách nhiệm cao nhất để tổ chức kỳ thi nghiêm túc, an toàn và thành công.

Thu Hằng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ky-thi-tot-nghiep-thpt-2025-ha-noi-quan-triet-6-ro-khong-de-xay-ra-su-co-post1201657.vov