Khung quy đổi điểm tương đương trong thi đại học quá phức tạp, khó hiểu

Đưa ra khung quy đổi điểm là nhiệm vụ của các trường đại học nhằm để Bộ GD&ĐT giám sát tính công bằng, minh bạch, thí sinh không nên hoang mang về cách tính như thế nào.

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã chính thức có hướng dẫn cụ thể khung quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức xét tuyển.

Ngay sau khi bảng quy đổi được đưa ra, nhiều phụ huynh và thí sinh tham gia kỳ thi năm nay đều cảm thấy sự điều chỉnh này có phần khó hiểu và phức tạp.

Em Quỳnh Anh – Học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn bày tỏ: "Em đã tham dự kỳ thi Đánh giá năng lực, tuy nhiên, việc quy đổi thang điểm chung như vậy không rõ có đảm bảo công bằng hay không vì các phương thức có các bài thi khác nhau".

Ngoài ra, em học sinh này cũng nhận thấy bảng quy đổi có phần phức tạp, khó biết rõ mình nằm trong tốp nào theo quy định.

Rối rắm, khó hiểu cũng là đánh giá chung của các bậc phụ huynh, chị Ngọc Thu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Vì không rõ công thức quy đổi nên gia đình rất lo lắng về tính công bằng. Chúng tôi mong các trường sớm công bố công thức quy đổi để có định hướng đăng ký nguyện vọng phù hợp".

Vị phụ huynh này cũng bày tỏ nếu biết trước sẽ có quy định này bản thân sẽ đăng ký cho con nhiều kỳ thi để tránh việc quy đổi không chính xác.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT khẳng định việc quy đổi điểm tương đương là nhiệm vụ thuộc về các trường đại học, thông qua các phần mềm và dữ liệu lớn hỗ trợ. Vì vậy, thí sinh và phụ huynh không nên quá lo lắng và mất thời gian vào cách quy đổi điểm.

Thứ trưởng Bộ GĐ&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay: "Việc đưa ra khung quy đổi nhằm giúp các trường đại học xác định điểm chuẩn cho từng phương thức một cách công bằng, minh bạch, thay vì chỉ dựa vào chỉ tiêu như những năm trước".

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, các trường đều đưa ra căn cứ về phân chia chỉ tiêu ở các phương thức. Điều này dẫn đến tình trạng có phương thức điểm chuẩn "nhảy vọt" lên cao nhưng xét tuyển ở hình thức khác lại thấp hơn.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức xét tuyển nhằm đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức xét tuyển nhằm đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

"Quy đổi điểm chuẩn là do trường đại học tính toán và công bố công khai để Bộ GD&ĐT giám sát các trường làm như vậy có phù hợp, công bằng, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh hay không.

Với thí sinh từ năm 2023 các em đã không cần phải đăng ký theo phương thức mà chỉ cần đăng ký ngành, sẽ có phần mềm lựa chọn tổ hợp, cũng như phương thức tốt nhất. Vì vậy, các em không cần lo lắng phải tính điểm của mình sẽ được quy đổi như thế nào", ông Hoàng Minh Sơn bày tỏ.

Bên cạnh đó, quy đổi điểm nhằm đảm bảo thí sinh trúng tuyển ở các phương thức khác nhau có trình độ tương đương nhau và không làm thay đổi năng lực và điểm thi các em.

Về câu hỏi bài thi là khác nhau việc quy đổi chung về một điểm số liệu có phù hợp, Thứ trưởng cho biết: "Mặc dù là các bài thi khác nhau, nhưng cùng đánh giá chung những năng lực cốt lõi của thí sinh, phù hợp với ngành đăng ký thì việc quy đổi cũng sẽ không ảnh hưởng đến các em".

Ở đây, khung quy đổi đưa ra các khoảng điểm của các bài thi riêng (APT, HSA, TSA..) và khoảng điểm các tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT phù hợp được sử dụng phương pháp bách phân vị trên cơ sở phân tích kết quả thi của những thí sinh có cả điểm bài thi riêng và điểm tổ hợp môn thi tốt nghiệp tương ứng của năm 2025. Các khoảng điểm được xếp tương ứng với tốp 0,5%, 1%, 3%, 5%, 10%...

Tư vấn đến các thí sinh, ông Ngô Quý Thu - Giám đốc Tuyensinh247.com lưu ý các em tránh hiểu nhầm cách tính nhóm 1% hay 2% trong bản quy đổi là tổng số thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT hay các kỳ thi riêng khác nhau.

"Ở đây cách tính phân vị là lấy dữ liệu từ số học sinh vừa tham gia thi tốt nghiệp THPT và thi các kỳ thi riêng sau đó chia ra thành những nhóm nhỏ, để đưa ra điểm quy đổi chính xác nhất. Nên thí sinh không nên lo lắng về việc sợ mất công bằng", ông Ngô Quý Thu bày tỏ.

Hiện Đại học Bách khoa là một trong những đơn vị đầu tiên công bố phương án quy đổi theo phương pháp bách phân vị để tìm ra các mức điểm chuẩn tương đương giữa 3 phương thức tuyển sinh bao gồm: phương thức Xét tuyển tài năng (XTTN), phương thức xét tuyển theo điểm thi Đánh giá tư duy (ĐGTD) và phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT).

Nhà trường cho biết đã tiến hành thống kê, phân tích dữ liệu tuyển sinh của 3 năm trở lại đây, các tổ hợp xét tuyển khác nhau, phân tích phổ điểm XTTN theo các diện, phổ điểm bài thi TSA, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT với tổ hợp gốc là A00 (Toán-Lý-Hóa) để làm căn cứ xác định khoảng phân vị tương quan.

Bảng phân vị tương quan mức điểm chuẩn giữa các phương thức tuyển sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội

Bảng phân vị tương quan mức điểm chuẩn giữa các phương thức tuyển sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội

Theo đó, Top% điểm thi tốt nghiệp THPT được tính trên tổng điểm của tổ hợp xét tuyển gốc là A00 (Toán-Lý-Hóa) đối với các thí sinh có điểm từ mức điểm sàn đến mức cao nhất (30 điểm);

Top% điểm XTTN 1.2 và 1.3 được tính trên tổng số thí sinh có điểm theo phương thức XTTN từ mức điểm sàn đến mức cao nhất (100 điểm);

Top% điểm ĐGTD được tính trên tổng số thí sinh có điểm TSA từ mức điểm sàn đến mức cao nhất (100 điểm).

Đối với các tổ hợp điểm thi tốt nghiệp THPT khác ngoài tổ hợp gốc A00 trên cũng sẽ được Đại học Bách khoa Hà Nội tính toán dựa theo các mức điểm chênh tương ứng do Bộ GD&ĐT công bố cùng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Về việc Đại học Bách khoa lựa chọn khối A00 làm điểm đối sánh với các phương thức khác, ông Vũ Khắc Ngọc – Giáo viên luyện thi môn Hóa học đánh giá các môn thi khối A00 được coi là phù hợp nhất với kỳ thi TSA, điều này chỉ để phục vụ việc tìm ra tương quan, bách phân vị và xây dựng công thức quy đổi cho từng khoảng điểm. Điều này không đồng nghĩa với việc các em phải thi khối A00 mới được quy đổi điểm.

Ở nhóm trường đào tạo về Khoa học xã hội, trao đổi với Người Đưa Tin, TS.Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho biết: "Tất cả các phương thức và tổ hợp xét tuyển vào các ngành đào tạo của trường sẽ sử dụng một thang điểm chung là thang điểm 40, theo đó điểm môn Ngoại ngữ sẽ được nhân đôi".

Theo phân tích của Tổ chuyên gia tư vấn kỹ thuật của Bộ GD&ĐT phương pháp bách phân vị được khuyến nghị sử dụng trong trường hợp quy đổi điểm giữa các bài thi đảm bảo thứ hạng thí sinh, tính công bằng, minh bạch và ổn định theo các đợt thi, các năm tuyển sinh.

Phương pháp bách phân vị (Percentile Equating): Phương pháp này dựa trên phân bố điểm của 2 kỳ thi, xác định điểm ở cùng phân vị (percentile) để chuyển đổi. Theo cách này, bách phân vị quy đổi điểm thành các mức phân vị, giúp chỉ ra vị trí của thí sinh trong tổng thể điểm của nhóm. Phân vị được sử dụng để so sánh thí sinh trong mối quan hệ với những thí sinh khác tham gia kỳ thi. Phương pháp quy đổi này chuyển đổi điểm thành phân vị, tức là xếp điểm số của một thí sinh vào một phân vị cụ thể theo phân phối điểm thi.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khung-quy-doi-diem-tuong-duong-trong-thi-dai-hoc-qua-phuc-tap-kho-hieu-204250523172625409.htm