Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026: Phản ánh khách quan và toàn diện chất lượng dạy và học

Với mục tiêu đánh giá khách quan chất lượng dạy và học trong năm học đầu tiên học sinh lớp 9 học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2025 - 2026 tại tỉnh Lạng Sơn đã diễn ra an toàn và nghiêm túc. Phóng viên Báo và Đài PTTH Lạng Sơn có cuộc phỏng vấn Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2025 - 2026 để có những đánh giá sâu sắc hơn về kỳ thi này.

NGƯT Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Trước hết, có thể khẳng định kết quả Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay đã phản ánh khách quan và khá toàn diện chất lượng dạy và học của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Kết quả này là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là sự chỉ đạo sát sao của Sở Giáo dục và Đào tạo, sự nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá của đội ngũ giáo viên và đặc biệt là tinh thần cố gắng, ý thức tự học, tự rèn luyện của các em học sinh.

Năm học vừa qua, Sở đã tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục phổ thông, tổ chức kiểm tra, đánh giá thường xuyên, thi thử để học sinh làm quen với hình thức thi mới, từ đó điều chỉnh phương pháp học tập phù hợp. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, các hình thức ôn tập đa dạng, tài liệu tham khảo được biên soạn phù hợp cũng đã giúp học sinh có thêm kênh hỗ trợ. Ngoài ra, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội cũng góp phần quan trọng để các em có được tâm thế tốt nhất bước vào kỳ thi.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Chuyên Chu Văn An vui mừng sau khi hoàn thành bài thi

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Chuyên Chu Văn An vui mừng sau khi hoàn thành bài thi

Phóng viên: Thưa bà, kết quả kỳ thi năm nay đã cho thấy những điểm mạnh và điểm cần cải thiện nào trong công tác dạy và học tại các trường trên địa bàn tỉnh?

NGƯT Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Kết quả kỳ thi năm nay cho thấy một số điểm mạnh rất đáng ghi nhận. Trước hết, phổ điểm các môn cơ bản như Toán, Ngữ văn tiếp tục duy trì ổn định, phản ánh chất lượng dạy học cơ bản đã bám sát chuẩn đầu ra. Đặc biệt, so với các năm học trước, phổ điểm môn Ngoại ngữ đã có xu hướng tăng, chứng tỏ nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường thực hành và đa dạng hóa hoạt động rèn luyện kỹ năng của các nhà trường đã phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, kết quả cũng chỉ ra một số tồn tại mà toàn ngành cần nghiêm túc nhìn nhận. Đáng chú ý, vẫn còn sự chênh lệch khá rõ giữa điểm trung bình học bạ lớp 9 và điểm thi thực tế, điều này phản ánh thực trạng việc đánh giá trong quá trình học tập ở một số nơi còn chưa thật sát với năng lực thực chất của học sinh. Ngoài ra, khoảng cách chất lượng môn Toán và Ngoại ngữ giữa các vùng trung tâm và vùng khó khăn vẫn chưa được thu hẹp triệt để. Nhóm học sinh có năng lực nổi trội chưa thật sự bứt phá mạnh mẽ. Nguyên nhân chính xuất phát từ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên Toán, Ngoại ngữ ở một số trường còn thiếu kinh nghiệm thực tế, việc tự học, rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ của học sinh chưa đồng đều.

Do đó ngành giáo dục tiếp tục rà soát, điều chỉnh cách thức dạy học, kiểm tra, đánh giá và tổ chức bồi dưỡng, hỗ trợ phù hợp hơn trong thời gian tới.

Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2025 - 2026

Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2025 - 2026

Phóng viên: Từ những phân tích đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn sẽ có những giải pháp trọng tâm nào để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới thưa bà?

NGƯT Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Trên cơ sở những kết quả đạt được và các vấn đề còn tồn tại, thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn sẽ tập trung vào một số nhóm giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thông qua bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, đặc biệt chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thứ hai, chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp, phát hiện, bồi dưỡng học sinh khá, tốt và hỗ trợ kịp thời học sinh chưa đạt, nhằm thu hẹp khoảng cách vùng miền, nâng chất lượng đồng đều.

Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng học trực tuyến, kết hợp đa dạng hóa phương pháp dạy học, xây dựng ngân hàng câu hỏi, đề thi bám sát yêu cầu thực tiễn.

Thứ tư, học sinh cần nâng cao năng lực tự học và nâng cao kỹ năng tự đánh giá kết quả học tập, các em cần chủ động, tích cực trong việc lĩnh hội kiến thức, đặc biệt là nắm chắc kiến thức, kĩ năng cơ bản trong các bài học, chuyên đề gắn với việc giải quyết các vấn đề thực tiễn để đáp ứng mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thứ năm, tăng cường phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh và chính quyền địa phương trong quản lý, hỗ trợ học sinh, tạo điều kiện để các em phát huy tối đa năng lực, phẩm chất.

Với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, chúng tôi tin tưởng rằng chất lượng giáo dục của tỉnh sẽ tiếp tục được nâng cao, góp phần chuẩn bị tốt nhất cho học sinh bước vào các bậc học tiếp theo.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

Thu Hiền - Khánh Chi

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/ky-thi-tuyen-sinh-lop-10-nam-hoc-2025-2026-phan-anh-khach-quan-va-toan-dien-chat-luong-day-va-hoc-5052214.html