Luật mới từ 1/1/2026: Giáo viên vi phạm những điều này sẽ bị xử lý
Từ ngày 1/1/2026, Luật Nhà giáo chính thức có hiệu lực, quy định rõ những việc giáo viên được làm và bị cấm, trong đó đáng chú ý là không cấm dạy thêm nhưng nghiêm cấm ép học sinh học thêm.
Từ ngày 1/1/2026, Luật Nhà giáo chính thức có hiệu lực thi hành, mang đến những thay đổi quan trọng trong việc quy định quyền, nghĩa vụ và các hành vi nhà giáo được phép hoặc bị cấm làm. Đây là văn bản pháp lý lần đầu tiên ở Việt Nam quy định cụ thể về vị trí, vai trò, tiêu chuẩn và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo, những người giữ trọng trách “trồng người” cho đất nước.

Từ 1/1/2026, giáo viên được dạy thêm nhưng cấm ép học trò học thêm. Ảnh minh họa/Nguồn: VTC News
Nhiều quyền lợi thiết thực dành cho nhà giáo
Theo quy định trong Luật Nhà giáo năm 2025, giáo viên được trao quyền chủ động hơn trong chuyên môn. Cụ thể, họ được lựa chọn nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp với chương trình giáo dục, được tự do sử dụng học liệu trong khuôn khổ pháp luật và quy chế của cơ sở giáo dục. Việc này nhằm phát huy tính sáng tạo, nâng cao chất lượng dạy học thay vì rập khuôn theo các mẫu cố định.
Giáo viên cũng được quyền tham gia vào công tác quản lý, đóng góp ý kiến trong việc xây dựng và phát triển cơ sở giáo dục nơi mình công tác. Họ được tham gia đánh giá học sinh, đồng nghiệp, đề xuất khen thưởng hoặc xử lý vi phạm trong tập thể sư phạm.

Ảnh minh họa/Nguồn: báo Lao Động
Về mặt đời sống, Luật quy định rõ chế độ nghỉ hè, nghỉ lễ, các quyền lợi trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo hoặc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng thêm các chính sách hỗ trợ như nhà công vụ, phụ cấp lưu động, trợ cấp đi lại, ưu tiên tuyển dụng và luân chuyển công tác.
Đặc biệt, Luật không cấm giáo viên dạy thêm, nhưng yêu cầu việc dạy thêm phải đảm bảo tự nguyện, không được gợi ý hay ép buộc học sinh tham gia dưới bất kỳ hình thức nào.
Những điều nhà giáo tuyệt đối không được làm
Bên cạnh những quyền lợi mở rộng, Luật Nhà giáo cũng đưa ra loạt quy định nghiêm ngặt về những hành vi nhà giáo không được phép thực hiện. Đây là nội dung được dư luận quan tâm nhiều trong thời gian qua, nhất là sau những vụ việc tiêu cực liên quan đến đạo đức người thầy.
Theo đó, nhà giáo bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau:
Phân biệt đối xử với học sinh dưới bất kỳ hình thức nào, như trù dập, thiên vị, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của học sinh.
Gian lận trong kiểm tra, thi cử, đánh giá kết quả học tập hoặc công tác tuyển sinh.
Ép buộc học sinh học thêm, thu các khoản không đúng quy định, vận động phụ huynh đóng góp trái phép.
Lợi dụng danh nghĩa giáo viên để trục lợi cá nhân, can thiệp trái quy định vào hoạt động quản lý giáo dục.
Phát tán, quy kết trách nhiệm sai sự thật khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền, làm tổn hại đến uy tín nhà trường, đồng nghiệp hoặc tác động tiêu cực tới học sinh.

Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, giáo viên công tác trong các cơ sở công lập phải tuân thủ các quy định cấm của luật viên chức; giáo viên ở cơ sở ngoài công lập phải tuân theo các quy định của Bộ luật Lao động và hợp đồng đã ký kết.
Sự ra đời của Luật Nhà giáo được kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển lớn trong việc nâng cao vị thế của nghề dạy học. Lần đầu tiên, giáo viên được luật pháp xác lập vai trò trung tâm trong hoạt động giáo dục, đồng thời cũng phải chịu sự giám sát rõ ràng từ cộng đồng và cơ quan quản lý.
Nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá, với việc vừa đảm bảo quyền lợi, vừa siết chặt các chuẩn mực đạo đức, Luật Nhà giáo sẽ giúp đội ngũ nhà giáo ngày càng chuyên nghiệp, có trách nhiệm và được xã hội tôn vinh đúng mức.