Kỹ thuật bảo quản và tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi

Để đàn gia súc, gia cầm sinh trưởng và phát triển tốt, bà con cần quan tâm tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi.

Cán bộ thú y huyện Thanh Miện tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn bò

Cán bộ thú y huyện Thanh Miện tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn bò

Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong cả nước đang có diễn biến phức tạp. Tại Hải Dương, dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát, chăn nuôi phát triển tốt. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân như: đàn gia súc, gia cầm tăng do người dân đang ồ ạt tái đàn phục vụ nhu cầu thực phẩm cho các tháng cuối năm trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn nằm len lỏi nhiều trong khu dân cư. Các hoạt động buôn bán giết mổ tăng mạnh khó kiểm soát. Mầm bệnh tồn ở nhiều trong môi trường, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ xâm nhập vào các cơ sở chăn nuôi và gây bệnh, đặc biệt là các bệnh cúm gia cầm, viêm da nổi cục ở trâu bò, dịch tả lợn châu Phi…

Để đàn gia súc, gia cầm sinh trưởng và phát triển tốt, bà con cần quan tâm tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Kỹ thuật bảo quản và tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi như sau:

1. Bảo quản vaccine

Tùy từng loại vaccine sẽ có các điều kiện bảo quản khác nhau theo hướng dẫn được ghi trên nhãn lọ vaccine (thông thường vaccine được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C tránh ánh sáng, để ở ngăn mát tủ lạnh). Khi vận chuyển, vaccine phải được đựng trong dụng cụ chuyên dụng như: hộp xốp, phích đá, có đá lạnh, tránh va đập mạnh, ánh sáng trực tiếp.

2. Tiêm vaccine

- Đối tượng tiêm phòng: Toàn bộ đàn gia súc, gia cầm được nuôi trong các nông hộ, sẽ được tỉnh hỗ trợ 100% tiền mua vaccine dịch tả lợn cổ điển, tụ dấu lợn; tụ huyết trùng trâu bò, cúm gia cầm. Đối với vaccine lở mồm long móng và phòng bệnh tai xanh ở lợn được hỗ trợ cho đàn nái, đực giống nuôi trong nông hộ. Đối với các trang trại lớn có yếu tố nước ngoài thì tự chủ động kinh phí mua vaccine để tiêm phòng và có sự giám sát về kỹ thuật của cán bộ thú y.

- Kỹ thuật tiêm phòng: Đối với vaccine nhược độc đông khô (vaccine nhược độc dịch tả lợn, Newcastle, Lasota…), khi sử dụng phải được pha bằng nước sinh lý của nhà sản xuất. Vaccine pha xong nên dùng ngay và dùng hết càng sớm càng tốt. Đối với vaccine vô hoạt, vaccine vi khuẩn nhược độc dạng lỏng (đóng dấu, tụ huyết trùng, vaccine dại vô hoạt…), khi dùng phải lắc kỹ. Nếu tiêm trong ngày không hết phải hủy.

Có thể tiêm nhiều loại vaccine cho con vật cùng một lúc. Tuy nhiên, mỗi loại vaccine phải tiêm ở các vị trí khác nhau và dùng riêng bơm, kim tiêm. Chỉ tiêm vaccine cho động vật hoàn toàn khỏe mạnh, không ở trong tình trạng stress, có thai kỳ đầu. Theo dõi tình trạng của con vật sau khi tiêm vaccine ít nhất từ 1-2 giờ, chủ động thuốc để xử lý khi con vật bị phản ứng vaccine.

Khi tiêm, gia súc phải được khống chế để bảo đảm an toàn cho người tham gia tiêm phòng. Dụng cụ dùng cho tiêm phòng vaccine phải được vô trùng tuyệt đối bằng cách luộc sôi 15-20 phút, vớt ra để nguội, khô mới sử dụng.

Vị trí tiêm cho mỗi loại vật nuôi khác nhau theo hướng dẫn của cán bộ thú y; trâu bò tiêm dưới da cổ, lợn tiêm sau gốc tai hoặc mặt trong đùi; gà vịt tiêm vùng da cổ hoặc trong cánh, bắp thịt lườn.

3. Quản lý sau tiêm phòng

Sau khi tiêm phòng, chủ hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận tiêm phòng. Khi giấy chứng nhận tiêm phòng hết thời gian quy định nếu vật nuôi vẫn được nuôi tiếp thì chủ vật nuôi báo với cơ quan thú y để được hướng dẫn tiêm phòng nhắc lại và được cấp giấy chứng nhận tiêm phòng mới.

Mỗi cơ sở, hộ chăn nuôi phải có sổ theo dõi tiêm phòng cho từng loại bệnh, từng loại vật nuôi. Bà con chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng và thường xuyên giám sát đàn vật nuôi của mình để sớm phát hiện và xử lý kịp thời khi vật nuôi có biểu hiện ốm, chết.

NGUYỄN MINH ĐỨC (Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y)

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/ky-thuat-bao-quan-va-tiem-vaccine-phong-benh-cho-dan-vat-nuoi-359550.html