Kỹ thuật nuôi cá lồng

Hiện toàn tỉnh có 80 lồng nuôi cá tại các hồ chứa. Mô hình này đang là hướng phát triển kinh tế hiệu quả.

Mô hình nuôi cá lồng tại xã Xuân Lương (Yên Thế). Ảnh: CTV

Mô hình nuôi cá lồng tại xã Xuân Lương (Yên Thế). Ảnh: CTV

Ông Đỗ Huy Khôi, Chi cục Phó Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết, nuôi cá lồng có nhiều thuận lợi như đối tượng nuôi đa dạng; chi phí đầu tư không quá lớn; người nuôi kiểm soát được lượng thức ăn, thu hoạch thuận lợi.

Tuy nhiên, việc nuôi cá lồng hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường nước tự nhiên trong sông, hồ nên có thể gặp rủi ro về ô nhiễm nguồn nước. Nếu nuôi mật độ quá dày, các lồng gần nhau dễ xảy ra dịch bệnh (đốm đỏ, nấm), cá thiếu khí, chết ngạt. Để đàn cá trong lồng phát triển khỏe mạnh, năng suất, người dân cần bảo đảm các quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định.

Theo đó, vị trí đặt lồng nằm trong vùng quy hoạch hoặc được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền; không bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, phương tiện giao thông, mực nước không bị thay đổi đột ngột, không bị ảnh hưởng bởi các nguồn gây ô nhiễm. Nếu nuôi trong hồ chứa phải lựa chọn nơi có dòng chảy; không nuôi cá lồng trong eo, ngách. Đáy lồng cách đáy sông, hồ ít nhất 0,5 mét vào lúc mực nước thấp nhất.

Mỗi lồng có diện tích từ 30-36m2. Khi đặt song song, các lồng phải cách nhau tối thiểu 10 m (mặt nước rộng); khi đặt so le, nối tiếp cách nhau tối thiểu 200 m (tại thủy vực hẹp chiều ngang). Dụng cụ, thiết bị sử dụng trong quá trình nuôi bảo đảm không gây tổn hại cho đối tượng nuôi, dễ vệ sinh. Động cơ và thiết bị máy móc không rò rỉ xăng, dầu vào nguồn nước. Cá giống có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, được cơ quan có thẩm quyền kiểm dịch.

Trước và sau khi thả cá cần vệ sinh lồng sạch sẽ, hạn chế phát sinh mầm bệnh. Thường xuyên theo dõi môi trường nước và hoạt động của cá, nếu thấy môi trường nước xấu, cá ăn kém hoặc nhiễm bệnh phải có biện pháp xử lý kịp thời; không di chuyển cá từ vị trí lồng này sang lồng khác khi đang có dịch bệnh xảy ra. Ngoài ra, người nuôi tuân thủ các quy định về bảo hộ lao động, xử lý rác thải.

Bên cạnh đó, các cơ sở cần hoàn thiện hồ sơ để Chi cục Thủy sản cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi thủy sản lồng bè theo quy định của pháp luật; việc này giúp khẳng định chất lượng cá thương phẩm, tiêu thụ thuận lợi. Nếu không thực hiện theo hướng dẫn để được cấp giấy chứng nhận sẽ bị xử phạt hành chính từ 10-15 triệu đồng.

Mạc Yến (t/h)

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/411230/ky-thuat-nuoi-ca-long.html