Kỳ tích: Chỉ 1 tuần, 2 ca ghép phổi thành công ngoạn mục
Trong những ngày tháng 4 lịch sử, lần đầu tiên các y bác sĩ BV Phổi Trung ương phối hợp với các đơn vị y tế, bệnh viện trên cả nước điều phối, thực hiện thành công liên tiếp 2 ca ghép phổi, mang lại sự sống cho 2 người bệnh và niềm vui cho hàng chục gia đình.
Ca ghép phổi xuyên Việt hồi sinh sự sống cho người phụ nữ ở Hà Nội
Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, khi cả dân tộc hân hoan kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vang vọng hào khí chiến thắng của những người anh hùng, một "câu chuyện hòa bình" lặng lẽ mà đầy xúc động đã được viết nên tại Bệnh viện Phổi Trung ương.
Hai ca ghép phổi thành công, hai cuộc đời bừng lên hy vọng, sự sống đã hồi sinh. Hai lá phổi khỏe mạnh mang theo hơi thở đã tìm được "mái nhà" mới trong lồng ngực của những bệnh nhân đang từng ngày chiến đấu với căn bệnh quái ác. Đó không chỉ là thành công của y học, mà còn là minh chứng cho sức mạnh của tình người, sự sẻ chia, niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống và đôi bàn tay, khối óc của những người thầy thuốc.

Bệnh nhân Cấn Thị Phương hồi phục sau ca phẫu thuật ghép phổi.
Bệnh nhân Cấn Thị Phương (54 tuổi, ở Phúc Thọ, Hà Nội) bị bệnh phổi giai đoạn cuối không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa. Vào năm 2018, bệnh nhân được phát hiện có kén khí trong 2 phổi, 80% nhu mô phổi của người bệnh bị thay thể bởi các kén khí, bệnh nhân bị suy hô hấp mạn tính, tình trạng khó thở tăng dần, gặp khó khăn trong vận động, di chuyển trong khoảng cách 200m. Từ năm 2023, bệnh nhân bắt đầu thở ôxy 6 tiếng mỗi ngày tại nhà, tiên lượng tử vong rất cao, bệnh nhân liên tục phải nhập viện khoa hồi sức tích cực. Sau đó, bệnh nhân được đưa vào danh sách chờ ghép tạng.
Ngày 11/4/2025, sau khi nhận được thông tin có người hiến tạng chết não tại Bệnh viện Nhân dân 115, TP HCM, các đơn vị huy động mọi lực lượng điều phối, vận chuyển hàng không, bảo quản nghiêm ngặt từ Nam ra Bắc để thực hiện cấy ghép ngay trong đêm tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Đây cũng là lần đầu tiên tạng phổi được điều phối, bảo quản, vận chuyển từ TPHCM ra Hà Nội.
Theo các TS.BS Nguyễn Bích Ngọc, Giám đốc Trung tâm Điều trị bệnh phổi hiếm và các bệnh hô hấp: "Một phổi ghép tối ưu nhất khi lấy ra khỏi người hiến tặng cho đến khi cấy ghép thành công là 10 giờ. Làm thế nào để vừa lấy tạng đưa ra Hà Nội, vận chuyển về đến bệnh viện khớp với quá trình cắt bỏ phổi cũ và đấu ghép 2 phổi mới là một thách thức rất lớn."
Đoàn lấy tạng bao gồm các chuyên gia của Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện E đã "Nam tiến" để lấy tạng. Đây cũng là ca ghép phổi "xuyên Việt" đầu tiên tại nước ta.
Sau 6 tiếng di chuyển, đúng 22h37 ngày 11/04/2025, tạng phổi từ người hiến là nam bệnh nhân 38 tuổi được ghép cho người bệnh Cấn Thị Phương 54 tuổi dưới sự phối hợp của hàng chục chuyên gia, phẫu thuật viên. Ca phẫu thuật ghép phổi kéo dài trong 8 tiếng.
26 ngày sau ghép, hiện bệnh nhân đang được chăm sóc hậu phẫu tại Trung tâm Ghép phổi, các chỉ số sức khỏe đang hồi phục tốt. Trao đổi với phóng viên, chị Phương cho biết, hiện chị không còn khó thở, cảm thấy sức khỏe hồi phục tốt.

Các y bác sĩ phẫu thuật ghép phổi, hồi sinh sự sống cho người bệnh.
Kể về giây phút được "sống lại" chị Phương xúc động cho biết: "Khi mở mắt ra, nhìn thấy 2 con trai và nghe thấy hai con chỉ kịp thốt lên mẹ tỉnh rồi, mẹ sống rồi". Khi được các bác sĩ cho biết, phẫu thuật thành công, hai người con của chị Phương chạy ra ôm bác sĩ và nói "Mẹ cháu sống rồi".
Chị Phương nghẹn ngào chia sẻ, mong ước lớn nhất của chị khi khỏe lại là đi gặp người đã giúp mình hồi sinh, để được nói lời cảm ơn tới gia đình người hiến tạng. "Biết ơn cuộc sống, các bác sĩ, gia đình người hiến đã cho tôi cuộc sống, cho các con của tôi còn mẹ… Các con của tôi muốn mẹ được sống và tôi cũng muốn sống", chị Phương tâm sự trong nước mắt.
Lần đầu tiên người bệnh ghép phổi được rút ống thở sau 8 giờ phẫu thuật
Bệnh nhân góp phần làm nên kỳ tích 2 ca ghép phổi trong vòng 7 ngày là chị Quách Thị Thực (37 tuổi, ở Thanh Hóa). Chị Thực bị mắc bệnh lý u cơ trơn bạch (LAM). Bệnh lý này tạo các kén khí trong phổi, lan tỏa và làm mất chức năng của phổi.
Một năm trở lại đây, bệnh nhân gặp tình trạng khó thở tăng dần, sút 5kg, và phải thở ôxy 14 – 16 tiếng mỗi ngày trong 2 tháng trở lại đây, chất lượng cuộc sống suy giảm trầm trọng. Nữ người bệnh đứng trước nguy cơ tử vong bất kỳ lúc nào nếu không được ghép phổi.

Bệnh nhân Quách Thị Thực được rút ống nội khí quản sau 8 giờ phẫu thuật, bệnh nhân có thể ăn bằng miệng sau 12 giờ.
Người hiến tạng là một nam thanh niên 35 tuổi, chết não tại Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi lấy tạng, ca phẫu thuật ghép phổi diễn ra tại Bệnh viện Phổi Trung ương kéo dài 7 tiếng từ 18h tối ngày 18/04 đến 1h sáng ngày 19/04/2025.
8 giờ sau mổ, bệnh nhân đã hồi phục "ngoạn mục", được rút ống nội khí quản và thở bằng hai lá phổi mới, sau 1 tuần bệnh nhân tự thở được như bình thường. Đây là "kỳ tích đặc biệt" trong phẫu thuật ghép phổi, sự thành công tương đương với tiêu chuẩn y khoa tại các nước phát triển trên thế giới.
GS. TS. TTND Lê Ngọc Thành – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Y, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Việt Nam, người tham gia phẫu thuật ghép phổi cho biết: "Nếu không có sự đồng lòng, đoàn kết sẽ không có kết quả ngày hôm nay. Tôi không thể tưởng tượng được là chúng ta đã tiến bộ nhanh như vậy. Ca ghép phổi rút nội khí quản trước 12 tiếng là các bạn vững tâm quá. Ca ghép phổi thành công hôm nay là kết quả của quá trình sàng lọc người bệnh, chuẩn bị người bệnh và đặc biệt là chăm sóc sau phẫu thuật. Nếu không có sự kết hợp đồng lòng, sự đoàn kết, hy sinh của rất nhiều người sẽ không thành công được như vậy".

Anh Lê Thế Phương, chồng bệnh nhân Thực xúc động chia sẻ khoảnh khắc các bác sĩ thông báo ca phẫu thuật của vợ mình đã thành công.
TS Nguyễn Viết Nghĩa, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, BV Phổi Trung ương cho biết: "6 ngày sau ghép, bệnh nhân tiến triển tốt, sức khỏe phổi của bệnh nhân tiến triển rất nhiều, không còn phải thở ôxy, hoàn toàn thở khí trời. Những thiết bị hỗ trợ kiểm soát huyết động, hô hấp đã được rút dần. Bệnh nhân có thể ăn theo đường miệng chỉ trong 12 tiếng sau mổ."
Chồng bệnh nhân Thực là anh Lê Thế Phương cho biết: "Sau khi các bác sĩ báo với gia đình ca phẫu thuật đã thành công, tôi vừa mừng, vừa hồi hộp vừa lo lắng."
Theo các bác sĩ, cả 2 bệnh nhân được ghép phổi trên đều được quản lý, theo dõi tại Bệnh viện Phổi Trung ương từ trước và chờ ghép phổi từ vài tháng nay. Ngay khi có thông tin từ người hiến tạng chết não, Bệnh viện Phổi Trung ương đã ngay lập tức tổ chức hội chẩn, nhanh chóng điều phối, huy động sức mạnh tổng lực từ các chuyên gia đầu ngành của tất cả các lĩnh vực tham gia vào các ca ghép phổi.
Sau hơn 30 năm phát triển kỹ thuật ghép tạng, Việt Nam đã thực hiện hơn 9.000 ca ghép tạng nhưng trong số này chỉ có 14 ca ghép phổi. Riêng ghép phổi tại BV Phổi Trung ương. Trong năm 2024, BV Phổi Trung ương thực hiện thành công 3 ca ghép phổi toàn diện cho người bệnh từ người hiến chết não, cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu trong nước. Trong 5 năm qua, BV Phổi Trung ương tham gia tổng số 6 ca ghép phổi, đóng góp vào thành tựu chung gần 50% (6/14 ca) ghép phổi tại Việt Nam.
Hiện nay, nhu cầu ghép phổi tại Việt Nam là khoảng 900 ca. Giám đốc BV Phổi Trung ương TS.BSCC Đinh Văn Lượng cho biết, mục tiêu là sẽ xây dựng Bệnh viện thành Trung tâm Ghép phổi vùng phục vụ cho người bệnh trong nước và người bệnh quốc tế. Đến nay, ghép phổi tại BV Phổi Trung ương - một trong những kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng - đang trở thành thường quy.
TS.BSCC Đinh Văn Lượng đã chia sẻ về những khó khăn để thực hiện một ca ghép phổi như chi phí cho một ca ghép phổi tại Việt Nam dù ở mức thấp so với thế giới, nhưng vẫn là gánh nặng tài chính lớn vượt quá khả năng chi trả đối với nhiều gia đình. Vì vậy để có thêm nhiều người bệnh có thể tiếp cận với kỹ thuật ghép phổi, đặc biệt là những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, cần có cơ chế chi trả từ nguồn BHYT và sự hỗ trợ từ các nguồn xã hội hóa khác. Hiện nay, hầu hết các ca ghép phổi đều được bệnh viện hỗ trợ kinh phí.
Trong dịp 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khi khắp các ngả đường rộn ràng không khí vui tươi, phấn khởi kỷ niệm ngày non sông liền một dải, thì tại BV Phổi Trung ương và nhiều bệnh viện trên cả nước, các y bác sĩ âm thầm viết nên kỳ tích, đó là câu chuyện của hòa bình, câu chuyện về hành trình nối dài sự sống…
Xem video bệnh nhân được ghép phổi chia sẻ cảm xúc khi ca phẫu thuật thành công:
Bệnh nhân được ghép phổi chia sẻ cảm xúc khi biết ca phẫu thuật của mình thành công.