Kỳ tích của người phụ nữ không tay, chân
Năm 2018, do bị tắc tia sữa, sản phụ Dương Thị Thắm (tổ 3, ấp 1, xã Nha Bích, huyện Chơn Thành) buộc phải cắt bỏ tứ chi để giữ lại mạng sống (Báo Bình Phước đã đưa tin). Từ một người lành lặn, có sức khỏe, chị Thắm bỗng chốc phụ thuộc hoàn toàn vào người thân, mọi cơ hội phát triển của bản thân bế tắc. Thế nhưng, không buông xuôi, chị Thắm đã nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, sống yêu thương và lan tỏa năng lượng tích cực đến nhiều người xung quanh.
Biến cố bất ngờ
Với chị Thắm, việc bị cắt bỏ tứ chi chỉ vì tắc tia sữa là điều bản thân và gia đình không bao giờ ngờ tới. Cho đến khi được chồng đưa vào cấp cứu ở bệnh viện và nghe loáng thoáng bác sĩ nói với nhau “bệnh nhân này nguy kịch lắm rồi”, chị mới biết nó khủng khiếp tới mức nào. Bố chồng chị Thắm, ông Trần Xuân Hoán nhớ lại: Lúc đó, Tài (anh Trần Văn Tài - chồng chị Thắm) gọi điện nói với tôi, vợ con nguy lắm. Nghe con nói đến số tiền chữa trị, tôi bủn rủn chân tay vì nhà quá nghèo. Bản thân tôi đi phụ hồ, còn vợ mua bán ve chai. Nhưng tôi vẫn cố động viên “con cứ chữa cho vợ, bố mẹ sẽ chạy hết khả năng để lo”.
Được chồng quan tâm động viên, chị Dương Thị Thắm đã hồi phục mạnh mẽ sau biến cố sức khỏe
Ngày xuống Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh thăm Thắm, ông Hoán không nhận ra con dâu mình nữa. Người chị Thắm biến dạng và phồng lên, thâm đen. Nghe những người xung quanh kể, có 4 ca như chị Thắm nhưng không qua khỏi, tinh thần ông suy sụp. Cả nhà biết tin, ai cũng khóc òa. Anh Tài không dám thể hiện sự xót xa trước mặt người thân nên nhiều lần lén ra ngoài lau nước mắt.
Chị Thắm cho biết: Lúc đó tôi chỉ nghĩ bị cắt mấy ngón tay, ngón chân, nhiều lắm cũng chỉ tới đầu gối thôi, chứ đâu nghĩ bị cắt nhiều đến vậy. Phẫu thuật xong, tỉnh lại chỉ thấy đau, rất đau. Cho đến khi lành lặn, cơ thể khỏe lại thì mới cảm thấy hụt hẫng, rất buồn, tôi chỉ biết khóc rồi mất ngủ cả tháng.
Nỗi đau được xoa dịu
Lúc còn điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chị Thắm nhận được rất nhiều sự quan tâm, ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần của các nhà hảo tâm. Bên cạnh đó, chị luôn được chồng và gia đình yêu thương, quan tâm chăm sóc nên tâm lý dần ổn định.
Bé Trần Xuân Tiến, con trai chị Dương Thị Thắm và anh Trần Văn Tài nay đã được 19 tháng tuổi. Được ở bên con, nhìn ngắm con khôn lớn trong vòng tay yêu thương của gia đình mỗi ngày là niềm vui, hạnh phúc của người mẹ mạnh mẽ Dương Thị Thắm.
Chị Thắm chia sẻ: Thấy em buồn hoài, chồng đã động viên rằng mình còn có con, em cố gắng chữa trị để sau này con có mẹ, đỡ thiệt thòi. Hơn nữa, em may mắn vẫn tỉnh táo để làm chỗ dựa tinh thần cho anh. Một mặt động viên vợ, anh Tài túc trực ngày đêm bên cạnh chăm sóc, thuần thục tất cả những sinh hoạt cá nhân của vợ với lòng yêu thương vô bờ bến. Nhờ đó, chị Thắm có thêm động lực để vượt qua những khó khăn ban đầu khi phải bắt đầu cuộc đời của một người không có chân, tay.
Bà Hồ Thị Nhiên, mẹ chồng chị Thắm cho biết: May mắn của Thắm là lúc gia đình gặp khó khăn, bà con dòng họ 2 bên đều giúp đỡ. Người có của giúp của, người có công giúp công. Ngày Thắm mới xuất viện về nhà luôn có người đến hỗ trợ chăm sóc mẹ con Thắm. Nhờ tình cảm của mọi người mà chỉ 3 tháng sau Thắm đã có thể tự ngồi dậy, đánh răng, ăn cơm, uống nước.
Sự hồi phục của chị Thắm không chỉ thể hiện ở việc nỗ lực tập luyện để tự phục vụ bản thân mà còn ở tinh thần lạc quan, vui vẻ khiến nhiều người phải thán phục. Chị Thắm cho rằng, mạnh mẽ hay không phần lớn là do bản thân và sự động viên, chia sẻ, khích lệ của gia đình, xã hội. Và bản thân mỗi người khi gặp “sóng gió”, quan trọng nhất là phải tự vươn lên.
Vươn lên bằng nghị lực
Không dừng lại ở việc tập luyện để sinh hoạt cá nhân không phụ thuộc quá nhiều vào người thân, thời gian gần đây cộng đồng mạng còn hết sức ngạc nhiên và cảm phục vì thấy chị Thắm bán hàng online. Thỉnh thoảng chị còn thực hiện livestream để tương tác với khách hàng trên Facebook. Chị Trần Thị Chi ở huyện Chơn Thành cho biết: Lần đầu thấy chị Thắm livestream bán hàng, em tò mò về chị ấy hơn là sản phẩm. Theo dõi chị bán hàng, em thấy chị Thắm rất tự tin, thao tác điện thoại nhanh, tư vấn khách hàng khá tốt. Em rất cảm phục chị Thắm!
Với chị Thắm, việc lựa chọn công việc bán hàng qua mạng có nhiều niềm vui. Mỗi ngày, thông qua việc đăng bài bán hàng, chị có cơ hội tương tác với nhiều người để tư vấn sản phẩm, tìm hiểu thêm nhiều điều mới mẻ trong cuộc sống. Mỗi lúc rảnh rỗi, chị nhắn tin với bạn bè để trò chuyện, chia sẻ niềm vui khiến cuộc sống bản thân sinh động hơn rất nhiều. Những sản phẩm của chị được nhiều người ủng hộ, đơn hàng gần được người thân giao giúp, đơn hàng xa thì chị hợp đồng công ty vận chuyển nên có thêm thu nhập. Từ chỗ có lúc muốn buông xuôi trước hoàn cảnh, giờ chị Thắm đã trở lại và “bắt nhịp” được cuộc sống với tinh thần mạnh mẽ, lạc quan, tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Với chiếc xe lăn điện, hằng ngày chị có thể cùng con đi ra ngoài dạo chơi. Sống cùng gia đình chồng ở xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương nhưng thỉnh thoảng chị được chồng đưa về nhà ở xã Nha Bích, huyện Chơn Thành thăm cha mẹ đẻ hoặc đến cửa hàng kinh doanh phụ kiện điện thoại (ngã tư thị trấn Chơn Thành) để livestream bán hàng. Sau “sóng gió” của cuộc đời, với nghị lực phi thường và tình yêu thương của gia đình, xã hội, chị Thắm đã vượt lên hoàn cảnh, sống có ích và lan tỏa năng lượng tích cực đến với nhiều người xung quanh.
Chị Nguyễn Thị Hậu, Chủ tịch Hội LHPN huyện Chơn Thành cho biết: Nghị lực vượt lên của chị Dương Thị Thắm đã khiến nhiều phụ nữ, nhất là những người yếu thế trên địa bàn Chơn Thành nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung nể phục. Sau biến cố sức khỏe, là một người không có tay, chân, mọi sinh hoạt phải phụ thuộc người thân nhưng nhờ cố gắng tập luyện, chị đã có thể tự phục vụ bản thân, tìm việc làm phù hợp. Tấm gương của chị Thắm cần được nhân rộng để xã hội ngày càng có thêm nhiều người vượt khó vươn lên, góp phần xây dựng quê hương Bình Phước giàu mạnh, văn minh, giàu lòng nhân ái, không ai bị bỏ lại phía sau.
Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/ky-tich-cua-nguoi-phu-nu-khong-tay-chan-29439