Kỳ tích điện khí hóa nông thôn
Lưới điện hạ áp nông thôn trước đây là một trong những yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế địa phương vì những yếu kém từ cơ sở hạ tầng, khả năng quản lý và vận hành tại địa phương.
Nghị quyết Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa X (tháng 11-1997) đã "cởi trói" về cơ chế và chính sách để đẩy nhanh tốc độ cải tiến lưới điện hạ áp nông thôn và cải thiện khả năng cung cấp điện đến từng người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu và vùng xa. Có thể nói, việc cải thiện lưới điện hạ áp nông thôn đã đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế của các địa phương nói chung và kinh tế nông nghiệp nói riêng.
Từ những chính sách đúng đắn và nỗ lực lớn
Tháng 11-1997 là một dấu mốc quan trọng, tạo tiền đề cho việc phát triển lưới điện hạ áp nông thôn của Việt Nam khi Nghị quyết Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa X đã nêu: “Giao cho ngành điện xây dựng quy chế trực tiếp quản lý lưới điện nông thôn, tính lại giá bán điện hợp lý, trước mắt công bố giá trần áp dụng đối với nông thôn; cùng các bộ hữu quan lập phương án trình Chính phủ quyết định việc đầu tư xây dựng các công trình điện nông thôn theo tinh thần "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Và đến Nghị quyết Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa X (năm 1998) đã cụ thể hóa một trong những chỉ tiêu quan trọng: “Phấn đấu nâng số xã có điện lên 71%. Ban hành quy chế ngành điện lực trực tiếp quản lý lưới điện nông thôn”. Song hành với đó là các chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Chính phủ trong việc hiện thực hóa các chỉ tiêu về lưới điện hạ áp nông thôn thông qua hàng loạt quyết định, cơ chế, chính sách.
Đến nay, sau hơn 22 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa X, ngành điện Việt Nam, trực tiếp là Tổng công ty Điện lực Việt Nam-từ tháng 6-2006 là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thực hiện tốt và đưa lưới điện hạ áp nông thôn về đích trước thời gian Quốc hội quy định. Việc cung cấp điện cho khu vực nông thôn luôn được EVN đặc biệt quan tâm chú trọng. Một mặt, EVN tập trung nguồn vốn đầu tư phát triển lưới điện cấp điện cho các huyện, xã, hộ dân chưa có điện, nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện; một mặt tăng cường công tác quản lý cung cấp điện sau khi lưới điện được xây dựng thông qua việc tiếp nhận quản lý lưới điện hạ áp nông thôn để các hộ dân được sử dụng điện có chất lượng và mua điện theo giá do Chính phủ quy định.
Vào thời điểm năm 1997, điện lưới quốc gia mới được cung cấp đến 426/470 huyện, đạt tỷ lệ 90,6%; 5.698/9.022 xã, đạt tỷ lệ 63,2%; 6.031/11.881 nghìn hộ dân nông thôn sử dụng điện lưới quốc gia-tức là mới có 50,76% hộ dân nông thôn cả nước; còn hơn 30 triệu người chưa được sử dụng điện. Nhưng đến năm 2010, cả nước đã có 100% số huyện có điện, năm 2018 có 100% xã có điện và đến năm 2019 có 99,47% hộ dân có điện, trong đó 99,18% hộ dân nông thôn có điện. Mức độ phủ điện của Việt Nam đã cao hơn hẳn so với nhiều nước trong khu vực, như: Philippines 93%; Indonesia 98,1%; Lào 93,6%; Ấn Độ 92,6%.
Tới quốc gia là điểm sáng về điện khí hóa nông thôn
Khi tổng kết 15 năm điện khí hóa nông thôn và vận động ODA cho Việt Nam để thực hiện Chương trình Điện khí hóa nông thôn, bà Victoria Kwakwa, nguyên Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã thành công rất ấn tượng trong điện khí hóa nông thôn, trở thành mô hình mà WB muốn nhân rộng ở nhiều nước.
Để có được kết quả khả quan và đáng khích lệ về lưới điện hạ áp nông thôn trong thời gian qua, EVN đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ để cải tạo và đầu tư xây dựng mới lưới điện nông thôn. Tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 120.000 tỷ đồng, trong đó riêng nguồn vốn vay ODA của các tổ chức quốc tế hơn 78.300 tỷ đồng (tương đương 3,7 tỷ USD). Không chỉ đưa điện lưới quốc gia đến các vùng sâu, vùng xa…, ngành điện tự hào đã quản lý và cung cấp điện cho 11/12 huyện đảo, điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt cung cấp điện mà còn thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Chính phủ về bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân cũng như góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị về quốc phòng, an ninh. Sau khi tiếp nhận, EVN đã đầu tư tăng cường hệ thống điện, cấp điện bằng lưới điện quốc gia cho các huyện đảo với tổng vốn đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng.
Công tác tăng cường quản lý cung cấp điện tại khu vực nông thôn cũng được EVN chú trọng thực hiện. Từ xuất phát điểm EVN chỉ quản lý bán điện trực tiếp tại 2.126/8.841 xã có điện (chiếm tỷ lệ 24%), EVN đã thực hiện tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn của hơn 6.000 xã, cung cấp điện trực tiếp tới các hộ dân nông thôn. Sau khi tiếp nhận, EVN cải tạo đầu tư tối thiểu bình quân mỗi xã khoảng 1,5 tỷ đồng, đáp ứng nhanh nhu cầu sử dụng điện ngay sau khi tiếp nhận và xây dựng kế hoạch đầu tư cho mỗi xã khoảng 5-10 tỷ đồng hoàn chỉnh hệ thống điện.
Với tỷ lệ 100% số xã, phường, thị trấn có điện, việc chuyển cho EVN tiếp nhận và vận hành lưới điện hạ áp nông thôn đã cho thấy sự đúng đắn, kịp thời trong việc thay đổi cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn. Tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, tăng tỷ lệ hộ dân được cung cấp điện lên tới 99,18% đã góp phần thực hiện thành công chương trình nông thôn mới, đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế tại mọi vùng, miền của Tổ quốc.
Những nỗ lực của EVN đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận. EVN được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất vì những đóng góp xuất sắc trong thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2020.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ky-tich-dien-khi-hoa-nong-thon-609071