Kỳ tích ghép tạng Việt Nam

Lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc trong những năm qua. Đặc biệt là trong năm 2024, khi chúng ta chứng kiến những thành tựu quan trọng, những cột mốc đáng nhớ trong công tác ghép tạng.

Một ca lấy – ghép tạng được thực hiện bởi các y bác sĩ bệnh viện Trung ương quân đội 108. Ảnh: BVCC.

Một ca lấy – ghép tạng được thực hiện bởi các y bác sĩ bệnh viện Trung ương quân đội 108. Ảnh: BVCC.

Cột mốc lịch sử

Tháng 10/2024, lần đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam, các bác sỹ bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiến hành thành công ca ghép tim gan đồng thời trên một bệnh nhân nguy kịch từ người cho chết não.

Cụ thể, bệnh nhân Đ.V.H (41 tuổi) phát hiện bệnh cơ tim giãn từ lâu, chức năng tim suy giảm theo thời gian kèm theo gan, thận và các tạng khác cùng suy giảm. Người bệnh được đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng suy tim giai đoạn nặng. Cách duy nhất có thể cứu sống người bệnh là thay thế đồng thời tim và gan.

Cùng thời điểm, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhận được thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An có một bệnh nhân chấn thương sọ não nặng và không còn hy vọng sống. Gia đình bệnh nhân có nguyện vọng hiến tạng.

Nhận được thông tin yêu cầu hỗ trợ lấy tạng của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức chỉ đạo chuyên môn từ xa, cử chuyên gia đánh giá tình trạng và triển khai phẫu thuật lấy thận, gan, tim, giác mạc từ bệnh nhân hiến tạng.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức hai nhóm, một ở lại hỗ trợ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An ghép tạng cho hai bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Nhóm còn lại chuyển gan và tim về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Sau 8 giờ phẫu thuật, ca ghép đồng thời tim – gan lịch sử tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thành công. Trái tim và lá gan của người hiến tạng hoạt động ổn định trong cơ thể bệnh nhân Đ.V.H, các chỉ số đông máu, men gan của bệnh nhân H dần trở về bình thường. Hiện tại, chức năng tim, chức năng gan của bệnh nhân đã hồi phục gần như bình thường, mật được tiết ra với chất lượng tốt.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết - nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức nhận định: “Ghép tạng là cơ hội mang lại chất lượng cuộc sống tốt nhất cho bệnh nhân suy tạng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam, các bác sĩ tiến hành thành công ca ghép tim gan đồng thời trên một bệnh nhân đặc biệt ở giai đoạn nặng. Qua đó cho thấy sự phát triển của nền y học Việt Nam trong 20 năm qua, đặc biệt là lĩnh vực ghép tạng. Những thành tựu trong ghép tạng thời gian vừa qua đã thể hiện vị trí nền y học Việt Nam trong bản đồ ghép tạng thế giới”.

Trên thế giới, ghép đồng thời tim – gan đến nay vẫn được xem là một kỹ thuật rất phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều chuyên khoa và các trang thiết bị y tế hiện đại. Ước tính toàn cầu chỉ có khoảng 20 – 30 trung tâm y tế có thể thực hiện kỹ thuật này, chủ yếu tập trung ở các quốc gia phát triển.

TS.BS Dương Đức Hùn - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ: “Từ khi thực hiện ca ghép thận đầu tiên ở người vào tháng 4/2002, đến nay, sau 22 năm, bệnh viện Việt Đức đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật ghép tim, gan, phổi, thận, đa tạng, ghép mô, đặc biệt là những kỹ thuật phức tạp đòi hỏi sự chính xác cao, phối hợp liên chuyên khoa, trở thành trung tâm ghép tạng hàng đầu của cả nước với 2.060 ca ghép thận, 137 ca ghép gan, 90 ca ghép tim, 6 ca ghép phổi cùng hàng ngàn ca ghép mô (xương sọ, mạch máu, gân, sụn, màng tim, mô thần kinh, khí quản...). Chúng tôi cũng đã chuyển giao kỹ thuật cho trên 10 bệnh viện”.

Sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực ghép tạng tại Việt Nam không chỉ thể hiện bằng những ca phẫu thuật mang tính lịch sử của các “mũi nhọn” như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy mà còn nằm ở sự tham gia, tiến bộ mạnh mẽ tại các cơ sở y tế trên phạm vi cả nước. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt các bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện thành công các ca lấy – ghép tạng từ người cho chết não, giúp nhiều cuộc đời được hồi sinh.

Đơn cử, Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội) đã ghi tên mình lên bản đồ ghép tạng Việt Nam bằng việc thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên cho một bệnh nhân nữ ở Tuyên Quang vào ngày 8/9/2024. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công 3 ca ghép thận và làm chủ được kỹ thuật ghép thận được hướng dẫn đào tạo chuyển giao từ các chuyên gia của Bệnh viện Quân y 103.

Ngày càng có nhiều cơ sở y tế tuyến tỉnh đủ điều kiện thực hiện lấy, ghép tạng như Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, Đa khoa Thanh Hóa, Đa khoa Kiên Giang…

Hiện cả nước đã có 25 trung tâm ghép tạng kéo dài từ Bắc vào Nam và đang vươn lên trở thành điểm sáng về ghép tạng của khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, chính sách và quy định về ghép tạng ở Việt Nam đã có những cải tiến rõ rệt. Năm 2024, Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc hiến tạng, đồng thời hoàn thiện các quy trình pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho các ca ghép tạng. Các bệnh viện và cơ sở y tế đã chủ động ứng dụng các quy định pháp lý này để thực hiện thành công nhiều ca ghép tạng khó.

Ths.BS Nguyễn Hữu Trí - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Chính sách pháp lý rõ ràng và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng đã giúp chúng tôi thực hiện thành công nhiều ca ghép tạng phức tạp”.

Nhiều kỳ vọng

Với những thành tựu nói trên, nhiều chuyên gia khẳng định, dù đi sau thế giới hơn 40 năm, nhưng đến nay trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang bằng nhiều nước, thậm chí tỷ lệ sống sau ghép tạng ở Việt Nam còn cao hơn so với nhiều quốc gia phát triển, trong khi chi phí lại rẻ hơn rất nhiều. Chi phí một ca ghép ở Việt Nam hiện chỉ bằng 1/8 ở Thái Lan và bằng 1/24 ở Mỹ.

Bên cạnh sự phát triển rõ rệt của các cơ sở y tế, trình độ bác sĩ, năm 2024 cũng ghi nhận những dấu hiệu cho thấy cộng đồng đang ngày càng quan tâm và có những quan niệm tích cực hơn về việc hiến tạng. Trong năm 2024 đã ghi nhận hơn 30 ca chết não hiến mô, tạng tại Việt Nam.

Có mặt tại Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cùng gia đình để đăng ký hiến mô, tạng vào một chiều cuối năm, em Đỗ Thị Liên (sinh năm 2005, Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết: “Khi đọc những thông tin về nghĩa cử cao đẹp của những người hiến tạng trước khi qua đời, em cảm thấy rất xúc động và đã bày tỏ nguyện vọng được thực hiện điều này với bố mẹ. Điều bất ngờ gia đình đã ủng hộ, vì vậy, hôm nay gia đình em mới đến đây để đăng ký nguyện vọng hiến tặng mô, tạng sau chết”.

Bà Tú Anh (52 tuổi, Yên Bái) cho hay, biết thông tin về hiến ghép mô tạng qua thông tin truyền thông, đặc biệt trong thời gian gần đây được người nhà chia sẻ nhiều bài liên quan tới những trường hợp bệnh nhân không qua khỏi, gia đình đã quyết định hiến tạng để cứu những người khác. Những câu chuyện đó khiến bà xúc động. “Họ đã làm những việc mà không phải ai cũng dám làm. Cũng từ những câu chuyện này mà tôi có nguyện vọng hiến mô, tạng của mình. Đáng mừng hơn là khi biết tôi có nguyện vọng hiến mô, tạng sau khi chết, chết não gia đình không ai phản đối, thậm chí còn ủng hộ”, bà Tú Anh nói.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội vận động hiến, tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam chia sẻ: “Một người chết não có thể hiến tặng mô, tạng để cứu sống hàng chục người khác. Đây là hành động nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần sẻ chia và tương thân tương ái. Nguồn tạng hiến là cứu cánh cuối cùng của người bệnh, niềm hy vọng cho sự sống hồi sinh. Điều ấy còn có ý nghĩa đối với gia đình người hiến tạng khi nghe tiếng đập của con tim hay ánh mắt của người thân của mình còn để lại”.

Các chuyên gia nhận định, với sự phát triển không ngừng về công nghệ, hợp tác quốc tế, các chính sách cải cách và đồng hành của toàn xã hội, triển vọng ghép tạng ở Việt Nam là rất khả quan. Ngành ghép tạng có thể trở thành một lĩnh vực y tế mũi nhọn, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành y tế nước nhà.

ĐỨC TRÂN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ky-tich-ghep-tang-viet-nam-10299159.html