Kỳ tích giành lại sự sống cho bé gái sinh non nặng 550 gram
Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vừa điều trị thành công một bé gái sinh cực non ở tuần thai 24, nặng chỉ 550 gram. Đây là lần thứ hai bệnh viện cứu sống trẻ ở mốc thai kỳ đặc biệt nguy hiểm này, một kỳ tích hiếm gặp ngay cả ở tuyến trung ương.
Bé gái là con của sản phụ H.T.T.M (trú tại Cẩm Khê, Phú Thọ). Ngày 12/4, khi thai mới ở tuần thứ 24, sản phụ bất ngờ chuyển dạ và sinh thường một bé gái nặng chỉ 550 gram.
Sau sinh, trẻ không khóc, tím toàn thân, phản xạ rất kém. Các bác sĩ khoa Sơ sinh lập tức đặt ống nội khí quản cấp cứu ngay tại phòng sinh, hỗ trợ thông khí, ủ ấm và nhanh chóng chuyển trẻ đến đơn nguyên Hồi sức tích cực - khoa Sơ sinh để tiếp tục điều trị.

Bệnh nhi ở những ngày đầu sau sinh. Ảnh: BVCC
Xác định đây là một ca sơ sinh cực non, nhẹ cân và suy hô hấp rất nặng, mỗi phút chậm trễ đều làm tăng nguy cơ tử vong, các bác sĩ khẩn trương áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực cao nhất.
Đồng thời, trẻ được nằm lồng ấp, thở máy với chỉ số cao, thực hiện các thăm dò cận lâm sàng tại chỗ, bơm Surfactant thay thế, đặt huyết áp động mạch xâm lấn và catheter tĩnh mạch trung tâm để duy trì vận mạch, nuôi dưỡng tĩnh mạch và điều chỉnh rối loạn toan kiềm…
BSCKII. Nguyễn Đức Hậu – Trưởng khoa Sơ sinh cho biết: “Các bé sinh non tháng thường tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ như hạ thân nhiệt, suy hô hấp, xuất huyết não và phổi, viêm ruột hoại tử, nhiễm khuẩn, rối loạn chuyển hóa, tan máu vàng da… Em bé này là một trường hợp sơ sinh cực non tháng, thể trạng của bé rất non yếu, miêu tả dễ hình dung thì cẳng chân của bé chỉ bằng ngón tay út của người lớn, da rất mỏng.
Do đó chúng tôi xác định hành trình này sẽ rất gian nan, đặc biệt là quá trình điều trị, chăm sóc cần thật tỉ mỉ, cẩn thận, nhẹ nhàng. Các bác sĩ phải cân nhắc từng loại thuốc đưa vào, không thừa hay thiếu từng mililit dịch nuôi dưỡng, đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm để tránh tình trạng hạ thân nhiệt và mất nước, luôn sát sao về vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn…”

BSCKII. Nguyễn Đức Hậu - Trưởng khoa Sơ sinh thăm khám cho bệnh nhi. Lúc này, bé đã có tiến triển rất tốt. Ảnh: BVCC
Những ngày đầu sau sinh, tình trạng của bé gái liên tục rơi vào nguy kịch do suy hô hấp nặng, xuất hiện các cơn tím tái, giảm nhịp tim, bão hòa oxy thấp và rối loạn đường huyết. Bệnh nhi được hội chẩn chuyên môn, điều chỉnh thuốc và tiếp tục thở máy với chỉ số rất cao, kết hợp áp dụng phác đồ điều trị tích cực.
Sau 5 ngày điều trị thở máy chuyên sâu, sức khỏe của trẻ dần cải thiện, các chỉ số máy thở được giảm dần. Đến ngày điều trị thứ 14, chỉ số máy thở đã hạ về mức tối thiểu.
Đến ngày thứ 21, bé bắt đầu tăng cân, đạt 650 gram, có nhịp tự thở đều, dịch dạ dày trong và được cho ăn thử sữa mẹ. Quá trình chăm sóc được thực hiện hết sức nhẹ nhàng, tỉ mỉ do làn da trẻ còn rất mỏng, mạch máu yếu và dễ tổn thương.
Ngày thứ 28, trẻ được rút ống nội khí quản, chuyển sang thở máy áp lực dương. Việc tiêu hóa sữa mẹ diễn ra tốt, cân nặng tăng lên 700 gram. Đến ngày thứ 40, trẻ ăn được sữa mẹ (qua ống sonde) khoảng 12–13 ml mỗi bữa, cân nặng đạt 800 gram, tiếp tục được theo dõi và điều trị tích cực.

Em bé được ra ghép mẹ, thực hiện phương pháp Kangaroo. Ảnh: BVCC
Sau 80 ngày, trẻ đã có thể tự thở, được chuyển sang thở oxy. Cân nặng lúc này đạt 1.700 gram. Bé được ra ghép mẹ, bắt đầu tập bú mẹ và thực hiện phương pháp Kangaroo – da kề da với mẹ – giúp điều hòa nhịp tim, hạn chế ngừng thở sinh lý, hỗ trợ phát triển não bộ và giảm nguy cơ nhiễm khuẩn sơ sinh.
Đến ngày 23.07, sau 103 ngày điều trị, bé đạt cân nặng 2.000 gram, hoàn toàn có thể tự thở, tự bú, tiêu hóa tốt, sức khỏe ổn định và được xuất viện.

Bệnh nhi được khám lại trước khi xuất viện. Ảnh: BVCC
Theo thống kê tại Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, từ đầu năm 2025 đến nay, Khoa đã tiếp nhận và điều trị thành công cho gần 300 trường hợp trẻ sơ sinh non tháng, trong đó tỉ lệ trẻ sinh cực non (ra đời trước tuần thứ 28 của thai kỳ) chiếm 7,2%.
Vì vậy, để giảm thiểu nguy cơ sinh non và những rủi ro do sinh non, các bác sĩ khuyến cáo thai phụ cần khám thai định kỳ, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, kiểm soát huyết áp, tình trạng nhiễm trùng và các bệnh lý nội khoa để giảm thiểu nguy cơ sinh non và các biến chứng nguy hiểm cho thai nhi.