Kỳ tích ở Oslo

Lê Quang Liêm đã đánh bại cả đương kim số 1 thế giới và đương kim vô địch World Cup tại giải cờ vua Oslo Esports Cup 2022, diễn ra ở Na Uy.

Kỳ thủ số 1 Việt Nam tạo nên kỳ tích ở Oslo Esports Cup 2022. Ảnh theo FIDE.

Kỳ thủ số 1 Việt Nam tạo nên kỳ tích ở Oslo Esports Cup 2022. Ảnh theo FIDE.

Chiến tích đó của kỳ thủ Việt Nam đã mở ra hy vọng về bước đột phá cho cờ vua Việt Nam tại SEA Games 31.

Những chiến thắng chấn động

Chạm trán với kỳ thủ hạng 9 thế giới Shakhriyar Mamedyarov (Azerbaijan) ở trận đấu đầu tiên, Lê Quang Liêm cầm hòa đối thủ ở ván 1, 3, 4 nhưng việc thất thủ ở ván 2 khiến Liêm thua chung cuộc với điểm số 1,5 - 2,5. Cứ ngỡ giải đấu tại Na Uy sẽ khép lại trong sự thất vọng bởi phía trước kỳ thủ Việt Nam đều là những đối thủ sừng sỏ. Tuy nhiên, Quang Liêm đã khiến cho làng cờ thế giới đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Oslo Esports Cup 2022, nằm trong hệ thống Champions Chess Tout thu hút 8 kỳ thủ gồm Carlsen (Na Uy), Shakhriyar Mamedyarov (Azerbaijan), Anish Giri (Hà Lan), Duda (Ba Lan), Jorden van Foreest (Hà Lan), Praggnanandhaa (Ấn Độ), Eric Hansen (Canada) và Lê Quang Liêm. Các kỳ thủ tập trung về Oslo (Na Uy) thi đấu nhưng bằng hình thức trực tuyến trên máy tính chứ không đấu trực tiếp, ngồi đối mặt nhau trên bàn cờ. Oslo Esports Cup có tổng tiền thưởng 210.000 USD, trong đó thắng mỗi trận được 7.500 USD (nếu thắng bằng cờ chớp nhận 5000 USD, người thua nhận 2.500 USD).

Ở loạt trận thứ 2, Lê Quang Liêm tạo cú sốc lớn khi đánh bại đương kim số 1 cờ vua thế giới Carlsen. Sở dĩ Carlsen được gọi là “Vua cờ” nhờ giữ vị trí số 1 thế giới trong 11 năm qua. Kỳ thủ sinh năm 1990 đã 5 lần giành chức vô địch thế giới và sở hữu elo cao nhất làng cờ là 2.864, đoạt rất nhiều giải thưởng cờ vua danh giá. Ở tất cả các lần đụng độ trước đó, Lê Quang Liêm đều không thể làm nên chuyện trước Carlsen nhưng chạm trán lần này, kỳ thủ Việt Nam không những thắng 1 mà đến 2 ván cờ nhanh trước đối thủ.

Truyền thông Na Uy sau đó thể hiện tâm trạng “sốc”, và dường như không tin kết quả đó là sự thật. Tờ Adressa bình luận: “Một Carlsen lạnh lùng đã phải nỗ lực chống trả sau khi có khởi đầu tệ hại trước Lê Quang Liêm. Nhưng cuối cùng, Carlsen đành chấp nhận thua cuộc. Sau khi giành chiến thắng ở ván thứ 3, Carlsen có cơ hội lật ngược tình thế tại ván thứ 4. Tuy nhiên anh lại mắc sai lầm. Trong khi đó, Lê Quang Liêm tận dụng tốt cơ hội để giành chiến thắng”.

Dư âm chiến thắng trước Carlsen chưa khép lại, kỳ thủ số 1 Việt Nam tiếp tục tạo ra địa chấn. Quang Liêm (elo 2.765) đã thi đấu thăng hoa để đánh bại nhà đương kim vô địch World Cup Jan Krzysztof Duda (Ba Lan, elo 2.769) sau 6 ván đấu với điểm số 4-2. Trước đó, tại giải cờ vua quốc tế Airthings Masters vào tháng 3/2022, Lê Quang Liêm cũng đánh bại được Duda ở 1 ván cờ nhanh duy nhất. Như vậy, trong vòng 2 tháng, kỳ thủ số 1 Việt Nam đã khiến thần đồng cờ vua Ba Lan 2 lần “khóc hận”.

Những chiến thắng quan trọng đã giúp kỳ thủ Việt Nam có được trạng thái tâm lý cực tốt để thắng trận thứ ba liên tiếp ở Oslo Esports Cup. Lần này, đối thủ bại trận dưới tay Quang Liêm là Anish Giri. Thống kê cho biết, kỳ thủ người Hà Lan đứng thứ 8 thế giới, theo Elo cờ tiêu chuẩn tháng 4/2022, và thứ 15 thế giới cờ nhanh. Chiến thắng chung cuộc thuyết phục 2,5-0,5 trước Anish Giri giúp Lê Quang Liêm có thêm 3 điểm, vươn lên xếp thứ 3 trên bảng xếp hạng với 11 điểm/6 vòng đấu.

Lý giải về những chiến thắng mang tính đột biến, huấn luyện viên Lâm Minh Châu, người có nhiều năm theo sát Lê Quang Liêm chia sẻ: “Trước kia lối chơi của Liêm thiên về sự chắc chắn, chính xác, có hệ thống theo bài vở. Tuy nhiên gần đây Liêm đánh đa dạng hơn. Ngay từ khai cuộc, Liêm đã đi những nước cờ ngoài hệ thống khiến đối thủ bất ngờ. Điều này sẽ gây áp lực cho đối thủ bởi thế trận sẽ đa dạng, khó đoán và phải linh hoạt xử lý. Ngày trước có thể đoán nước đi sắp tới của Lê Liêm nhưng bây giờ rất khó. Rất nhiều chứ không phải một trận như thế, cho thấy sự thay đổi này của Liêm”.

Quang Liêm vinh dự đại diện cho các sinh viên Việt Nam rước Quốc kỳ Việt Nam trong ngày nhận bằng tốt nghiệp đại học. Ảnh: INT.

Quang Liêm vinh dự đại diện cho các sinh viên Việt Nam rước Quốc kỳ Việt Nam trong ngày nhận bằng tốt nghiệp đại học. Ảnh: INT.

Tài năng hiếm có, học giỏi

Tiếp xúc cờ vua từ năm lên 7 tuổi, do anh trai Lê Quang Long chỉ dẫn, chỉ sau một thời gian ngắn, chính Long cũng tự nhận ra mình không thể nào đánh bại được cậu em trai Lê Quang Liêm. Đến giờ, kỳ thủ sinh năm 1991 đã trải qua hơn 20 năm thi đấu, tham gia gần như đầy đủ các hệ thống giải trong nước và quốc tế, chạm trán nhiều đối thủ sừng sỏ. Liêm đã tạo ra rất nhiều mốc son lịch sử cho cờ vua Việt Nam như vô địch châu Á (2019), Vô địch thế giới cờ chớp (2013), top 20 kỳ thủ xuất sắc nhất thế giới (2018), vô địch SEA Games 2011…

Giai đoạn 2000 - 2005, Lê Quang Liêm đã ghi dấu ấn trong làng cờ Việt Nam bằng nhiều danh hiệu quốc gia, khu vực Đông Nam Á và đỉnh cao là chức Vô địch thế giới lứa tuổi U14. Bước qua tuổi 15, Quang Liêm chính thức đạt được danh hiệu Đại kiện tướng quốc tế (GM). Anh là kỳ thủ trẻ tuổi thứ 2 của Việt Nam vinh hạnh có danh hiệu này sau Nguyễn Ngọc Trường Sơn (đạt GM năm 2004, 14 tuổi).

Năm 2011, tức 5 năm sau khi đạt GM, Lê Quang Liêm vượt qua cột mốc điểm Elo 2700 để trở thành Siêu Đại kiện tướng quốc tế đầu tiên trong lịch sử cờ Vua Việt Nam ở tuổi 20. Anh cũng là kỳ thủ châu Á thứ 4 nằm trong danh sách và duy nhất của Đông Nam Á có được niềm tự hào to lớn đó.

Theo Liên đoàn Cờ Vua Quốc tế (FIDE), trên thế giới có khoảng 600 triệu người chơi cờ Vua thường xuyên. Trong đó có hơn 1.500 người đạt được danh hiệu Đại kiện tướng quốc tế và chỉ có 40 người đạt đến danh hiệu cao nhất là Siêu Đại kiện tướng quốc tế. Huấn luyện viên Lâm Minh Châu cho rằng con số chỉ có 40 Siêu Đại kiện tướng quốc tế đã đủ nói lên ý nghĩa và tầm vóc như thế nào. Và việc Lê Quang Liêm chạm tới cột mốc đỉnh cao đó xứng đáng đi vào lịch sử cờ Vua nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.

Cờ Vua Việt Nam không thiếu nhân tài nhưng để vươn lên đến đẳng cấp Siêu Đại kiện tướng quốc tế thì chưa ai làm được ngoài Liêm. Nguyễn Ngọc Trường Sơn, đạt danh hiệu GM ở độ tuổi rất trẻ nhưng đã gần 18 năm trôi qua, kỳ thủ quê Kiên Giang vẫn chưa thể chinh phục cột mốc Elo 2700.

Không chỉ là tài năng hiếm có, Lê Quang Liêm được trân trọng bởi anh chưa bao giờ nghĩ đến khả năng đầu quân cho một Liên đoàn cờ Vua khác ngoài Việt Nam. Những yếu tố bên ngoài, như điều kiện tập luyện và thi đấu, chế độ đãi ngộ cao đã không ảnh hưởng đến lý tưởng phục vụ cờ vua quê hương của Liêm. Rất nhiều lần kỳ thủ sinh năm 1991 từng bày tỏ: “Tôi chưa nhận lời mời thi đấu cho Liên đoàn cờ Vua nước nào khác và cũng không có ý định này”.

Không đầu quân cho Liên đoàn cờ Vua của một quốc gia khác, song Quang Liêm vẫn chọn hướng đi xuất ngoại, nhận lời mời đấu cho nhiều câu lạc bộ cờ của các nước hàng đầu về cờ Vua để rèn luyện thêm kinh nghiệm cũng như tích lũy điểm số Elo duy trì ở mức trên 2700. Đặc biệt, dù đầu quân cho bất kỳ đội nào đi chăng nữa nhưng khi đất nước cần thì Liêm sẵn sàng trở về làm nhiệm vụ. Tháng 5 này, anh sẽ về Việt Nam tranh tài tại SEA Games 31, sau đó là tham dự các giải quốc tế lớn như Asian Games, Olympiad.

Siêu Đại kiện tướng quốc tế Lê Quang Liêm đã thi đấu khoảng trên 2000 ván cờ ở các giải chính thức, trên 10.000 ván qua hình thức online. Đáng chú ý, cho đến thời điểm đang diễn ra các trận đấu ở Na Uy, Lê Quang Liêm đã 16 lần chạm trán “Vua cờ” Carlsen. Trước khi buộc “Vua cờ” thất bại ngay trên sân nhà, bản lĩnh của Quang Liêm đã từng khiến Carlsen phải đập bàn thất vọng vì bị cầm hòa tại Champions Chess Tour 2022. Theo chia sẻ của huấn luyện viên Lâm Minh Châu: “Trùm cờ Vua Carlsen tham dự giải nào mà giải đó mình được ngồi ngang hàng là vinh dự lắm chứ. Đó là một vinh hạnh lớn của bất kỳ vận động viên nào”.

Từ năm 2013 - 2017, Lê Quang Liêm theo học Khoa học tài chính và nghệ thuật, quản lý tại Trường Đại học Webster, Mỹ. Anh cũng tham gia vào đội cờ Vua của trường do nữ cựu Vô địch thế giới Susan Polgar huấn luyện, đội mạnh nhất trong số các trường đại học tại nước Mỹ. Không lâu sau, Quang Liêm chính thức được bổ nhiệm làm đội trưởng giai đoạn 2015 - 2017 dẫn dắt đội tuyển Webster thi đấu và đạt 4 giải cờ Vua liên trường đại học Mỹ.

Từ tháng 6/2021, Lê Quang Liêm kế nhiệm Susan Polgar để trở thành huấn luyện viên tiếp theo của đội cờ Vua Trường ĐH Webster. Đặc biệt, sau 4 năm học, Lê Quang Liêm đã tốt nghiệp hạng xuất sắc với hai tấm bằng cử nhân chuyên ngành khoa học, tài chính và chuyên ngành nghệ thuật, quản lý của Trường Đại học Webster. Ngoài ra, Siêu Đại kiện tướng quốc tế của Việt Nam còn có bằng danh dự của khoa quản lý và khoa kinh doanh. Trong buổi lễ tốt nghiệp, Lê Quang Liêm vinh dự đại diện cho các sinh viên Việt Nam rước Quốc kỳ Việt Nam lên lễ đài.

Lê Quang Liêm (phải) lần đầu đánh bại Vua cờ Carlsen. Ảnh theo CHESS24.

Lê Quang Liêm (phải) lần đầu đánh bại Vua cờ Carlsen. Ảnh theo CHESS24.

Tỏa sáng ở SEA Games 31?

Trình độ của Lê Quang Liêm đã vượt ra khỏi khu vực Đông Nam Á và vươn tầm thế giới. Tuy nhiên, anh đã thất bại ở SEA Games 2019 khi chỉ đoạt Huy chương Bạc. Đó cũng là kỳ SEA Games mà đội tuyển cờ vua Việt Nam gây thất vọng khi không đoạt nổi tấm Huy chương Vàng nào. Trước kỳ SEA Games được tổ chức tại Việt Nam, đội tuyển cờ vua Việt Nam đặt mục tiêu giành ít nhất 5 Huy chương Vàng tại SEA Games 31 và ngôi số 1 Đông Nam Á.

Ông Nguyễn Minh Thắng - Phụ trách bộ môn Cờ (Tổng cục Thể dục thể thao) cho biết: “Chúng tôi dựa trên sự chuẩn bị chuyên môn của Ban huấn luyện để đưa ra mục tiêu huy chương đối với các nội dung và các kỳ thủ. Mặc dù không ở trong nước thời gian qua, nhưng Quang Liêm vẫn tập luyện cùng đội tuyển thông qua các buổi trực tuyến. Đại kiện tướng quốc tế Nguyễn Ngọc Trường Sơn đang tập luyện cùng đội tuyển cờ vua Việt Nam tại TPHCM. Mục tiêu của Trường Sơn cũng là ngôi vô địch.

Ở SEA Games 31, cờ vua có 10 bộ huy chương gồm cá nhân cờ nhanh, cờ chớp, cờ tiêu chuẩn nam và nữ; đồng đội cờ nhanh, đồng đội cờ chớp nam và nữ. Theo kế hoạch, Quang Liêm sẽ góp mặt ở 4 nội dung gồm cá nhân cờ nhanh, cờ chớp và đồng đội cờ nhanh, đồng đội cờ chớp và nhận trọng trách, giành 4 Huy chương Vàng. Mục tiêu Huy chương Vàng còn lại được đặt lên vai Đại kiện tướng quốc tế Nguyễn Ngọc Trường Sơn, ở nội dung cờ tiêu chuẩn.

Lê Quang Liêm đoạt ngôi Á quân Oslo Esports Cup, nhận 32.500 USD tiền thưởng. Ở ngày thi đấu cuối mở ra cơ hội vô địch cho Lê Quang Liêm khi 2 đối thủ xếp trên là "Vua cờ" Carlsen lẫn thần đồng cờ vua Ấn Độ Praggnanandha đều bại trận. Vì thế nếu giải quyết được Van Foreest Jorden (Hà Lan) trong 4 ván cờ nhanh, Lê Quang Liêm sẽ đoạt ngôi vô địch. Tuy nhiên kỳ thủ số 1 Việt Nam chỉ vượt qua đối thủ ở tie-break cờ chớp nên chấp nhận ngôi á quân. Kết thúc 7 ván đấu, Lê Quang Liêm đạt 13 điểm xếp hạng nhì chung cuộc, Nhà đương kim vô địch World Cup Duda (Ba Lan) tận dụng thành công sơ sẩy của Carlsen, Praggnanandha lẫn Quang Liêm để bất ngờ vươn lên đoạt ngôi vô địch với 14 điểm sau khi lấy trọn 3 điểm ở ván cuối.

Quang Nam

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-thao/ky-tich-o-oslo-Bj9F5ylnR.html