'Kỳ tích' vượt qua đói nghèo

Giai đoạn 2011 - 2020, một trong những thành công lớn của Lào Cai là tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2 con số. Đột phá trong công tác giảm nghèo của tỉnh phải kể đến những đổi mới về tư duy, chính sách trong lãnh đạo, chỉ đạo và sự vươn lên của mỗi người dân.

Nông dân trong tỉnh luôn nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng.

Nông dân trong tỉnh luôn nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng.

Bắt đầu từ nỗ lực của mỗi người dân

Sau khi nghỉ hưu, bà Nguyễn Thị Thủy, thôn Bản Sài, xã Liên Minh (thị xã Sa Pa) có nhiều thời gian cho phát triển kinh tế gia đình. Năm 2015, bà Thủy trồng thử 500 gốc cam V2 và gần 200 gốc dưa hấu. Bà còn vay vốn ngân hàng xây dựng hệ thống chuồng nuôi nhốt phục vụ chăn nuôi lợn rừng. Sau 2 năm chăm sóc, đầu năm 2018, bà Thủy đã xuất được lứa lợn rừng giống đầu tiên. Trên diện tích đất sản xuất của gia đình, bà đưa các giống ngô, lúa năng suất cao vào sản xuất để chủ động nguồn lương thực cho gia đình và phục vụ chăn nuôi. Với mô hình kinh tế tổng hợp VACR, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình bà để ra gần 300 triệu đồng.

Từ năm 2018, gia đình chị Ly Thị Dung, thôn Lao Chải, xã Quan Hồ Thẩn (huyện Si Ma Cai) được công nhận thoát nghèo. Kết quả này là nhờ nỗ lực của mỗi thành viên trong gia đình và việc mạnh dạn đổi mới tư duy trong lựa chọn cây trồng, vật nuôi của chị Dung. Trước năm 2013, khu đất đồi và vườn của gia đình chị chỉ trồng ngô, rau, phần lớn thì để không. Sau một lần được tham gia buổi đối thoại trực tiếp với các đồng chí lãnh đạo huyện tại trụ sở UBND xã, vợ chồng chị đã tìm ra hướng thoát nghèo, đó là phát triển cây mận Tả Van.

Nhờ được định hướng cụ thể, vợ chồng chị Dung vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư trồng 500 gốc mận Tả Van. Để tận dụng diện tích đất sản xuất và tăng thu nhập, chị trồng rau vụ đông xen canh dưới gốc mận. Vụ rau đầu tiên, chị thu về 30 triệu đồng, đủ trả nợ ngân hàng. Năm 2016, khi lứa mận đầu tiên cho quả bói, gia đình chị thu được gần 50 triệu đồng. Từ năm 2018 đến nay, vườn mận nhà chị cho quả ổn định, mỗi năm thu khoảng 200 triệu đồng. Từ tiền bán mận và rau vụ đông, chị đã sửa được nhà, sắm thêm nhiều tiện nghi phục vụ sinh hoạt.

Ở thôn Tân Tiến, xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát), gia đình anh Vàng Kim Sinh được bà con gọi vui là triệu phú chuối cấy mô. Trước năm 2010, gia đình anh thuộc diện đặc biệt khó khăn. Năm 2011, sau khi tham gia các lớp tập huấn tại xã, anh đã tìm ra hướng thoát nghèo từ trồng cây chuối cấy mô. Được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trịnh Tường giúp đỡ về kỹ thuật, từ vụ thu hoạch thứ 2, gia đình anh đã có đủ tiền trả nợ vốn vay đầu tư ban đầu. Sau 10 năm gắn bó với cây chuối cấy mô, từ 500 gốc chuối ban đầu, giờ anh đã có gần 5.000 gốc, vươn lên đứng trong danh sách những hộ có kinh tế khá, giàu của thôn Tân Tiến. Không chỉ trồng chuối, gia đình anh Sinh còn cấy lúa, trồng ngô, đào ao nuôi cá và nuôi lợn, gà bản địa. Hiện mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình anh để ra khoảng 250 triệu đồng.

Diện mạo vùng cao Lào Cai ngày càng khởi sắc.

Diện mạo vùng cao Lào Cai ngày càng khởi sắc.

Tạo đột phá trong lãnh, chỉ đạo

Khi mới tái lập (tháng 10/1991), toàn tỉnh có trên 50% hộ trong diện đói, nghèo. Từ năm 1999 - 2000, Lào Cai đã tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo với nhiều chương trình, dự án lồng ghép như 134, 135, 30a… qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng nhanh, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, năm 2010 còn 16,68% (đạt mục tiêu Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững). Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế cũng như kết quả xóa đói, giảm nghèo của tỉnh chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo cao, nguy cơ tái nghèo lớn. Theo chuẩn nghèo mới, năm 2011, toàn tỉnh còn gần 43% hộ nghèo, hơn 14% hộ cận nghèo. Trước thực trạng trên, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra mục tiêu phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm 3% - 5%/năm. Cụ thể hóa nghị quyết, Tỉnh ủy đã phê duyệt Đề án Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015, với mục tiêu đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 25%.

Để triển khai hiệu quả Đề án, tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với thực tế như: Quyết định số 60 ngày 30/12/2011 của UBND tỉnh về quy định chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011 - 2015; Nghị quyết số 22 ngày 11/11/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020; Nghị quyết số 37 ngày 17/12/2014 của HĐND tỉnh về hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng cho các dự án đầu tư phát triển sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp đối với các huyện nghèo và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao trên địa bàn tỉnh Lào Cai...

Cùng với đó, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra đối với công tác giảm nghèo bền vững; nâng cao năng lực quản lý nhà nước và xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành. Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của chính mỗi người dân. Tỉnh ưu tiên thực hiện đồng bộ các dự án, chính sách trên địa bàn các thôn, xã đặc biệt khó khăn, đồng thời đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hàng hóa… Nhờ đó, đến hết năm 2015, toàn tỉnh còn hơn 18.900 hộ nghèo (tương đương hơn 12% tổng số hộ), tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 6,2%/năm.

Theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chiếm 34%, hộ cận nghèo chiếm gần 10%. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm 3% - 4%. Cụ thể hóa nghị quyết, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, đề án về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có Nghị quyết số 20 ngày 24/5/2019 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên đến hết năm 2020, tầm nhìn đến 2025 và có xét đến năm 2030 (tỉnh tập trung 43 xã nghèo nhất; hiện nay sau khi sáp nhập còn 37 xã).

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo, quán triệt nghị quyết đến các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, đồng thời ban hành Quyết định số 148 ngày 2/3/2021 của Tỉnh ủy về việc phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh theo dõi, nắm tình hình tổ chức cơ sở đảng và giúp các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh. UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 06 ngày 10/7/2019 về việc sử dụng ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay phát triển kinh tế - xã hội tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2019 - 2025… Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp có xã nghèo đẩy mạnh triển khai nghị quyết đến từng chi bộ, đảng viên và Nhân dân...

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo của Lào Cai đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi, thậm chí là kỳ tích. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020), tỷ lệ hộ nghèo bình quân của 37 xã nghèo là 13,77% (tương ứng 3.551 hộ), giảm bình quân 9,45%/năm. Đến hết năm 2021, có 89% thôn, bản có đường trục giao thông cứng hóa; 93% thôn, bản có điện lưới; 100% xã xóa phòng học tạm, tranh tre, vách nứa; 77% xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn nông thôn mới; 72% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh... Từ năm 2019 đến nay, đã tư vấn, giới thiệu đưa hơn 1.000 lao động đi làm việc ổn định tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh; riêng năm 2021, giải quyết việc làm cho 795 lao động các xã đi làm việc tại các tỉnh, mức lương 5 - 8 triệu đồng/người/tháng...

Những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo thời gian qua là nền tảng vững chắc để Lào Cai vươn lên thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2025 tiếp tục là tỉnh phát triển của vùng Trung du, miền núi phía Bắc; năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước; năm 2045 là tỉnh phát triển của cả nước như tinh thần Nghị quyết Đại hội XVI đề ra.

Nội dung: Thu Ngọc

Trình bày: Ngọc Luyến

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/357722-ky-tich-vuot-qua-doi-ngheo