Ký ức

Gã tạt vào quán bún bò bên quốc lộ, để tránh cái nắng như thiêu như đốt của tháng sáu hắt vào carbin. Toàn thân gã bây giờ nồng nặc mùi mồ hôi chua loét, quyện với mùi hoi hoi của đám gà con chất đầy thùng xe tải.

Gã húp xoàn xoạt cả nước lẫn cái như chả quan tâm hương vị bát bún, lúc ngẩng đầu lên thấy bà chủ quán thắp nhang, thành tâm khấn vái. Chiếc bàn thờ đơn sơ nằm trong hốc một thân cây si lâu năm có hình thù kỳ dị. “Hôm nay có phải rằm đâu bác?”, gã ngạc nhiên. Quán vắng, bà chủ kéo ghế ngồi đối diện gã, rì rầm kể chuyện, vẻ huyền bí.

Bà kể, mấy năm nay, có một ông lão ngày nào cũng lẩn thẩn đi bộ dọc quốc lộ như người điên. Một hôm, ông tấp vào quán bún bò của bà, một mình gọi hai bát bún. Một bát để trước mặt mình, một bát cẩn thận đặt đối diện: “Ăn đi con!”, ông lẩm bẩm. Hành động của ông lão khiến bà chủ tự nhiên thấy lạnh người.

Sau này, những người hàng xóm kể, chục năm trước có một vụ tai nạn xe khách, chiếc xe đâm phải xe tải, lật nhào lúc ba giờ sáng. Chuyến xe đó có hai đứa con của ông đang trên đường xuống Sài Gòn học đại học. Một đứa được cứu sống, một đứa đã mất. Từ biến cố ấy, ông cứ lang thang đi dọc quốc lộ. Bà chủ quán cũng lập bàn thờ ở gốc cây si, nơi lúc ra về, ông lão đã ôm chầm lấy, khóc lóc thống thiết.

Nghe bà lão kể, gương mặt gã bỗng tái nhợt. Gã thấy cổ họng khát khô. Gã vội đi rót ly trà đá, uống ừng ực. Ký ức của chục năm trước chợt hiện về, rõ mồn một. Đó là một đêm cuối năm lạnh buốt, gió thông thốc chui vào tay, vào cổ áo. Gã ngồi uống suông rượu trắng để cho người nóng lên và có đủ dũng khí “đi làm”. Đêm nay là đêm đầu tiên gã đi trộm chó. Tay Dương chủ quán thịt chó đưa cho gã đồ nghề. Gã mân mê rồi uể oải giắt túi bả chó bên hông. Từ lúc gật đầu nhận việc này, gã đã thấy mình là kẻ khốn nạn.

Tay Dương trấn an: “Làm vài lần khắc quen. Được bao nhiêu em bao tiêu hết”. Nhưng dù anh ta có nói câu ấy chục lần vẫn không vỗ về nổi lương tâm gã. Gã xiêu vẹo sau khi nốc xong hai chai rượu, giờ gã sẽ đi qua xóm bên. Gã không nỡ trộm chó của láng giềng thân thuộc. Và theo tính toán, nếu vụ trộm không thành, gã có bị bắt lại thì ít nhất vợ con gã còn mặt mũi sống được ở đất này. Gã không muốn vợ con thêm bần cùng.

Con trai gã tối nay còn tưởng gã đi rừng, nó nằng nặc đòi theo. Vợ thấy gã sửa soạn áo xống đi làm, cũng thôi càu nhàu chuyện tiền bạc. Lúc gã đi, chị còn vui vẻ nói với ra: “Bẫy được con nào, bố nó cứ mang về đây em làm thịt cho”. Chính chị cũng nghĩ gã kiếm ăn được với rừng.

Chị đâu biết, những lần đi rừng gần đây, gã đều trở về tay trắng. Trai làng đổ vào rừng đi săn còn đông hơn thú. Gã đã phải tìm đến tay Dương thịt chó để vay nóng ít đồng mang về cho vợ đong gạo, ai ngờ hắn tính lời tính lãi. Một kẻ không nghề ngỗng, không biết chữ như gã lấy đâu ra tiền trả. Như nhìn thấu tâm can đang quay quắt vì tiền, tay Dương ghé tai gã thì thầm: “Bác đi săn đàn thú nhà dễ ăn hơn nhiều. Tội gì”.

Ba giờ sáng, gã lao băng băng trên quốc lộ. Men rượu xộc lên não, gã thấy tâm trí lơ lửng. Mắt gã díp lại, chết thật, gã buồn ngủ. Mất hai chai rượu mà thất thu thì không đành, gã cố giương đôi mắt mệt mỏi lên, đi tiếp. Đến đoạn đường rẽ vào xóm bên, gã nhắm mắt, mơ màng.

Đúng lúc giấc ngủ dễ chịu ập đến, chiếc xe máy của gã đâm sầm vào đuôi chiếc xe khách đang nằm chổng ngược bốn bánh lên trời. Gã ngã bổ nhào, lồm cồm bò dậy, choàng tỉnh ngủ. Phía trước gã là một đám đông, nhưng chẳng ai quan tâm đến gã. Bây giờ, gã mới nhìn rõ cảnh tượng hỗn loạn trước mắt, một nhóm người đang hô hoán, dùng búa đập tới tấp vào cửa kính ô tô. “Còn sống không?”, “Kéo ra nhanh lên!”, “Người kia trước kìa, kéo ra!”. Đám đông ồn ào, tranh nhau nói.

Gã tò mò chen vào, theo ánh đèn pin rọi vào trong xe, gã nhận ra có rất nhiều người mắc kẹt. Người tỉnh thì thào kêu cứu, người thì nằm bất động, máu me bê bết. Hơi rượu bốc lên đầu, gã vô thức lảo đảo chui qua cửa kính vừa đập vỡ, xốc một người mê man, lôi ra ngoài.

Gã giao cho đám đông rồi lại lao vào, bế được một người nữa. Vẫn còn, gã tiếp tục lao vào. Men rượu dường như khiến gã khỏe hơn. Mỗi lần gã đem ra một người, đám thanh niên bên ngoài hò nhau đưa lên xe máy, một người chở, một người áp tải phía sau, đưa đến bệnh viện.

Năm giờ sáng, hơi rượu tan dần, gã thấy hơi thở như dồn dập, mệt mỏi. Vài người lại rọi đèn vào trong: “Hết rồi”. Bên vệ đường, năm sáu chiếc chiếu đắp lên người tử nạn. Gã ngồi sụp xuống đất, thở phì phì.

Gã bây giờ mới nhận ra đôi tay mình đang đầy máu tươi, không biết là máu của người ta hay máu mình bị mảnh vỡ cửa kính đâm phải. Chiếc áo gió màu xanh của gã cũng nhuộm đầy máu, chuyển sang màu tím sẫm. Gã liêu xiêu trèo lên xe máy, phóng về nhà, trên đường về, tiện tay lôi mớ bả chó trong túi, vứt xuống sông.

Vừa đến nhà, gã đã thả mình xuống giường. Nhìn chiếc áo thấm máu mắc vội trên dây phơi, chị vợ giọng phấn khởi: “Đêm qua bố nó bẫy được nhiều thế à? Cheo cheo hay heo rừng đấy?”. Gã xoay mặt vào tường, tự dưng một dòng nước mắt chảy ra, nóng hổi. Gã cố gắng nhắm mắt, nhưng những hình ảnh lộn xộn cứ đan xen trong đầu. Đêm đó và nhiều đêm về sau, gã mất ngủ.

Sau này, khi đã trở thành một tay tài xế chở hàng, gã luôn chọn đi đường khác để tránh đoạn đường xảy ra tai nạn đêm ấy. Dường như gã sợ phải đối mặt với ý nghĩ, đêm đó gã là một tay trộm chó. Nỗi bất hạnh của người tử tế là hay day dứt về việc xấu của bản thân.

Gã bước ra khỏi quán bún bò, ngơ ngẩn trèo lên carbin, suy nghĩ một lúc rồi nổ máy. Đến ngã ba, gã không rẽ vào đường tránh như thường lệ mà dong thẳng xe theo quốc lộ. Con đường bao năm đã đổi thay, người ta mở thêm làn, trải lại nhựa đen óng. Những nét vẽ chằng chịt bằng sơn trắng của vụ tai nạn bị xóa đi từ lâu. Có lẽ, vết dấu buồn bã chỉ tồn tại trong ký ức, trước mắt gã bây giờ là một con đường rộng thênh thang và bầu trời xanh ngập nắng.

KHƯƠNG QUỲNH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ky-uc-720028.html