Ký ức của bạn có thể bị thay đổi như thế nào
Ký ức không phải một thứ bất biến và vĩnh cửu, sự thật là bạn thường xuyên đem ký ức của người khác ghép vào ký ức của mình.
Năm 1932, nhà tâm lý học Charles Barlett đã kể về một truyện dân gian của thổ dân châu Mỹ cho các đối tượng tham gia thí nghiệm, ông yêu cầu họ kể lại câu chuyện này. Dần dần, câu chuyện những người tham gia thí nghiệm kể ngày càng khác nguyên bản, và có xu hướng nhuốm màu sắc văn hóa của nơi họ sinh ra.
Trong nguyên tác, hai người đàn ông Egulac đang săn hải cẩu trên sông thì nghe thấy những tiếng hét giống như tiếng xung trận. Họ nấp đi cho tới khi một chiếc xuồng với năm chiến binh tiến tới. Những người này đề nghị họ cùng tham chiến. Một trong hai người đàn ông đồng ý, người còn lại thì quay về nhà. Sau đó, câu chuyện trở nên rối rắm bởi vì trong trận chiến, một ai đó đã nghe một người khác nói rằng những người này là ma.
Người đàn ông quyết định tham chiến cuối cùng đã bị thương, nhưng không rõ là cái gì hay ai đã gây ra việc đó. Khi về tới quê nhà, anh ta kể lại với những người xung quanh về chuyện mình đã chiến đấu với ma. Rồi sáng hôm sau, một thứ gì đó màu đen chảy ra từ miệng anh ta và anh ta chết ngay sau đó.
Câu chuyện này không chỉ rất kỳ lạ, nó còn được viết một cách khó hiểu. Trong quá trình thí nghiệm, các đối tượng tham gia đã nhào nặn lại câu chuyện sao cho nó có nghĩa hơn, rành mạch hơn, những chi tiết tối nghĩa bị lược bớt. Ma có lúc là kẻ thù, có lúc lại là đồng đội, nhưng chúng thường là mấu chốt của câu chuyện. Rất nhiều người gọi những chiến binh là thây ma, nhưng trong truyện gốc thì từ "hồn ma" gắn liền với tên bộ tộc họ.
Có phiên bản miêu tả việc nhân vật chính đã được chăm sóc sau khi bị thương. Những thợ săn hải cẩu thì có lúc lại trở thành những người đánh cá. Con sông trở thành bờ biển. Chất màu đen trở thành linh hồn, hay có lúc lại là một cục máu đông.
Sau khoảng một năm, các phiên bản bắt đầu có thêm vào nhân vật phụ, những chi tiết mới, và những ý tưởng không hề có trong nguyên tác, ví dụ như là một cuộc hành hương hay là sự tự hy sinh làm vật tế lễ. Ký ức không hoàn hảo, và nó thay đổi liên tục. Những hình ảnh trong quá khứ không chỉ phải chạy qua bộ lọc của hiện tại, mà còn dễ dàng bị tác động bởi những tác nhân xã hội ngoại vi.
Bạn thường xuyên đem ký ức của người khác ghép vào ký ức của mình. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng ký ức là thứ dễ thẩm thấu, dễ bị thao túng và cũng luôn tiến hóa. Nó không phải là một thứ bất biến và vĩnh cửu.
Nó giống một giấc mơ ban ngày được xây dựng bằng những thông tin và suy nghĩ bạn có sẵn trong đầu, thêm và bớt các chi tiết so với phiên bản gốc. Nếu bạn nghĩ rằng điều gì đó có thể đã xảy ra thì bạn sẽ dễ dàng tin nó vào mà không cần tự vấn xem nó có phải là sự thật hay không.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ky-uc-cua-ban-co-the-bi-thay-doi-nhu-the-nao-post1400730.html