Ký ức của cựu binh thành cổ Quảng Trị: 'Hơn 1.000 người đã vĩnh viễn nằm lại'

Cựu chiến binh Thành cổ Quảng Trị bật khóc nức nở khi thấy ký ức chiến tranh bi tráng của mình sống lại trong từng khuôn hình của 'Mưa đỏ'.

Sự kiện showcase phim điện ảnh Mưa đỏ đã diễn ra với sự góp mặt của đoàn phim, lãnh đạo Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) cùng ba nhân chứng lịch sử từng trực tiếp chiến đấu tại trận Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

3 cựu chiến binh nghẹn ngào kể lại ký ức về trận chiến khốc liệt ở Thành cổ Quảng Trị.

3 cựu chiến binh nghẹn ngào kể lại ký ức về trận chiến khốc liệt ở Thành cổ Quảng Trị.

Sự xuất hiện của cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi – Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn K3 Tam Đảo, đại tá Đào Văn Phê – Phó ban liên lạc Tiểu đoàn K3 Tam Đảo và thiếu tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Trọng Can đã mang đến những ký ức chân thực, xúc động khiến cả khán phòng lặng đi.

Chỉ mới xem trích đoạn phim, ông Nguyễn Văn Hợi đã nghẹn ngào xúc động. Ký ức về trận chiến khốc liệt hiện lên rõ mồn một trong lời kể của ông: “Khi sang sông nhận nhiệm vụ chốt giữ Thành cổ Quảng Trị, chúng tôi có 325 người. Quân tăng cường bốn lần nữa, nhưng đến ngày 25/5/1972, khi trở về Hà Nội, chỉ còn lại 39 người sống sót”.

Theo ông Hợi, Tiểu đoàn K3 Tam Đảo có hơn 1.000 người đã vĩnh viễn nằm lại nơi cổ thành. Với diện tích chỉ khoảng 25ha, Thành cổ Quảng Trị hứng chịu 328.000 tấn bom đạn – trung bình mỗi chiến sĩ phải gánh hơn 100 quả bom, 200 quả pháo. “Thử hỏi sống làm sao nổi?” – ông nghẹn ngào.

Ông Hợi cũng nhớ lại khoảnh khắc đi đón quân bổ sung vượt sông Thạch Hãn. “Chưa kịp vui mừng thì pháo đã trùm xuống. Tiếng gọi 'mẹ ơi', 'chị ơi' vang vọng giữa dòng sông. Những người lính trẻ ấy còn chưa biết yêu là gì, trong phút cuối cùng chỉ biết gọi mẹ, gọi chị…”

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi xúc động gửi lời cảm ơn tới đạo diễn Đặng Thái Huyền, nhà văn Chu Lai và ê-kíp làm phim Mưa đỏ. “Đồng đội của chúng tôi ở Tiểu đoàn K3 Tam Đảo cùng hàng ngàn liệt sĩ nằm lại Thành cổ sẽ mỉm cười và vui lắm. Vì hôm nay, chúng ta có tác phẩm điện ảnh – chỉ cần xem, đã thấy chúng tôi ở đó".

Đại tá Đào Văn Phê rưng rưng nói: “Chúng tôi may mắn được là người sống sót trở về từ chiến trường Quảng Trị nhưng đồng đội chúng tôi ngã xuống thì không đếm xuể. Là một người lính bước ra từ trận địa khốc liệt ấy, tôi muốn gửi lời khen đến ê-kíp và các diễn viên vì đã tái hiện lại khá chân thật về trận chiến năm xưa".

Bộ phim "Mưa đỏ" tái hiện sự kiện 81 ngày đêm quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng bảo vệ đến cùng thành cổ Quảng Trị vào năm 1972.

Bộ phim "Mưa đỏ" tái hiện sự kiện 81 ngày đêm quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng bảo vệ đến cùng thành cổ Quảng Trị vào năm 1972.

Thiếu tá, Anh hùng LLVT Trần Trọng Can bày tỏ kỳ vọng Mưa đỏ sẽ được khán giả đón nhận nồng nhiệt, trở thành cầu nối để thế hệ trẻ hiểu và trân trọng hơn giá trị của hòa bình. “Chiến tranh sẽ không bao giờ mất khỏi ký ức – chỉ mong lớp trẻ xem và lấy đó làm gương, tiếp bước xây dựng đất nước".

Nhà văn Chu Lai – biên kịch phim Mưa đỏ gọi 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị là “một trong những trận chiến ác liệt nhất lịch sử chiến tranh nhân loại”, nơi mà “mỗi ngày, ta hy sinh đủ một đại đội”. Ông phân tích: “Giai đoạn đầu là 'sa bẫy chiến' – chiến đấu giữa nắng lửa. Giai đoạn sau là 'thủy chiến' – khi mưa bom đạn dội khiến nước tràn ngập hầm hào, ngập cả tử sĩ".

Ông kể lại những hình ảnh ám ảnh: “Có liệt sĩ bị hy sinh đi hy sinh lại tới bảy lần. Mỗi lần bom rơi, thân thể bay lên rồi vỡ nát dần. Có người chỉ còn lại một bàn tay. Không một tiểu thuyết, kịch bản hay trường ca nào có thể lột tả hết được tinh thần của Quảng Trị”.

“Nếu không có Thành cổ trong mưa máu, thì không có bầu trời xanh hôm nay. Không có bản giao hưởng máu, bản giao hưởng nhân văn ấy – thì cũng không có những ngày hòa bình như bây giờ,” ông nói đầy xúc động.

Mưa đỏ là phim truyện điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng với kịch bản của nhà văn Chu Lai. Bộ phim được thực hiện dựa trên cảm hứng và hư cấu từ sự kiện 81 ngày đêm quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng bảo vệ đến cùng thành cổ Quảng Trị vào năm 1972.

81 ngày đêm ấy đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc, là một minh chứng cho khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Lê Chi

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/ky-uc-cua-cuu-binh-thanh-co-quang-tri-hon-1-000-nguoi-da-vinh-vien-nam-lai-ar956041.html