Ký ức của người lính già về những năm tháng gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng

Cựu chiến binh (CCB) Bùi Văn Dục, Đại tá, nguyên Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 là một trong những người lính đã để lại dấu ấn đậm nét trên nhiều chiến trường ác liệt, từ miền Trung khói lửa đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ông là biểu tượng sống động của tinh thần kiên cường, tận hiến, luôn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.Quyết tâm phải đi bộ đội cho bằng được!Sinh năm 1949 trong một gia đình nông dân có 6 anh chị em ở thôn Hoàng Xá, xã Trung Dũng (Tiên Lữ), tuổi trẻ của ông Dục gắn liền với những năm tháng đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh. Dù người anh trai đang trong chiến đấu ở chiến trường miền Nam còn bản thân đang là dân quân tại địa phương, ông Dục vẫn tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ vào tháng 3/1967.

CCB Bùi Văn Dục với những tấm huân, huy chương kháng chiến

CCB Bùi Văn Dục với những tấm huân, huy chương kháng chiến

Vóc dáng nhỏ bé, cân nặng không đạt chuẩn tòng quân, nhưng không điều gì có thể ngăn được tinh thần yêu nước của chàng trai Bùi Văn Dục. Nhờ ý chí và sự quyết tâm phải đi bộ đội cho bằng được, thanh niên trẻ đó đã được đơn vị tuyển quân chấp thuận và nhanh chóng bước vào thời kỳ huấn luyện tại Tỉnh đội. Sau 3 tháng, ông được giữ lại học Hạ sĩ, rồi tháng 9/1967, về Đại đội 14, Trung đoàn 52, Sư đoàn 320, tiếp tục huấn luyện tại Hòa Bình trước khi hành quân vào miền Nam theo tuyến đường Trường Sơn.

Trên những chặng đường rừng núi, bom đạn và gian khó không làm chùn bước chân người lính trẻ. Tháng 4/1968, tại chiến trường Cửa Việt, ông giữ cương vị khẩu đội trưởng, trực tiếp tiêu diệt 1 máy bay và 1 xe tăng – thiết giáp của địch trong trận đánh khốc liệt.

Sau thời gian chiến đấu tại chiến trường miền Trung, ông được cử ra Bắc học tại Trường Sĩ quan Lục quân 1 vào tháng 11/1968. Tháng 10/1969, ông nhận nhiệm vụ làm Trung đội trưởng đặc công thuộc Trung đoàn 165, Sư đoàn 312; tháng 11/1969, ông tham gia chiến đấu tại sân bay Xiêng Khoảng (Lào).

Đỉnh cao trận mạc – Trận Đồi Cháy, Quảng Trị và tiến vào Sài Gòn

Mùa hè đỏ lửa năm 1972, ông Dục giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, tham gia chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, nơi được coi là “chảo lửa” khốc liệt nhất thời điểm bấy giờ. Tại chốt Đồi Cháy, ông cùng đồng đội cầm cự suốt nhiều ngày, ăn lương khô còn sót lại từ ba lô của các chiến sĩ đã hy sinh, uống nước suối để duy trì sức chiến đấu. Trong hoàn cảnh gian khổ và thiếu thốn tột cùng, ông vẫn luôn giữ tinh thần “quyết tử để giữ đất”, quyết tâm không để quân địch chiếm chốt. Ông Dục nghẹn lời: “Tiểu đoàn 5 có trên 600 chiến sĩ, sau 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, chẳng còn lại bao nhiêu người...”.

Cuối năm 1974, ông được cấp trên điều động làm Tham mưu phó Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1. Đầu tháng 4/1975, ông cùng đơn vị được lệnh hành quân vào Sài Gòn. Đến ngày 25/4, ông cùng đồng đội đến Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Dương); đêm 26/4, đơn vị ông đánh chiếm hai căn cứ của địch. Rạng sáng 28/4, ông trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 2 đánh căn cứ Phú Lợi (nay thuộc tỉnh Bình Dương), một cứ điểm phòng thủ quan trọng của địch. Ngay trưa hôm đó, ông chỉ đạo bao vây Tân An, bắt sống 11 sĩ quan cấp tá và thu giữ 17 xe tăng, thiết giáp của địch.

Sau khi hoàn tất nhiệm vụ, ngày 29/4, Tiểu đoàn do ông chỉ huy nhanh chóng cơ động về Bến Cát, chặn đường rút quân của địch nhằm ngăn chặn các mũi tiến về Sài Gòn. Đây là những giờ phút then chốt trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trọn đời cống hiến, sống đẹp trong thời bình

Sau chiến tranh, ông Dục tiếp tục công tác trong quân đội. Từ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, đến năm 1982, ông được cử đi làm chuyên gia quân sự tại Campuchia, làm nhiệm vụ quốc tế 6 năm liền. Năm 1987, ông trở về nước và giữ chức Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312 cho đến khi nghỉ hưu năm 1993 với quân hàm Đại tá.

Đại tá Bùi Văn Dục

Đại tá Bùi Văn Dục

Với những cống hiến to lớn trong chiến đấu và công tác, ông Dục đã được Đảng, Nhà nước trao tặng 12 huân chương các loại, trong đó có 6 Huân chương Chiến công, Huy hiệu Quyết thắng cùng nhiều khen thưởng khác.

Về quê nhà, ông Dục tiếp tục tham gia nhiều hoạt động xã hội tại địa phương. Với 76 năm tuổi đời, 58 năm tuổi Đảng, ông Dục luôn giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, luôn khiêm nhường, mẫu mực và tận tụy. Ông thường xuyên được mời nói chuyện truyền thống tại các trường học, truyền cảm hứng lịch sử và tinh thần yêu nước đến thế hệ trẻ.

CCB Bùi Văn Dục không chỉ là người lính anh dũng trong chiến đấu mà còn là tấm gương sáng trong thời bình, luôn sống trọn vẹn với lý tưởng phục vụ Tổ quốc và Nhân dân. Hành trình đời lính của ông là minh chứng sống động cho tinh thần bất khuất, kiên trung của dân tộc Việt Nam.

Hương Giang – Dương Miền

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/ky-uc-cua-nguoi-linh-gia-ve-nhung-nam-thang-gian-kho-nhung-rat-doi-hao-hung-3180928.html