Ký ức của những người lính giải phóng miền Nam năm xưa

Trong những ngày tháng tư lịch sử, theo giới thiệu của Hội Cựu chiến binh huyện Vân Hồ, chúng tôi đến thăm những người lính đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đã 47 năm trôi qua, những ký ức hào hùng một thời lửa đạn vẫn còn in đậm trong tâm trí những người lính Bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.

Chúng tôi đến thăm và trò chuyện với thương binh hạng 4/4 Đoàn Đình Điểu, tiểu khu Sao Đỏ 1, xã Vân Hồ. Nhắc đến những ngày tháng ở chiến trường miền Nam, giọng người lính già đầy xúc động, ông kể: Tháng 12 năm 1970, vừa tròn 20 tuổi, tôi nhập ngũ vào biên chế Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Sư đoàn 968, tham gia chiến đấu trên chiến trường Lào. Cuối năm 1974, Sư đoàn hành quân về tham gia chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Khu V, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cựu chiến binh Đoàn Đình Điểu kể lại những ngày tháng tham gia chiến trường miền Nam.

Cựu chiến binh Đoàn Đình Điểu kể lại những ngày tháng tham gia chiến trường miền Nam.

Chiến thắng trong Chiến dịch Tây Nguyên từ tháng 3/1975 là chiến dịch mở đầu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta. Thừa thế tiến công, 17h ngày 28/4/1975, các hướng, mũi chiến đấu của quân ta bắt đầu hành quân suốt đêm từ Củ Chi vào Đồng Dù (phía Tây Bắc Sài Gòn). Đến 5h30 sáng 29/4/1975, Trung đoàn 9 chuyển về Sư đoàn 320 có nhiệm vụ tiến công căn cứ Đồng Dù.

Ông Điểu kể: Lúc đó chúng tôi chẳng hề quan tâm đến chuyện sống chết, khí thế như trời rung đất chuyển, chỉ nghĩ đến việc tiến công và chiến thắng thật nhanh. Đến 11h ngày 29/4/1975, Sư đoàn 320 đã làm chủ hoàn toàn căn cứ Đồng Dù. Chỉ trong 5 giờ chiến đấu, quân ta đã đập tan toàn bộ Sư đoàn 25 của quân địch. Chiến thắng ở căn cứ Đồng Dù, nơi được mệnh danh là “cánh cửa thép” án ngữ phía Tây Bắc Sài Gòn, đã tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng tiến công tiến thẳng về nội đô, kết hợp cùng các cánh quân khác đánh chiếm các mục tiêu chiến lược.

Ngay sau chiến thắng Đồng Dù, Trung đoàn 9 có nhiệm vụ truy bắt quân phản động, ổn định tình hình, nên không tiến vào Dinh Độc Lập. Nhận được tin chiến thắng, ông Điểu và các đồng đội vỡ òa trong hạnh phúc. Niềm vui kết thúc chiến tranh lớn đến mức ông và đồng đội ăn cũng hát, gặp nhau cũng hát và hò reo.

Đến cuối năm 1977, ông Điểu chuyển ngành về Nông trường Sao Đỏ, huyện Mộc Châu (nay là tiểu khu Sao Đỏ 1, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ) làm kinh tế. Trở về đời thường, ông vẫn giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nỗ lực khắc phục khó khăn, nuôi dạy con cháu trưởng thành; động viên con cháu tiếp tục phát huy tinh thần, hào khí của cha ông xây dựng quê hương.

Chia tay ông Điểu, chúng tôi đến gặp ông Đoàn Thế Kỷ, cùng trú ở tiểu khu Sao Đỏ 1, xã Vân Hồ. Rót chén nước mời khách, ông kể cho chúng tôi về thời gian trong quân ngũ, sống và trực tiếp chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Ông bảo: Năm 1970, khi đó tôi 18 tuổi đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện lính trinh sát, tôi được biên chế vào C11 - D3, Sư đoàn 473. Đơn vị của tôi tham gia chiến đấu chủ yếu tại mặt trận Trị Thiên, với các chiến trường ác liệt, như: Đông Hà, Cam Lộ, Khe Sanh và mặt trận Nam Lào.

Theo lời kể của ông Kỷ, nhiệm vụ của ông là đi trước dẫn đường cho bộ đội hành quân, phát hiện các ổ phục kích của địch để tổ chức chiến đấu hoặc có thể tìm đường đi khác để tránh đụng độ với địch, tránh những quả bom do quân giặc ném xuống nhưng chưa nổ, bảo đảm an toàn, bí mật cho cuộc hành quân. Tháng 9/1972, trong một lần thực hiện nhiệm vụ, ông Kỷ bị thương và mất đi đôi bàn tay do mìn nổ. Sau thời gian điều trị ở binh trạm, cuối năm 1972, ông được xuất ngũ trở về quê hương Thái Bình. Năm 1985, khi Đảng và Nhà nước kêu gọi người dân các tỉnh miền xuôi đi xây dựng vùng kinh tế mới tại các tỉnh phía Tây Bắc, vợ chồng ông đã đăng ký lên tiểu khu Sao Đỏ, thị trấn Nông trường Mộc Châu.

Trở về đời thường, những người lính năm xưa vẫn giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nỗ lực khắc phục khó khăn, nuôi dạy con cháu trưởng thành. Chiến tranh đã lùi xa, song những ký ức về cuộc chiến tranh năm xưa vẫn còn vang vọng mãi trong tâm trí của ông Kỷ, ông Điểu và những người lính Cụ Hồ đã làm nên chiến thắng lịch sử, họ là những nguồn cảm hứng để khơi dậy truyền thống đoàn kết, niềm tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Huy Thành

(Ghi theo lời kể của nhân vật)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ky-uc-cua-nhung-nguoi-linh-giai-phong-mien-nam-nam-xua-49593