Ký ức của những tù binh tại Trại giam Phú Quốc

Những ngày cuối tháng Ba, tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trại giam tù binh Việt Nam-Phú Quốc (gọi tắt là Trại giam Phú Quốc) ở thành phố Phú Quốc (Kiên Giang) đón rất nhiều du khách tới thăm.

Mọi người về đây đều trong tâm trạng xúc động. 50 năm trôi qua, mọi thứ đã đổi thay, nhưng Trại giam Phú Quốc mãi là dấu tích bi tráng của gần 40.000 chiến sĩ cộng sản yêu nước Việt Nam. Và những ngày này, khi về thăm lại Trại giam Phú Quốc- nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, những cựu tù vẫn không quên những đòn đánh đập, tra tấn, hành hạ độc ác, rùng rợn mà bọn cai tù đã trút lên mình các chiến sĩ cộng sản.

Men theo con đường nhỏ dẫn đến cổng Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam-Phú Quốc ngay từ xa, nhiều người không khỏi rùng mình khi chứng kiến gần chục lớp hàng rào dây thép gai sắc nhọn, đâu đó là những phiên bản lính canh giống như người thật đang cầm súng canh gác, lạnh lùng. Tiếng cửa sắt rít lên những âm thanh nặng nề rồi từ từ mở ra khiến mọi người đều cảm nhận được không khí của Trại giam thực dân, đế quốc khét tiếng tàn bạo trước đây.

Lẫn trong đoàn người từ khắp mọi miền Tổ quốc đến viếng Trại giam, chúng tôi may mắn gặp và trò chuyện với ông Phù Xí Khiếu, cựu tù binh Phú Quốc từ năm 1971 đến 1973. Hồi tưởng về quá khứ, ông Khiếu xúc động cho biết: “Trở lại Phú Quốc sau 50 năm chiến thắng trở về, tôi rất đỗi vui mừng, nhưng cũng không cầm được nước mắt. Vui vì được trở lại thăm nơi mình bị địch bắt, tra tấn, tận mắt nhìn thấy sự đổi thay, phát triển của Phú Quốc hôm nay. Buồn không cầm được nước mắt vì nhớ đến đồng đội năm xưa đã ngã xuống. Họ đã cùng tôi chiến đấu kiên trung, bất khuất đến hơi thở cuối cùng”.

 Ông Phù Xí Khiếu, cựu tù binh Phú Quốc từ năm 1971 đến 1973 xúc động khi tìm về Trại giam Phú Quốc.

Ông Phù Xí Khiếu, cựu tù binh Phú Quốc từ năm 1971 đến 1973 xúc động khi tìm về Trại giam Phú Quốc.

Trại giam Phú Quốc- địa ngục trần gian nằm trên địa bàn thị trấn An Thới, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Theo sách “Di tích lịch sử nhà lao Phú Quốc”, do Nhà xuất bản Lao Động phát hành, từ năm 1941-1944, thực dân Pháp đã đưa tù nhân ra đảo Phú Quốc thiết lập 3 trại tù, giam cầm khoảng 1.000 người và sau đó giải thể. Tháng 6-1953, Pháp tái lập Trại giam tù binh Căng Cây Dừa (còn gọi là Trại giam Cây Dừa) lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ, diện tích khoảng 40ha, giam giữ các chiến sĩ, cán bộ kháng chiến cả ba miền Bắc, Trung, Nam và lúc đông nhất lên đến 14.000 tù binh. Và khi Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 được ký kết, việc trao trả tù binh được tiến hành, trại giam bị xóa bỏ. Cuối năm 1955, trên nền Trại giam Cây Dừa - Phú Quốc, Mỹ - ngụy tiếp tục lập một trại tù với tên gọi Trại Huấn chính Cây Dừa (còn gọi là Nhà lao Cây Dừa) giam giữ gần 1.000 tù binh, tù chính trị và đến tháng 3-1957 thì chấm dứt hoạt động.

Năm 1967, chúng xây dựng lại, lấy tên là Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc để giam cầm, đọa đày các chiến sĩ cách mạng với quy mô, số lượng lớn nhất Việt Nam. Diện tích trại giam khoảng 400ha, phân ra 12 khu, với gần 500 nhà giam. Giai đoạn 1967-1973, lúc cao điểm tại trại giam này, địch bắt, giam giữ hơn 40.000 chiến sĩ cách mạng. Bọn chúng đã sử dụng mọi thủ đoạn thâm độc và tàn bạo với hơn 45 kiểu tra tấn dã man, tàn bạo, thế nhưng không thể làm nhụt chí của những người tù yêu nước. Với ý chí kiên cường, dũng cảm mưu trí, các tù binh đã đấu tranh với chúng bằng nhiều hình thức, phân hóa hàng ngũ địch, diệt ác ôn… Đã có rất nhiều cuộc vượt ngục bằng cách đào hầm được những người tù thực hiện chỉ với những dụng cụ hằng ngày như ca cà mèn, thìa, cọc sắt…

Ông Nguyễn Văn Mỹ (tên chiến đấu là Nguyễn Ngọc Toản hay còn gọi là Ba Toản)- người chỉ huy nhóm tù binh phân khu B2 vượt ngục bằng cách cắt rào.

Ông Nguyễn Văn Mỹ (tên chiến đấu là Nguyễn Ngọc Toản hay còn gọi là Ba Toản)- người chỉ huy nhóm tù binh phân khu B2 vượt ngục bằng cách cắt rào.

Nhớ lại những lần tổ chức vượt ngục, ông Nguyễn Văn Mỹ (tên chiến đấu là Nguyễn Ngọc Toản hay còn gọi là Ba Toản)- người chỉ huy nhóm tù binh phân khu B2 chui rào vượt ngục đêm 22-5-1968 cho biết, nhóm ông Toản lúc đầu có 3 người, vượt ngục bằng cách cắt rào, chui và vượt rào. Nhưng khi sắp hành động thì xuất hiện thêm 2 nhóm mới: Một nhóm 3 người và nhóm 5 người cũng đi theo. Anh em thường lợi dụng những đêm trời mưa to, bọn lính gác ngồi trên cao bị mưa hắt vào phải lo che chắn, sao lãng việc canh gác, hoặc khi trời mua, mát trời, chúng tranh thủ ngủ gật để cắt rào vượt ngục.

Thông thường, anh em phải vượt qua 6 lớp rào cao vây quanh trại và nhiều lớp rào thấp khác có gài pháo sáng và mìn nên rất khó thoát. Qua tính toán, anh em lựa chọn chui rào ra ban đêm để dễ ẩn nấp. Hình thức chui rào vượt ngục lúc đầu khá thành công nhưng càng về sau địch càng cảnh giác nên thường bị tổn thất. “Gồng mình trước những đòn tra tấn của địch gần như không còn con đường sống, nhiều anh em, đồng chí may mắn thoát chết, trong đó có tôi. Kẻ địch càng tra tấn tàn bạo thì càng làm bừng lên khí phách kiên trung, bất khuất của người cộng sản, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Tôi và đồng đội vẫn kiên cường đấu tranh chống lại kẻ thù, tìm mọi cách, mọi hình thức có thể để sớm về với cách mạng, với Đảng, vững chắc niềm tin nhất định đánh thắng kẻ thù xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”, ông Mỹ nói.

 Với hơn 45 kiểu tra tấn dã man, tàn bạo vẫn không thể làm nhụt chí của những người tù yêu nước.

Với hơn 45 kiểu tra tấn dã man, tàn bạo vẫn không thể làm nhụt chí của những người tù yêu nước.

So với Nhà lao Cây Dừa khi xưa, Khu di tích lịch sử Trại giam Phú Quốc ngày nay có quy mô nhỏ hơn nhưng vẫn nằm trên khu vực chính của nhà lao cũ. Theo ông Hồ Đắc Thuận, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh thành phố Phú Quốc cho biết: “Để bảo tồn, phát huy tốt giá trị của di tích, những năm qua, tỉnh Kiên Giang đã phục hồi, tôn tạo một số hạng mục công trình như: Nhà giam, nhà ăn, nhà bếp và hai nhà canh giữ của giám thị; phục hồi đường ngầm vượt ngục, một đoạn hàng rào kẽm gai, chòi canh, chuồng cọp, đài tưởng niệm ở nghĩa địa tù binh và nhà trưng bày bổ sung di tích… Nhờ vậy, mỗi năm, nơi đây 10.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan”.

50 năm đã trôi qua, thế hệ hôm nay và mai sau không bao giờ quên công lao của những người đi trước, bởi hòa bình hôm nay là xương máu của cha ông. Những người trở về từ “địa ngục trần gian”, tiếp tục sống, cống hiến cho công cuộc đổi mới đất nước. Riêng Trại giam Phú Quốc không chỉ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh mà còn là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ, để bản hùng ca giữa trùng khơi về tinh thần độc lập tự do sẽ tiếp tục vang vọng trong mỗi trái tim người Việt Nam.

Bài và ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/ky-uc-cua-nhung-tu-binh-tai-trai-giam-phu-quoc-722630