Ký ức Hà Nội trong những ngày bão lũ

Trong ký ức của tôi thì mấy chục năm trước, cứ mùa mưa bão là nước sông Hồng lại dâng cao. Lũ mấp mé mặt đê khiến ai nấy đều lo lắng, cầu mong nước rút để Hà Nội được bình yên.

Đoàn tàu chở đầy đá hộc để nằm yên trấn giữ mặt cầu Long Biên

Đoàn tàu chở đầy đá hộc để nằm yên trấn giữ mặt cầu Long Biên

“Đến hẹn lại lên”

Thời kỳ đó, mỗi khi nước lũ từ thượng nguồn đổ về là phía ngoài đê hữu ngạn, nhà cửa, đường sá, ruộng ngô, ruộng rau lại ngập nước. Nhà chú tôi ngoài bãi Tứ Liên hối hả khuân đồ đạc lên chỗ cao, dùng mọi thứ để chặn ngang cửa nhằm hạn chế nước tràn vào nhà. Nhưng làm vậy thôi, chứ nước cứ có chỗ hở lại vô tư xâm lấn. Thế là cha con, ông cháu lại bì bõm tát nước, nghĩ cũng cực.

Tôi còn nhớ dân cư ở ngoài bãi mỗi năm chí ít cũng hơn chục ngày, nhiều thì có khi cả tháng, các gia đình lại đóng gói vật dụng sinh hoạt, dắt díu nhau “sơ tán” vào phố. Những đoạn vỉa hè trên phố Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật và cả những phố xa hơn như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng được dùng làm nơi tá túc tạm thời. Dạo mấy chục năm trước hàng quán còn rất ít, vỉa hè thông thoáng và dĩ nhiên chưa bị chiếm dụng làm nơi để xe, nơi kinh doanh và người đi lại cũng không đông như bây giờ. Hình ảnh khiến tôi nhớ mãi là những mái liều tạm được dựng lên nhờ những tấm nilon, khá hơn thì bằng những tấm cót hay giấy dầu, cũng có lúc bằng những cánh cửa hay bất cứ thứ gì có thể che chắn được. Trong những túp lều tạm bợ ấy có những người già, những đứa trẻ hàng ngày “chui ra chui vào”. Những gia đình chạy lũ hồi đó chỉ có mỗi cách là ở tạm trên vỉa hè chờ nước rút chứ thành phố lấy đâu ra địa điểm cho dân tạm trú được.

Cầu Long Biên (Hà Nội) trong những ngày nước lũ

Cầu Long Biên (Hà Nội) trong những ngày nước lũ

Cuộc sống trên hè phố mùa lũ cũng đã thành thói quen trong mắt người Hà Nội, thành thói quen đối với những gia đình sinh sống ngoài đê. Thế nên chẳng có ai lấy làm phiền, cũng chẳng có ai phải băn khoăn hay phàn nàn gì. Họ đã quen và cũng thấy sống ổn, sống được và sống hồn nhiên. Dân phố cũng thấy đó là chuyện bình thường nên thông cảm và giúp đỡ các gia đình ngoài đê “vào hè phố sơ tán”. Có nhiều người còn xem trong nhà mình có gì thì tự giác sẻ chia. Ví như đón người già, trẻ con ngoài đê vào ở tạm trong nhà mình. Ví như giúp đỡ các gia đình sơ tán đó chuyện củi lửa, mắm muối. Còn nhớ hồi đó chất đốt là cả vấn đề không hề nhỏ. Vậy mà thấy đồng bào gặp hoạn nạn là san sẻ ngay những gì có thể, chẳng cần đợi ai hô hào, chẳng chờ hội nhóm nào đến quyên góp.

Lãnh đạo Bộ Thủy lợi bàn cách hàn khẩu đoạn đê vỡ trong trận lụt năm 1971

Lãnh đạo Bộ Thủy lợi bàn cách hàn khẩu đoạn đê vỡ trong trận lụt năm 1971

Đồng tâm, hiệp lực

Năm 2000, khi làm bộ phim tài liệu về lịch sử Đảng bộ Hà Nội, chúng tôi được phép lục tung kho tư liệu phim mà Sở Văn hóa đang lưu trữ. Khi ấy, tôi đã vô cùng xúc động vì thấy hình ảnh Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân với dáng người nhỏ nhắn nhưng tác phong nhanh nhẹn, miệng luôn nở nụ cười đi xuống địa bàn nắm tình hình. Ngày 20-8-1971, sau 10 ngày mưa to liên tiếp ở miền Bắc, nước sông Hồng, sông Thái Bình, sông Đuống lên rất cao, đỉnh lũ ở Hà Nội là 14,13m, cao hơn báo động 3 là 2,62m. Nước lũ dâng cao và xiết đã khiến nhiều khúc đê trên các sông ở các tỉnh bị vỡ. Riêng ở Hà Nội, đê Cống Thôn (thuộc xã Yên Viên, huyện Gia Lâm) ở bờ tả sông Đuống bị vỡ dài 250m, sâu hơn 20m, vào lúc 20h30 ngày 22-8. Cả một vùng quê gồm các xã phía bắc huyện Gia Lâm bị chìm trong nước, nhà cửa tài sản bị lũ cuốn trôi.

Nhân dân ở Gia Lâm, Hải Dương, Hưng Yên khắc phục khó khăn do lũ làm sạt lở đê

Nhân dân ở Gia Lâm, Hải Dương, Hưng Yên khắc phục khó khăn do lũ làm sạt lở đê

Thành ủy Hà Nội khi đó đã khẩn trương huy động mọi lực lượng để cứu dân, cứu tài sản. Những thước phim tư liệu hiếm hoi ghi lại những ngày cả Hà Nội hướng về nhân dân vùng lũ khiến chúng tôi thực sự ấn tượng, nhất là hình ảnh Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Trân lội trong nước ngập để đến với bà con. Rất thú vị là trong đoàn lãnh đạo hôm đó có cả Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi cùng. Thủ tướng cũng thân chinh lội nước vào tận nơi động viên nhân dân. Rồi tiếp đến là những thước phim ghi lại hình ảnh Bí thư Nguyễn Văn Trân gò lưng đẩy xe cải tiến cùng công nhân xây dựng trên những công trình mới. Ông thực sự là một lãnh đạo gần gũi, đồng cam cộng khổ với nhân dân, với người lao động.

Tình nghĩa đồng bào

Chuyện xưa ngỡ tưởng đã qua lâu lắm rồi, chỉ còn lại trong ký ức, trong những câu chuyện tôi kể lại cho con cháu. Vậy mà đợt bão lũ này tôi lại được trở về những ngày tháng cũ. Mới cách đây vài hôm, tôi gọi điện cho người em ngoài bãi Tứ Liên, trước là hỏi thăm tình hình nước lũ, sau là xem em có cần giúp đỡ gì không. Bây giờ thành phố đã có nhiều quỹ nhà ở nên các gia đình ở Phúc Tân, Phúc Xá, An Dương hay Tứ Liên đều được sơ tán về nơi ở tạm. Dù thiếu thốn, nhưng so với cách mấy chục năm cũng khá hơn và đảm bảo hơn.

Sau này, tôi có nhiều lần trở lại xã Yên Viên (huyện Gia Lâm), trở lại đoạn đê Cống Thôn năm nào. Xe qua cầu Đuống, nhìn dòng nước đục ngầu dâng cao lại nôn nao nhớ lại. Hồi năm 1985 đến 1991, tôi hàng ngày đạp xe qua cầu Long Biên để đến chỗ làm bên xã Ngọc Thụy (nay là phường Ngọc Thụy, quận Long Biên). Nhìn mặt sông Hồng lên báo động 1, báo động 2, rồi báo động 3, ngỡ như có thể thò tay là chạm vào dòng lũ đang gầm gào chảy xiết. Cũng lo lắng, cũng sợ, nhưng đi lại hàng ngày thành quen. Quen nên tôi có lần viết những câu thơ: “Cữ này điếm treo bồ/ Làng như hòn đảo nổi/ Chuyến đò như muốn nói/ Người ơi ngang Đông Ngàn/ Em vẫn thế dịu dàng/ Đem tằm vào Gia Thụy/ Làng mình giờ ngập lũ/ Nhưng tằm còn nhả tơ”.

Lũ năm 1971 cuốn trôi nhà cửa, nhân dân Hoài Đức Hà Tây làm lán tạm ở trên đê (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III)

Lũ năm 1971 cuốn trôi nhà cửa, nhân dân Hoài Đức Hà Tây làm lán tạm ở trên đê (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III)

Hồi đó trên đê, cứ chừng một cây số lại có những điếm canh đê (hiện nay vẫn được duy trì). Tôi thấy mỗi khi nước lũ tràn về là ở những điếm canh đê đó có cây cột cao, đỉnh cột treo chiếc bồ đan bằng tre. Báo động 1 treo 1 bồ, báo động 2 treo 2 bồ… nhìn đơn giản mà rất thiết thực. Tôi có anh bạn nhà trong thôn Bắc Cầu (ngày chưa lên phố lên phường như bây giờ), đó là một thôn nằm trên doi đất nhô ra đoạn ngã ba sông Hồng - sông Đuống. Cũng đôi ba lần tôi cùng anh em trong đơn vị lội bộ vào thăm hỏi tình hình, xem bạn có cần giúp đỡ gì không. Đi về cuối thôn, chỗ ngã ba sông ấy, thấy mênh mông nước đỏ, dòng chảy hung dữ mà lo ngại. Bạn tôi chỉ cười bảo: “Sống quen rồi nên chẳng ngại. Nhà có gì cần cất giữ thì hoặc là sơ tán vào nhà họ hàng hay kê cao rồi”.

Người Hà Nội dù ở trong phố hay sống ngoài đê đều tự mình có cách để chống lũ. Sơ tán người già hay trẻ nhỏ, kê cao đồ đạc hoặc mang gửi nhờ họ hàng, nước rút lại trở về dọn dẹp và sống tiếp. Quan trọng là tình phố, tình làng, tình hàng xóm, tình cảm giữa người với người, lúc bình thường cũng như lúc hoạn nạn đều chan hòa, thân ái.

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ky-uc-ha-noi-trong-nhung-ngay-bao-lu-post589500.antd