Ký ức hào hùng của người lính Điện Biên

Cựu chiến binh Đinh Đức Dư ở thôn Hoàng Sơn Tây, xã Ninh Tiến (thành phố Hoa Lư) là một trong những người lính đã kinh qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Năm nay bước sang tuổi 90, sức khỏe suy giảm, song ký ức về một thời cùng đoàn quân xông pha trên mặt trận làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu' vẫn vẹn nguyên.

Cựu chiến binh Đinh Đức Dư (người thứ hai từ bên phải qua) chia sẻ với các cựu chiến binh thôn Hoàng Sơn Tây về ký ức trận đánh cứ điểm Him Lam trong Chiến dịch Điên Biên Phủ.

Cựu chiến binh Đinh Đức Dư (người thứ hai từ bên phải qua) chia sẻ với các cựu chiến binh thôn Hoàng Sơn Tây về ký ức trận đánh cứ điểm Him Lam trong Chiến dịch Điên Biên Phủ.

Gợi nhớ về những năm tháng hào hùng ấy, đôi mắt Đại tá Đinh Đức Dư như rực sáng, ông hồi tưởng: Cùng với hàng ngàn thanh niên Ninh Bình yêu nước thời đó, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc với tinh thần sục sôi "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ", năm 1953, khi vừa tròn 18 tuổi ông hăng hái tình nguyện tham gia quân đội và được biên chế vào Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 (nay là Sư đoàn 312). Sau một thời gian huấn luyện tại Thanh Hóa, đầu năm 1954, ông và đơn vị được lệnh hành quân lên Tây Bắc. Nhiệm vụ ban đầu ông được đơn vị giao là vác đạn cho pháo binh-một công việc thầm lặng nhưng cực kỳ quan trọng, đòi hỏi sức bền và ý chí phi thường trên những cung đường cheo leo, dưới làn bom đạn kẻ thù.

“Khi biết tin được tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, tinh thần anh em cán bộ, chiến sĩ hăng hái lắm. Ai cũng muốn xông pha tới mặt trận để góp sức chiến đấu đánh tan quân thù. Cứ như vậy, cả đoàn quân đã vượt núi, băng rừng (chủ yếu là hành quân ban đêm) để nhanh chóng bổ sung lực lượng cho diến dịch”- cựu chiến binh Đinh Đức Dư chia sẻ.

Cựu chiến binh Đinh Đức Dư cho biết: trong suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, trận đánh để lại trong ông nhiều kỷ niệm và cảm xúc nhất chính là trận đánh cứ điểm Him Lam - mở màn chiến dịch. Him Lam là một trong những cứ điểm kiên cố nhất của quân đội Pháp, là lá chắn bảo vệ vòng ngoài phân khu trung tâm, nằm ở phía đông bắc Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, trên đường 41 từ Tuần Giáo vào, cách trung tâm Mường Thanh 2,5km. Cuộc chiến tại đây không chỉ là sự đối đầu về lực lượng, mà còn là cuộc thử thách ý chí đến tột cùng. Giữa "lưới lửa" đạn đại bác địch tuôn ra như mưa, Tiểu đoàn 11 đã bám trụ công sự với một quyết tâm phi thường, khắc cốt ghi tâm lời thề "một tấc không đi, một ly không rời". Thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, dùng cách đánh vây hãm tiến công, đột phá lần lượt để tiêu diệt tập đoàn cứ điểm, các cán bộ, chiến sĩ quyết đánh chiếm cho bằng được cứ điểm quan trọng này.

Ông Dư vẫn nhớ như in sự khốc liệt: Để bảo vệ cứ điểm, quân địch chống trả quyết liệt. "Người trước ngã, người sau tiến lên", lực lượng liên tục được bổ sung, nhưng thương vong cũng không hề nhỏ. Có những người vừa đặt chân lên trận địa đã anh dũng hy sinh. Nhưng bước chân tiến công không hề lùi bước. Chính tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" đã thôi thúc toàn đơn vị tiến lên để giành chiến thắng. Đêm 13 tháng 3 năm 1954, sau những trận giao tranh đến nghẹt thở, Tiểu đoàn 11 cùng các lực lượng của Đại đoàn 312 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiêu diệt hoàn toàn trung tâm đề kháng Him Lam. Thắng lợi của trận mở đầu đã có tác dụng khích lệ tinh thần, xây dựng niềm tin chiến thắng cho bộ đội, uy hiếp tinh thần, làm địch hoang mang; tạo thế, lực, thời cơ có lợi để quân ta tiến công mục tiêu chủ yếu.

Đại tá Đinh Đức Dư chia sẻ, không chỉ riêng cứ điểm Him Lam, tất cả các trận đánh trong chiến dịch Điện Biên Phủ đều vô cùng cam go, ác liệt. Đó là cuộc chiến của ý chí, của sự kiên trì, bền bỉ đến khó tin. Máu xương của biết bao liệt sĩ, thương binh đã thấm đẫm lòng chảo Điện Biên, nhưng chính tinh thần yêu nước sục sôi, ý chí quyết tâm sắt đá, sự mưu trí, sáng tạo và lòng dũng cảm phi thường, cùng tinh thần đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ và sự chỉ huy thiên tài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hun đúc nên sức mạnh tổng hợp, đập tan "pháo đài bất khả xâm phạm" của thực dân Pháp, kết thúc 9 năm kháng chiến bằng chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Trở về đời thường, cựu chiến binh Đinh Đức Dư luôn phát huy vai trò gương mẫu, động viên con cháu trong gia đình tích cực rèn luyện, lao động, học tập để trở thành những công dân có ích, tiếp nối truyền thống cha ông.

Trở về đời thường, cựu chiến binh Đinh Đức Dư luôn phát huy vai trò gương mẫu, động viên con cháu trong gia đình tích cực rèn luyện, lao động, học tập để trở thành những công dân có ích, tiếp nối truyền thống cha ông.

Nhìn lại chặng đường đã qua, Đại tá Đinh Đức Dư bày tỏ niềm tự hào và vinh dự khi được đóng góp một phần nhỏ bé vào trang sử vẻ vang của dân tộc. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1955 ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Năm 1956, ông được cử đi đào tạo kỹ thuật tại Trung Quốc. Năm 1962, ông trở về nước và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cùng quân dân cả nước tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rồi chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Sau này ông được bổ nhiệm giữ chức Trưởng phòng Vũ khí đạn thuộc Cục Kỹ thuật (Quân đoàn 1), đến năm 1989, ông nghỉ hưu với quân hàm Đại tá.

Trong suốt cuộc đời quân ngũ và cả khi trở về với đời thường, cựu chiến binh Đinh Đức Dư luôn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Những huân, huy chương, bằng khen cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng, trong đó có Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba năm 2018, là sự ghi nhận cho một cuộc đời trọn vẹn cống hiến, một tinh thần thép được trui rèn từ khói lửa chiến tranh của cựu chiến binh Đinh Đức Dư.

Đồng chí Đinh Văn Hoạt, Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh thôn Hoàng Sơn Tây cho biết: Về với đời thường, cựu chiến binh Đinh Đức Dư luôn phát huy vai trò gương mẫu, động viên con cháu trong gia đình tích cực rèn luyện, lao động, học tập để trở thành những công dân có ích, tiếp nối truyền thống cha ông. Mấy năm trước khi sức khỏe cho phép, ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, thường xuyên tham gia nói chuyện truyền thống cho các cháu học sinh trong các nhà trường. Nay mặc dù tuổi cao, sức khỏe giảm sút nhiều nhưng ông vẫn luôn giữ tác phong quân đội, chăm lo rèn luyện sức khỏe và lối sống lạc quan, yêu đời. Ông thực sự là tấm gương sáng để nhiều người noi theo.

Chia tay cựu chiến binh Đinh Đức Dư, ông không quên căn dặn chúng tôi: Chiến thắng Điện Biên Phủ là thành quả được đánh đổi bằng máu xương, nước mắt của bao thế hệ cha ông, là niềm tự hào, biểu tượng sáng ngời của ý chí quyết tâm và sức mạnh Việt Nam. Vì lẽ đó, những người trẻ hôm nay phải không ngừng nỗ lực phấn đấu, học tập và cống hiến để xứng đáng với truyền thống vẻ vang của dân tộc, viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc.

Bài, ảnh: Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-uc-hao-hung-cua-nguoi-linh-dien-bien-185142.htm