Ký ức hào hùng của người lính pháo binh trong Đại thắng mùa Xuân 1975
Trong không khí xúc động của những ngày tháng Tư lịch sử, cả nước hòa chung niềm tự hào kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Đại tá Đỗ Xuân Núi – nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Ninh Bình, đã chia sẻ những ký ức sống động và thiêng liêng về hành trình giải phóng Sài Gòn, thống nhất non sông.

Đại tá Đỗ Xuân Núi, nguyên Trung đội trưởng Trung đội pháo 105 của Đại đội 5, Tiểu đoàn 12, Lữ đoàn 52, Quân khu 5, nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Ninh Bình - Ảnh: VGP/Minh Thi
Những năm tháng không thể nào quên
Đại tá Đỗ Xuân Núi nhập ngũ năm 1970, trở thành chiến sĩ của Đại đoàn pháo binh 351, Bộ Quốc phòng. Những năm đầu quân ngũ, ông trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Kon Tum, Gia Lai – những địa bàn trọng yếu và ác liệt bậc nhất thời bấy giờ. Sau đó, ông cùng đồng đội tiếp tục tham gia các trận đánh lớn tại Sa Huỳnh, Quảng Ngãi.
Sau khi giải phóng Quảng Ngãi, đơn vị pháo binh mà ông chỉ huy được lệnh huấn luyện tại Quy Nhơn để chuẩn bị cho chiến dịch lớn nhất – Chiến dịch Mùa Xuân năm 1975. Lúc này, ông là Trung đội trưởng Trung đội pháo 105 của Đại đội 5, Tiểu đoàn 12, Lữ đoàn 52, Quân khu 5. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Quảng Ngãi, đơn vị ông nhận lệnh phối hợp với Quân đoàn 3 tiến công vào Sài Gòn.
"Chúng tôi hành quân cùng xe tăng, bộ binh. Nhiệm vụ là mở đường, gặp chướng ngại vật thì tiêu diệt để bảo vệ xe tăng tiến quân", Đại tá Đỗ Xuân Núi kể lại.
Đêm 29/4/1975, từ Xuân Lộc, đơn vị của ông hành quân đến Trảng Bom rồi tiến vào Long Khánh. Đến sáng 30/4, đoàn quân tiến tới cầu Sài Gòn – cửa ngõ phía đông của Thành phố. Trung đội pháo 105 nhận lệnh phối hợp với xe tăng và bộ binh, đột kích thẳng vào trung tâm Sài Gòn, tiến đến Dinh Độc Lập – nơi được xác định là mục tiêu trọng yếu để kết thúc chiến tranh.
"Lúc 11h30', Trung đội chúng tôi cùng xe tăng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Khi lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc Dinh, anh em chúng tôi vỡ òa trong cảm xúc. Đó là thời khắc thiêng liêng không thể nào quên trong đời", ông bồi hồi nhớ lại.
Dọc đường hành quân, khí thế chiến thắng ngút trời. Đoàn xe tăng, pháo binh, bộ binh nối dài như vô tận. Nhân dân các tỉnh Đồng Nai, Long Khánh đổ ra hai bên đường, mang theo hoa trái, nước uống tiếp sức cho bộ đội. "Tôi vẫn nhớ rất rõ những tiếng reo hò vang dội, những cái bắt tay, những ánh mắt rưng rưng cảm động của người dân. Đó là sức mạnh tinh thần vô giá giúp chúng tôi tiến bước không dừng", ông xúc động kể.

Dù đã nghỉ hưu, Đại tá Đỗ Xuân Núi và vợ (cũng là một sĩ quan Quân đội) vẫn tham gia tích cực vào Hội Cựu chiến bInh tại tỉnh Ninh Bình - Ảnh: VGP/Minh Thi
Những hy sinh âm thầm mà vĩ đại
Chiến thắng 30/4 là đỉnh cao của lòng quả cảm và tinh thần bất khuất, nhưng cũng là kết quả của muôn vàn hy sinh. Trên suốt hành trình tiến quân thần tốc, nhiều đồng chí của ông đã ngã xuống. "Có đồng đội mới ngày hôm qua còn cùng ăn cơm, cùng kéo pháo, hôm nay đã vĩnh viễn nằm lại ven đường", ông nghẹn ngào nói. Dù mất mát, đau thương, tất cả vẫn kiên cường tiến bước với lời thề: "Có hy sinh cũng phải chiến đấu đến hơi thở cuối cùng".
Một trong những kỷ niệm mà ông không bao giờ quên là lần kéo pháo vượt Đèo Cả. Do mất phanh, cả xe kéo pháo lao xuống dốc với tốc độ kinh hoàng, tưởng như không thể giữ được. Trong khoảnh khắc sinh tử ấy, ông lập tức ra lệnh chèn pháo, cho xe đâm vào núi để dừng lại. "Nếu không quyết đoán, chắc giờ không còn ngồi đây để kể lại. Nhưng lúc ấy, điều quan trọng nhất là bảo toàn lực lượng và khí tài để kịp vào chiến dịch", ông chia sẻ.
Từ chiến thắng đến những nhiệm vụ mới
Sau ngày giải phóng, Đại tá Đỗ Xuân Núi cùng đơn vị tiếp tục được điều động về Tuy Hòa, Quy Nhơn để làm nhiệm vụ huấn luyện, phòng thủ. Không lâu sau, ông tham gia các chiến dịch bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia.
"Từ năm 1979 đến 1986, tôi chỉ huy Trung đoàn thuộc Sư đoàn 307 tham gia chiến đấu giải phóng Campuchia. Đó là những năm tháng vô cùng gian khổ nhưng cũng đầy tự hào", ông kể. Những bước chân người lính Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ Tổ quốc mà còn góp phần xây dựng tình hữu nghị với bạn bè quốc tế.

Khi đứng giữa TPHCM hiện đại, sôi động hôm nay, Đại tá Đỗ Xuân Núi không khỏi xúc động trước sự đổi thay to lớn của thành phố nơi ông từng cùng đồng đội chiến đấu để giải phóng - Ảnh: VGP/Minh Thi
Vững tin vào tương lai
Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày non sông liền một dải. Khi đứng giữa TPHCM hiện đại, sôi động hôm nay, Đại tá Đỗ Xuân Núi không khỏi xúc động trước sự đổi thay to lớn của Thành phố nơi ông từng cùng đồng đội chiến đấu giành lại. "TPHCM giờ đây phát triển không ngừng, hạ tầng hiện đại, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao. Những gì chúng tôi đã hy sinh và cống hiến năm xưa, tôi thấy xứng đáng và tự hào khi chứng kiến thành quả hôm nay", ông nói trong niềm xúc động.
Ông chia sẻ, sự phát triển hôm nay là minh chứng rõ rệt nhất cho giá trị của độc lập, hòa bình. Và đó cũng là động lực để thế hệ trẻ tiếp tục giữ gìn, phát huy truyền thống, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, hùng mạnh.
Được mời tham dự Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đại tá Đỗ Xuân Núi bày tỏ niềm vinh dự và tự hào khôn xiết. "Tôi càng thấm thía hơn giá trị của hòa bình, độc lập. Sự hy sinh của đồng đội, của cả dân tộc không bao giờ được lãng quên. Thế hệ hôm nay và mai sau phải có trách nhiệm giữ gìn thành quả ấy bằng cả trái tim và hành động", ông khẳng định.
Kết tinh của một thời đại hào hùng
Câu chuyện của Đại tá Đỗ Xuân Núi là một lát cắt sống động trong bức tranh toàn cảnh về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông đại diện cho hàng triệu người lính đã vượt qua bom đạn, đói khát, bệnh tật, mất mát để viết nên những trang sử hào hùng. Những ký ức, trải nghiệm, cảm xúc của ông không chỉ là tài sản quý giá cho lịch sử, mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Tháng Tư năm nay, trong tiếng nhạc hào hùng, trong những lá cờ tung bay trên khắp nẻo đường Tổ quốc, chúng ta nghiêng mình tưởng nhớ, biết ơn những người đã góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975. Những con người bình dị, kiên trung như Đại tá Đỗ Xuân Núi chính là biểu tượng sống của tinh thần Việt Nam bất khuất, kiên cường, là cội nguồn của niềm tự hào dân tộc mãi mãi trường tồn.