50 năm thống nhất đất nước: Theo dấu những chiến sỹ thông tin trong kháng chiến

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có những người lính không mang súng nhưng vẫn sát cánh bên các chiến sỹ ngoài mặt trận.

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngô Minh Đạo giới thiệu những bức ảnh chân dung các nhà báo - phóng viên chiến trường của TTXVN. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngô Minh Đạo giới thiệu những bức ảnh chân dung các nhà báo - phóng viên chiến trường của TTXVN. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Họ là những cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) - những người bất chấp hiểm nguy ghi lại từng khoảnh khắc lịch sử, từng chiến công hiển hách của quân và dân ta, góp phần vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Bước qua lằn ranh sinh - tử

Sinh năm 1937, cựu phóng viên ảnh Ngô Minh Đạo đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn giữ được sự minh mẫn, tinh anh. Ông sôi nổi kể về những tháng ngày tác nghiệp dưới mưa bom bão đạn, những lần đứng trước ranh giới sinh tử đầy mong manh nhưng đã may mắn vượt qua. Năm 1960, ông bắt đầu làm việc tại Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) - nay là TTXVN, rồi đi thường trú tại Việt Trì. Năm 1966 khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, cầu Việt Trì bị đánh sập, cơ quan quyết định điều ông vào Quảng Bình, điểm nóng khốc liệt thời điểm đó.

Phóng viên Minh Đạo xúc động nhớ lại trận đánh đầu tiên diễn ra ngày 17/5/1966. Khi đó, quân Mỹ - Ngụy điều động tàu chiến bắn phá dữ dội dọc tuyến đường 1 từ Đèo Ngang trở vào, nhằm phá hoại hệ thống giao thông huyết mạch phục vụ chi viện cho chiến trường miền Nam. Mỗi ngày, hàng nghìn quả đạn trút xuống các ngôi làng địch nghi ngờ có chứa đạn dược của ta.

Trong trận đánh ác liệt ấy, đơn vị pháo mặt đất của phóng viên Minh Đạo đã lập chiến công khi bắn cháy một tàu chiến địch. Tuy nhiên, chuyện đau lòng xảy ra khi Đại đội trưởng Thái thấy tàu địch bốc cháy, dùng ống nhòm quan sát qua khe cửa thì bất ngờ địch phản pháo dữ dội, Đại đội trưởng Thái hy sinh tại chỗ, phóng viên Minh Đạo đứng ngay cạnh đó may mắn thoát chết trong gang tấc.

Mùa khô năm 1966 - 1967, phóng viên ảnh Minh Đạo theo sát bước chân quân giải phóng, ghi lại từng khoảnh khắc oanh liệt tại chiến trường Đường 9. Những bức ảnh mô tả chân thực tinh thần quả cảm của dũng sỹ diệt Mỹ, chiến sỹ quân giải phóng được gửi từ chiến trường ra miền Bắc, đăng trên các báo trong thời gian này đều được ông ký với bút danh Đức Minh - Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP).

Năm 1967, phóng viên Minh Đạo được cử đi công tác tại khu vực Cánh đồng Chum, tỉnh Xiêng Khoảng, hỗ trợ nước bạn đào tạo phóng viên cho Thông tấn xã Lào (KPL). Suốt ba năm từ 1967 - 1970, ông phải băng rừng, vượt suối cực khổ, ăn đói mặc rét, ban ngày máy bay địch ném bom trên đầu, ban đêm bị bọn phỉ truy đuổi, đốt lán trại. Ông nhớ mãi lần địch ném bom làm sập cửa hầm, anh Thành - tổ trưởng tổ chuyên gia Việt Nam - sau khi đảm bảo mọi người vào hầm an toàn, quay trở lại sau cùng đã anh dũng hy sinh.

Năm 1973, ông tháp tùng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Festival Thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 10 diễn ra tại Berlin, Cộng hòa Dân chủ Đức. Thành công tốt đẹp của chuyến công tác không chỉ khẳng định năng lực chuyên môn, còn đánh dấu bước ngoặt mới trên chặng đường làm báo đầy đam mê và tâm huyết của ông.

Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, tại mặt trận Lạng Sơn ngày 7/3/1979 ông cùng phóng viên Nhật Bản Takano Isao tác nghiệp không may rơi vào ổ phục kích của địch. Nhà báo Takano Isao hy sinh, anh Đuống - bộ đội địa phương dẫn đường cùng anh Tước - lái xe cơ quan bị thương, những người còn lại may mắn thoát nạn.

Có thể nói, từ chiến trường đến hội nghị quốc tế, từ suối rừng Lào đến những điểm nóng chiến sự, cuộc đời làm báo của phóng viên Minh Đạo là hành trình song hành cùng lịch sử dân tộc - lịch sử ghi dấu bằng cả mồ hôi, nước mắt và máu của những người đồng đội đã anh dũng hy sinh. "Mấy chục năm lao động miệt mài với nghề, đối với tôi, khoảnh khắc sâu đậm nhất vẫn là ở chiến trường, nơi từng bức ảnh phải đánh đổi bằng mạng sống" - ông xúc động chia sẻ.

Giữa làn đạn viết nên lịch sử

Bản tin của Việt Nam Thông tấn xã (Nay là Thông tấn xã Việt Nam) phát hành ngày 1/5/1975.

Bản tin của Việt Nam Thông tấn xã (Nay là Thông tấn xã Việt Nam) phát hành ngày 1/5/1975.

Nửa thế kỷ trôi qua, nay đã ở tuổi 76, cựu phóng viên chiến trường Vũ Xuân Bân – nguyên Trưởng ban Biên tập tin Trong nước, TTXVN vẫn khỏe mạnh và tiếp tục cống hiến cho lĩnh vực báo chí. Ông bồi hồi nhớ lại năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt. Nhu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Hàng vạn thanh niên miền Bắc lên đường nhập ngũ với khí thế sục sôi "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai". Chàng trai trẻ Vũ Xuân Bân khi đó đang học năm cuối khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ), được thẳng tuyển về TTXVN học tiếp lớp phóng viên chiến trường GP10. Ngày 16/3/1973, ông cùng với gần 150 phóng viên, kỹ thuật viên lớp GP10 lên đường tác nghiệp báo chí rải khắp các tỉnh từ Quảng Trị đến tận Cà Mau.

Chàng trai trẻ Vũ Xuân Bân bước vào chặng đường mới mang theo lý tưởng và khát vọng tuổi trẻ. Từ ga Thường Tín, Hà Nội, tàu hỏa đưa ông cùng đồng đội tới ga Nghĩa Trang (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) thì Cầu Tào đã bị bom Mỹ đánh sập chưa khôi phục được, phải đi bộ hơn 10km đến ga Thanh Hóa. Từ đó, đoàn tiếp tục lên tàu hỏa vào Vinh, đi ô tô vào sông Gianh, dùng sà lan xuyên đêm ngược sông Gianh đến binh trạm phía Tây Quảng Bình, ngày hôm sau đến Khăm Muộn (Lào) bằng ô tô mui trần. Thật không may, sáng 2/4/1973, ô tô chở Chi đội ông gặp nạn tại gần thị xã Mường Mày (A Tô Pơ, Lào) khiến 3 người hy sinh (gồm các liệt sỹ: Phạm Thị Kim Oanh, Trần Viết Thuyên và chú Trần Văn Bang là cán bộ tập kết, quê Bến Tre). Phóng viên Vũ Xuân Bân may mắn chỉ bị thương nhẹ. Sau 10 ngày điều trị tại ngã ba Đông Dương, ông tiếp tục hành quân về TTXGP ở R (Tân Biên - Tây Ninh) để nhận nhiệm vụ.

Bước chân vào chiến khu R, những người phóng viên trẻ như Vũ Xuân Bân không chỉ đối mặt với bom đạn, còn phải học cách sống trong rừng sâu đầy rẫy thử thách: Đào hầm tránh bom, vào rừng chặt cây làm lán trại, trồng rau, làm rẫy rồi bắt tay ngay vào công tác biên tập tin, bài chiến sự do phóng viên TTXGP các tỉnh gửi về bằng tín hiệu tích te (móc sơ).

Đầu năm 1974, phóng viên Vũ Xuân Bân cùng nhóm phóng viên GP10 được cử đi chiến trường miền Đông Nam Bộ. Khi đó, mới 24 tuổi, phải hành quân qua vùng đất "Mã Đà" - chiếc nôi sốt rét của "Chiến khu Đ" (nay thuộc huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) hướng về Bà Rịa - Vũng Tàu, cả đi và về, ông bị sốt rét, mỗi lần phải nằm lại điều trị tại trạm giao liên hơn chục ngày. Thương phóng viên trẻ gầy yếu, cán bộ trạm giao liên đã nấu canh chua với ngọn non lá bứa, bồi dưỡng để mọi người mau lại sức. Sau vài đợt điều trị tiêm thuốc quinine, tất cả đều cắt sốt, hành quân tiếp về đơn vị công tác.

Cựu phóng viên chiến trường Vũ Xuân Bân nhớ lại lần được du kích thị xã Long Khánh đưa đi tiếp xúc với dân làm rẫy vùng ven thị xã sáng 19/5/1974. Do đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Sinh nhật Bác Hồ, anh em du kích và cán bộ địa phương liên hoan tiệc trà, tận 9 giờ mới xuất phát, muộn hơn một tiếng so với dự định ban đầu. Đi được khoảng 1 km thì tiếng súng AR15 và M79 nổ dồn dập phía suối gần núi Gia Ray, nơi có trạm giao liên của ta. Nhờ ngô tốt cao ngang đầu người, biệt kích ngụy không phát hiện ra ta. Ông cùng nhóm du kích ngồi yên một lúc thì chúng rút. Dân thị xã Long Khánh đi làm rẫy nháo nhác. Đó cũng là chất liệu để ông viết "Cuộc sống chiến đấu ở vùng ven Long Khánh" phát trên bản tin thời sự của TTXGP, được Đài phát thanh Giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi phát lại nhiều lần.

Tại chiến khu Minh Đạm (Bà Rịa - Vũng Tàu), phóng viên Vũ Xuân Bân đã có những trải nghiệm sâu sắc, những kỷ niệm khó quên với mảnh đất này. Một trong những bài viết đáng nhớ của ông là "Dưới chân núi Minh Đạm" và "Trên vành đai Úc hôm nay" đã ghi lại chân thật, sống động cuộc chiến đấu kiên cường của quân và dân Bà Rịa - Long Khánh. Có thể nói, những tác phẩm được ông viết vội dưới hang đá chiến khu Minh Đạm, trong những ngày tháng chiến đấu gian khổ ấy không chỉ là những dòng tin thời sự nóng hổi, mà còn là dòng chảy của nhiệt huyết tuổi trẻ, của lòng yêu nước và khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Những bản tin đầu tiên từ Sài Gòn giải phóng

Phóng viên Thông tấn xã Giải phóng và Việt Nam Thông tấn xã tham gia đưa tin trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. Ảnh: TTXVN

Phóng viên Thông tấn xã Giải phóng và Việt Nam Thông tấn xã tham gia đưa tin trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. Ảnh: TTXVN

Sinh năm 1937, kỹ sư vô tuyến điện Phạm Lộc - từng giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm kỹ thuật Thông tấn – chia sẻ câu chuyện đầy xúc động về những tháng ngày gắn bó với công việc thu phát tin, ảnh. Tốt nghiệp chuyên ngành Vô tuyến điện, Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1963, kỹ sư Phạm Lộc mang theo kiến thức chuyên môn và lòng yêu nước cháy bỏng bước vào hành trình phục vụ đất nước. Đến cuối năm 1968, ông chính thức công tác tại TTXVN – nơi ông gắn bó từ những ngày gian khó nhất.

Tháng 2/1975, trong những ngày cao trào của chiến dịch giải phóng miền Nam, ông được giao nhiệm vụ tăng cường cho TTXGP cùng nhóm phóng viên đặc biệt do Tổng Giám đốc Đào Tùng dẫn đầu.“Khi ấy chúng tôi chỉ nghĩ đến việc chi viện cho TTXGP, chứ chưa ai dám tin ngày giải phóng lại đến nhanh như vậy” – ông xúc động nhớ lại.

Đoàn lên đường từ miền Bắc bằng ô tô, vượt qua dải đất miền Trung khắc nghiệt với cái nắng như thiêu đốt, khiến ai nấy đều rã rời vì mệt mỏi, da phồng rộp. Khi đến địa phận Bình Định – điểm cuối cùng của vùng giải phóng – đoàn lại tiếp tục hành trình theo đường Trường Sơn để tiến sâu vào miền Nam.

Ngày 1/5/1975, chỉ một ngày sau khi Sài Gòn hoàn toàn giải phóng, kỹ sư Phạm Lộc cùng các đồng nghiệp như Trần Mai Hưởng, Lam Thanh, Trần Mai Hạnh… có mặt tại trụ sở Việt Tấn xã – cơ quan thông tấn của chính quyền Sài Gòn cũ. Mọi người ngay lập tức bắt tay vào việc tiếp quản và dựng lại hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn đang ngổn ngang. Kỹ sư Phạm Lộc còn nhớ rất rõ cảm giác hồi hộp, nghẹt thở lúc cùng anh em trèo lên tầng gác để kéo anten phát sóng. Khi những bản tin đầu tiên từ Sài Gòn được gửi về thủ đô thành công, mọi người vỡ òa trong niềm vui sướng.

Sau ngày đất nước thống nhất, kỹ sư Phạm Lộc tiếp tục công tác tại Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn – nơi ông cùng các cộng sự từng bước hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp hệ thống truyền phát thông tin để đáp ứng nhu cầu thời kỳ mới. Những đóng góp âm thầm nhưng quan trọng của ông là một phần không thể tách rời trong hành trình phát triển của ngành báo chí TTXVN.

Phương Thanh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/50-nam-thong-nhat-dat-nuoc-theo-dau-nhung-chien-sy-thong-tin-trong-khang-chien-20250430141538431.htm