Ký ức hào hùng ngày chiến thắng
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lùi xa đã 45 năm, nhưng trong ký ức hào hùng của những cựu chiến binh Thủ đô từng có mặt trong đoàn quân tiến vào giải phóng miền Nam, ngày 30-4-1975 như vừa mới diễn ra. Với họ, sự kiện lịch sử quan trọng này chính là kỷ niệm vô giá trong cuộc đời binh nghiệp...
Ông Bùi Quang Giang (thứ hai từ phải sang) luôn tự hào là người được trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Nhớ mãi tinh thần tổng tiến công
Ngày 26-4-1975, năm cánh quân của ta tiến về thành phố Sài Gòn, bắt đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh. Quân đoàn 3 là một trong 5 mũi tấn công ấy với nhiệm vụ chiếm lĩnh những nơi tập trung sức mạnh quân sự hiện đại và đầu não chỉ huy của địch là sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước khi đó giữ cương vị Tham mưu trưởng Quân đoàn 3 trực tiếp dẫn đầu một mũi tấn công vào Sài Gòn nhớ lại: Hướng tấn công của Quân đoàn 3 là hướng Tây Bắc, từ Tây Ninh, Củ Chi đánh vào Sài Gòn. Quân đoàn quyết định mở “cánh cửa thép” Tây Bắc, tiêu diệt căn cứ Đồng Dù và giữ hai cây cầu huyết mạch là cầu Bông và cầu Sáng trên đường số 1 và đường 15 nằm giữa Đồng Dù và Sài Gòn. Quân đoàn đã đưa được toàn bộ lực lượng cơ giới với hơn 3 vạn quân, hơn 1.500 xe ô tô, hàng nghìn pháo và xe tăng tràn vào giải phóng sân bay Tân Sơn Nhất và đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu địch. Đúng 11h30' ngày 30-4-1975, hai mục tiêu này được giải phóng hoàn toàn.
Cũng như bao người Việt Nam khác, ngày đất nước thống nhất là ngày Trung tướng Khuất Duy Tiến vỡ òa trong niềm vui. Trong ngôi nhà nhỏ trên phố Lý Nam Đế (Hà Nội), ông xúc động kể lại những kỷ niệm về đơn vị mình trên đường tiến vào Sài Gòn. Khi đó, Trung tướng Khuất Duy Tiến là Trưởng phòng Tác chiến Quân đoàn 3, được giao nhiệm vụ đốc chiến các đơn vị tấn công căn cứ Đồng Dù, đập tan tuyến phòng thủ mạnh nhất ở hướng Tây Bắc, mở cửa vào Sài Gòn, đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu địch. “Khi chuẩn bị tiến vào Sài Gòn, tất cả cán bộ, chiến sĩ đều tin tưởng đã nắm chắc phần thắng trong tay bởi vì quân và dân ta vừa đánh thắng hai chiến dịch lớn là Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng. Tinh thần quân ngụy thì đã xuống rất thấp”, Trung tướng Khuất Duy Tiến chia sẻ.
Trong đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn năm ấy, có chàng thanh niên Cao Văn Thanh, vừa tốt nghiệp đại học, đã nhận công tác tại Viện Thiết kế máy nông nghiệp trước khi lên đường vào Nam chiến đấu. Nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 101, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 này chia sẻ: “Sau khi chiến đấu giải phóng thị trấn Long Thành (Đồng Nai), ngày 27-4 chúng tôi nhận lệnh chia hai hướng tiến về Sài Gòn. Đến ngày 30-4, dù đồng đội hy sinh rất nhiều, bản thân tôi cũng bị thương nhưng đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ giải phóng quận 12 của Sài Gòn…”.
Nhắc về ngày 30-4-1975, Trung tá Bùi Quang Giang, nguyên Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn Đặc công nước 471, Quân khu 5, hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Hai Bà Trưng, luôn tự hào bởi là người được trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần giải phóng quần đảo Trường Sa, thu non sông về một mối. Ông kể, từ đêm 10-4-1975, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn Đặc công nước 471 (Quân khu 5) và Đoàn 126 đặc công (Bộ Tư lệnh Hải quân) được bố trí xuống 3 tàu 673, 674, 675 thuộc đoàn tàu không số huyền thoại lên đường thực hiện nhiệm vụ. Với ý chí quyết tâm cao, lần lượt từ ngày 13-4 đến 29-4, các chiến sĩ đặc công đã chiếm được các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn, Nam Yết, Trường Sa. Đúng 9h sáng 29-4-1975 lá cờ bách chiến, bách thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên đỉnh Sở chỉ huy đảo Trường Sa. “Từ sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và tài phán đoán, quyết đoán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nên chúng ta đã giải phóng quần đảo Trường Sa sớm hơn giải phóng Sài Gòn 1 ngày”, cựu chiến binh Bùi Quang Giang chia sẻ.
Quân với dân một ý chí
Bên cạnh ký ức về những trận đánh quyết định làm nên chiến thắng vĩ đại 30-4-1975, còn một ấn tượng khiến các cựu chiến binh không thể quên, đó là được chứng kiến giây phút Sài Gòn giải phóng trong niềm vui sướng của đồng bào miền Nam. Trung tướng Khuất Duy Tiến nhớ lại: “Khi quân ta chuẩn bị đánh vào Sài Gòn, các mẹ, các chị và thanh thiếu niên miền Nam ra động viên bộ đội rất nhiều. Đến khi Sài Gòn được giải phóng, các mẹ, các chị tiếp tục cung cấp lương thực, thực phẩm cho cho bộ đội. Quân với dân cùng một ý chí đã làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh lẫy lừng: Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”.
Với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, ấn tượng theo ông suốt cuộc đời là hình ảnh sau khi quân ta chiếm được sân bay Tân Sơn Nhất, nhân dân ùa ra đường vừa hoan hô vừa tiếp tế thức ăn cho bộ đội. “Trên các ngả đường tràn ngập cờ hoa, khiến chúng tôi rất xúc động. Một ấn tượng nữa là sau khi Sài Gòn được giải phóng, cả đơn vị hành quân trở về căn cứ, trong lòng ai cũng nhẹ nhõm, tự hào nhưng vẫn vương chút buồn là không có mặt Bác Hồ trong ngày vui toàn thắng. Đến khi loa truyền thanh phát lên bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” chúng tôi mới yên tâm rằng Bác Hồ đã về với miền Nam”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhớ lại.
Vinh dự được góp phần làm nên giờ khắc lịch sử trọng đại ngày 30-4-1975, cựu chiến binh Cao Văn Thanh chia sẻ đầy tự hào: “Chúng tôi cùng nhau chụp vội vài tấm hình trước Dinh Độc Lập trước khi đơn vị được lệnh hành quân. Đó là những bức hình quý tôi giữ gìn cẩn thận trong suốt những năm qua. Đến bây giờ, nó là bằng chứng sinh động để nhớ về một thời “gian lao mà anh dũng” của cả dân tộc cho con cháu trong gia đình”.
Với nhiều cựu chiến binh từng góp sức trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, được trực tiếp tham gia giải phóng Sài Gòn, dù thời gian có cách xa bao lâu đi chăng nữa thì ký ức hào hùng về một thời tuổi trẻ đánh giặc cứu nước để làm nên mùa xuân đại thắng của dân tộc sẽ còn mãi. Đó là niềm tự hào, là nguồn cổ vũ, động viên để họ không ngừng cống hiến xây dựng Thủ đô và đất nước.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/966124/ky-uc-hao-hung-ngay-chien-thang