Ký ức hào hùng và khát vọng xây dựng Thủ đô- Bài 3: Hà Nội niềm tin và hy vọng

Sau ngày giải phóng Thủ đô, nhân dân Hà Nội tiếp tục vượt qua khó khăn để tạo dựng cuộc sống mới. Vừa dựng xây Thủ đô, vừa kháng chiến chống Mỹ. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người Hà Nội vẫn vươn lên bằng niềm tin son sắt vào Đảng và chân lý bất diệt 'Không có gì quý hơn độc lập, tự do'.

Hà Nội đang vươn cao...

Gần 70 năm đã trôi qua từ ngày tiếp quản Thủ đô, hơn 30 năm tiến hành đổi mới, đời sống người dân và bộ mặt Thủ đô có nhiều thay đổi. Những ngôi nhà cao tầng san sát, rực rỡ ánh đèn, những đường phố rộng rãi... Hà Nội đang vươn cao để trở thành Thủ đô giàu đẹp, hiện đại, nhưng ký ức về Thủ đô anh hùng vẫn còn mãi với thời gian. Những địa điểm được tiếp quản ngày ấy giờ trở thành “chứng nhân” lịch sử, gợi nhớ những thời khắc không thể nào quên.

 Bức ảnh "Lung linh Khuê Văn Các" của tác giả Tạ Quang Hậu.

Bức ảnh "Lung linh Khuê Văn Các" của tác giả Tạ Quang Hậu.

Những thế hệ công dân Thủ đô sinh sau ngày 10-10-1954, dù không được chứng kiến những giây phút hào hùng đó, nhưng vẫn cảm nhận được niềm tự hào từ các thế hệ cha anh và sẽ luôn ghi nhớ, biết ơn những chiến sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì sự toàn vẹn của Hà Nội - Thủ đô anh hùng - Thành phố vì hòa bình.

Là thế hệ sinh ra trong hòa bình, chỉ biết đến chiến tranh qua những thước phim tư liệu nhưng Thượng úy Nguyễn Hữu Cương, Đoàn Bảo vệ và Nghi lễ (Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) luôn ý thức sâu sắc nhiệm vụ cũng như trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Thủ đô cũng như đất nước.

Bày tỏ cảm xúc về những ngày tháng 10 lịch sử, Thượng úy Nguyễn Hữu Cương chia sẻ: Những ngày này, âm vang của bài hát “Tiến Về Hà Nội” lại khiến bản thân tôi và mỗi người yêu Hà Nội nhớ về những năm tháng hào hùng của Thủ đô. Hình ảnh nhân dân Thủ đô chào đón các cánh quân của Đại đoàn Quân tiên phong từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô trong các thước phim tài liệu đã khiến những người trẻ như tôi vô cùng xúc động. Với niềm vinh dự, tự hào được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân tin tưởng giao cho nhiệm vụ chính trị đặc biệt, đó là: “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của công trình Lăng Bác trong giai đoạn mới”; được gần Bác, bên Bác hàng ngày: Chúng tôi xin hứa sẽ luôn tích cực rèn luyện, học tập và cống hiến, góp phần nhỏ bé của mình cùng nhân dân Hà Nội tô thắm danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.

Ngày 5-5-2022, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Cùng những chiến sĩ cách mạng từng chứng kiến thời khắc Hà Nội ngày giải phóng và xem lại những hình ảnh, tư liệu của Thủ đô gần 70 năm về trước trong triển lãm “Khúc ca khải hoàn”, diễn ra tại Nhà tù Hỏa Lò-nơi được coi là “địa ngục trần gian” thời kháng chiến chống Pháp, trong lòng chiến sĩ, Hạ sĩ Quang Sơn (Công an Thành phố Hà Nội), bồi hồi xúc động.

Anh cho biết: “Hôm nay tôi được nghe những nhân chứng lịch sử kể lại, những câu chuyện về Ngày giải phóng Thủ đô, bản thân tôi cảm thấy rất tự hào. Là người chiến sĩ, tôi sẽ noi gương, học tập và phát huy những truyền thống quý báu của ông cha ta để lại, tiếp tục gìn giữ, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn Hà Nội nói riêng và Tổ quốc Việt Nam nói chung”.

Nhiếp ảnh gia Nick Út-một trong những phóng viên chiến trường nổi tiếng với bức ảnh "Em bé Napalm" chụp ngày 6-8-1972, tại Trảng Bàng, Tây Ninh trong cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam đã có mặt tại Hà Nội vào đúng dịp kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Thủ đô.

Chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh, rồi ghi vào ống kính của mình những bức hình khiến cả thế giới phải rơi lệ, thì hơn ai hết, người phóng viên này hiểu rõ những mất mát, đớn đau mà chiến tranh đã để lại cho đồng bào mình, Tổ quốc mình. Bởi thế lần trở về Việt Nam này, ông đã lưu trú ở Hà Nội trong thời gian khá dài để được cảm nhận không khí thanh bình của mảnh đất nghìn năm văn hiến.

 Nhiếp ảnh gia Nick Út tại cầu Long Biên (Hà Nội) tháng 10-2022.

Nhiếp ảnh gia Nick Út tại cầu Long Biên (Hà Nội) tháng 10-2022.

Khung cảnh thanh bình ở hồ Hoàn Kiếm một sáng mùa Thu. Ảnh: Nick Út.

Khung cảnh thanh bình ở hồ Hoàn Kiếm một sáng mùa Thu. Ảnh: Nick Út.

“Tôi cảm thấy rất vui vì Hà Nội giờ đây đã thay đổi rất nhiều. Đặc biệt là vào dịp kỷ niệm 68 năm ngày giải phóng Thủ đô thì trên các ngả đường, con phố, cờ hoa, băng rôn được trang hoàng rất lộng lẫy. Tôi thích đến Hà Nội nhiều hơn bởi Hà Nội mang một nét đẹp rất riêng mà không Thủ đô nào có được. Vào buổi sáng sớm mùa thu mà đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm để cảm nhận không khí se lạnh, thanh bình của mảnh đất này thì vô cùng thú vị; cảnh những người bán hàng rong, rồi người dân tập thể dục quanh bờ hồ, gánh hàng hoa trên phố…Tất cả tạo nên cho Hà Nội nét văn hóa cổ xưa giữa khung cảnh hiện đại của thành phố đang trên đà phát triển”, nhiếp ảnh gia Nick Út chia sẻ.

Nhiếp ảnh gia Nick Út tin tưởng và kỳ vọng Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển nhiều trong tương lai. Sự thay đổi từng ngày nhưng vẫn giữ nét văn hóa truyền thống là điều mà không phải Thủ đô nào trên thế giới cũng có được. “Tôi thấy hiện nay, nhiều du khách nước ngoài đã chọn Hà Nội và Việt Nam là điểm đến tham quan bởi họ tìm thấy nhiều điều thú vị ở đất nước chúng ta”, nhiếp ảnh gia Nick Út nhấn mạnh.

Phát biểu tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội ngày 12-10-2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Hà Nội có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, có nhiều lợi thế, tiềm năng mà không nơi nào có được. Do đó, Đảng bộ Hà Nội cần phải có tầm nhìn không chỉ là một vài năm hay một nhiệm kỳ trước mắt, mà phải nhìn xa hơn thế nữa, với những cách làm, bước đi phù hợp cho mỗi giai đoạn cụ thể và phù hợp với tư tưởng chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta trong giai đoạn tới”.

Trân trọng quá khứ để dựng xây tương lai

Phát huy tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, Thủ đô hôm nay đã có tầm vóc mới, với thế và lực ngày càng được củng cố vững chắc. Kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội nhìn lại, thêm tự hào, thêm mến yêu mảnh đất Thăng Long - Hà Nội. Từ đó, mỗi người thêm vững tin bước tiếp chặng đường đầy vẻ vang nhưng cũng không ít thách thức, đưa Thủ đô phát triển đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng, được khánh thành vào đầu năm 2015, là một biểu tượng mới của Hà Nội với 5 nhịp dây văng tượng trưng cho 5 cửa ô. Ảnh: Việt Cường.

Cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng, được khánh thành vào đầu năm 2015, là một biểu tượng mới của Hà Nội với 5 nhịp dây văng tượng trưng cho 5 cửa ô. Ảnh: Việt Cường.

Pano, áp phích có khẩu hiệu tuyên truyền về giải phóng Thủ đô 10-10 được trang trí trên ngã 7 Ô chợ Dừa, Xã Đàn. Ảnh: Phạm Hưng.

Pano, áp phích có khẩu hiệu tuyên truyền về giải phóng Thủ đô 10-10 được trang trí trên ngã 7 Ô chợ Dừa, Xã Đàn. Ảnh: Phạm Hưng.

Nhìn vào sự phát triển của Hà Nội hôm nay, thế hệ trẻ như được tiếp thêm động lực để xây dựng và kiến tạo thủ đô trong tương lai.

Thượng úy Nguyễn Hữu Cương, Đoàn Bảo vệ và Nghi lễ, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ: Thủ đô Hà Nội là nơi chứa đựng rất nhiều ước mơ, hoài bão của nhiều thế hệ trẻ. Với chúng tôi, được đóng quân và làm nhiệm vụ ngay tại Thủ đô là một niềm vinh dự rất lớn. Ở đây chúng tôi được làm việc, học tập và được cống hiến tuổi trẻ của mình một cách xứng đáng. Với hơn 6 năm học tập và công tác tại Hà Nội, tôi đã chứng kiến Hà Nội phát triển ngày càng phồn thịnh hơn nhưng những nét cổ kính đặc trưng vẫn luôn được giữ gìn”.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro... Tuy nhiên, Hà Nội đã thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, giúp kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Tăng trưởng GRDP trong 6 tháng đầu năm 2022 của Hà Nội đạt 7,79%, cao hơn hẳn mức tăng cùng kỳ các năm gần đây; trong đó quý II-2022, GRDP tăng 9,49% và khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 6,31%, đóng góp 1,27% vào mức tăng GRDP.

Em Trần Thị Thanh My, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền bày tỏ: Là sinh viên thì trước hết em phải cố gắng học tập để có thể trở thành một người có ích cho xã hội, để sau này góp phần dựng xây đất nước và Thủ đô ngày càng phát triển. Kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô là dịp để các thế hệ sinh ra trong hòa bình tưởng nhớ về quá khứ. Qua đó, thêm động lực và niềm tin bước vào tương lai tốt đẹp hơn.

Trên hành trình hướng tới tương lai, mỗi công dân Hà Nội tự hào và thấy được vai trò, trách nhiệm của mình để chung sức, đồng lòng cùng các cấp chính quyền dựng xây Thủ đô - Thành phố Vì hòa bình - trái tim của cả nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

KHÁNH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/ky-uc-hao-hung-va-khat-vong-xay-dung-thu-do-bai-3-ha-noi-niem-tin-va-hy-vong-707646