Ký ức hồ Gươm
Những câu chuyện và ký ức về hồ Gươm không chỉ là những mảnh ghép quý giá về quá khứ, mà còn là cầu nối giữa các thế hệ, giúp chúng ta hiểu và trân trọng hơn giá trị của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Hồ Gươm như thế nào hơn 100 năm trước?
Hơn 100 năm trước, toàn cảnh hồ Gươm từ trên cao có thể phân rõ hai khu phố bởi kiến trúc khác nhau. Cầu Long Biên ở phía xa, các bãi bồi ven sông Hồng còn hoang sơ. Ngã năm Cầu Gỗ, Hàng Đào, Hàng Gai, Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng khi đó từng là bãi đất trống có dừa mọc ven hồ, sau biến thành nơi quân Pháp xử trảm người yêu nước nhằm khủng bố tinh thần người dân bản địa. Cầu Thê Húc năm 1884 chưa có lan can như ngày nay. Qua hai lần tái thiết kế, cầu Thê Húc ngày nay được sơn đỏ, dựng lan can, gồm 15 nhịp với 32 chân gỗ tròn xếp thành 16 đôi.
Bên hồ Gươm xưa (đầu đường Đinh Tiên Hoàng ngày nay) từng tồn tại ngôi chùa Báo Ân bề thế nhất nhì Hà Nội vào thế kỷ 19. Chùa khánh thành năm 1847 dưới thời vua Thiệu Trị, có gần 200 gian, 36 nóc. Cuối thế kỷ 19, chùa bị phá để xây bưu điện và ngân hàng trong cơn lốc quy hoạch thành phố của thực dân Pháp.
Tháp Hòa Phong vào thế kỷ 19 cao 3 tầng. Ngày nay, tháp Hòa Phong nằm ở bờ Nam hồ Gươm, đầu đường Đinh Tiên Hoàng. Từ năm 1891 đến năm 1896, phía trên đỉnh tháp rùa còn có bức tượng "Bà đầm xòe". Mặt tượng hướng về phía Đông, tức khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ ngày nay.
Nhà văn, Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến cho biết: "Khi người Pháp xâm chiếm Hà Nội năm 1888, lúc này thực hiện cải tạo khu phố cổ và xây khu vực phía Đông Hà Nội, phía Đông và Nam hồ Gươm theo mô hình của đô thị phương Tây, có vỉa hè, có thoát nước, có cây xanh, nhà thẳng hàng, giải phóng mặt bằng, khánh thành con đường xung quanh hồ và Tết năm 1893. Tính từ Tết năm 1893, khu vực hồ Gươm chính thức trở thành địa điểm vui chơi giải trí. Sau này, người Pháp tiến hành cải tạo đường Đinh Tiên Hoàng, cạp ven hồ để hồ có hình dạng như ngày nay".
Vườn hoa Con Cóc năm 1905 nằm đối diện với nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ phủ xưa). Nơi đây được đổi tên thành vườn hoa Diên Hồng năm 1954.
Nhà bát giác phía sau tượng đài Lý Thái Tổ những năm 1901 hay được người Hà Nội gọi là nhà kèn, vì cuối tuần các đội nhạc người Pháp thường ra đây thổi kèn, chơi nhạc. Đến nay, nhà kèn vẫn còn, song đã thay đổi chất liệu mái lợp, họa tiết trang trí trên mái.
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục bên hồ Gươm là nơi giao nhau của nhiều tuyến xe điện. Năm 1899, thỏa thuận về thiết lập hệ thống tàu điện trong thành phố Hà Nội và vùng ngoại ô được ký kết, đến 1900 thì tiến hành xây dựng.
Năm 1993, Hàm Cá Mập được dựng lên. Không gian hồ Gươm không có nhiều thay đổi đáng kể cho đến thời điểm cuối tháng 3/2025.
Hồ Gươm trong ký ức người dân phố cổ
Câu chuyện và ký ức của những người đã gắn bó trọn đời với Hà Nội không chỉ là những mảnh ghép quý giá về quá khứ, mà còn là cầu nối giữa các thế hệ, giúp chúng ta hiểu và trân trọng hơn giá trị của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Nhiều người dân Hà Nội vẫn nhớ về những buổi chiều dạo bước quanh hồ Gươm, ngắm nhìn những đoàn tàu điện leng keng chạy qua, hay đơn giản là tận hưởng không khí yên bình giữa lòng thành phố tấp nập. Những ký ức ấy, dù giản dị, nhưng luôn in sâu trong tâm trí họ.
Quán cà phê nhỏ trên phố Hồ Hoàn Kiếm là nơi những cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Quảng Trị, sáng nào cũng ngồi với nhau ôn lại kỷ niệm thuở xa xưa. Những kỷ niệm thân thương về con phố cổ nơi mình đã lớn lên trước khi lên đường ra trận, cùng nhau cảm nhận sự đổi thay của thành phố sau bao năm tháng chiến tranh. Những câu chuyện ấy không chỉ là ký ức riêng tư, mà còn là những chứng nhân sống động của lịch sử, kết nối quá khứ và hiện tại của Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Ông Nguyễn Tiến Thắng (Hoàn Kiếm) kể: "Anh em chúng tôi vẫn ngồi ôn lại những kỷ niệm ngày xưa. Nhà tôi trước cửa ga tàu điện, hàng ngày chúng tôi thường nhảy tàu đi học, đi chơi, gọi là bổ tàu. Năm 1975, chúng tôi tham gia thanh niên xung kích hay đứng ở 'Hàm Cá Mập' bây giờ để nhắc nhở các thanh niên không mặc quần loe, không để tóc dài. Chúng tôi đi xem phim ngay chỗ Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, ở đó có cái thùng và chúng tôi chui đầu vào xem phim".
Đối với ông Phạm Quang Tiến (Hoàn Kiếm), hồ Gươm đã gắn liền với những ký ức đẹp đẽ nhất: "Tôi sống ở đây từ năm 1976. Khi đó con tôi còn nhỏ, tôi hay bế nó ra tàu điện xuống Bạch Mai đi làm. Thời thanh niên cũng cùng bạn bè nhảy tàu đi chơi. Chúng tôi là những người lính Cụ Hồ, những người lính Giải phóng quân, mong Hà Nội ngày càng phát triển, ngày càng đẹp hơn, xứng tầm là Thủ đô của cả nước".
Nằm ở số 13 phố Đinh Tiên Hoàng, quán cà phê Đinh là điểm đến quen thuộc của nhiều thế hệ người Hà Nội. Chủ quán là ông Tạ Duy Khoa, đã sống gần 90 năm trên con phố này, chứng kiến bao thăng trầm của Thủ đô. Trong căn nhà nhỏ, những bức tranh về Hà Nội xưa được treo trang trọng như những mảnh ghép ký ức sống động. Ông là người chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của đất nước và những tay đổi của hồ Gươm, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa thục qua nhiều thập kỷ.
Ông Khoa chia sẻ: "Tôi sống ở đây gần 90 năm, chứng kiến rất nhiều những sự kiện lịch sử của đất nước. Năm 12 tuổi, tôi đứng trên ban công nhìn xuống đường thấy Vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu đi qua con phố này, rồi chứng kiến quân Mỹ rút khỏi Hà Nội. Họ nằm la liệt trên con phố Đinh Tiên Hoàng chờ rút quân và tôi cũng là một trong những người dân ở đây cầm cờ đón đoàn quân chiến thắng trở về Hà Nội".
Trong nhịp sống hiện đại, việc lắng nghe và ghi nhớ những hồi ức này chính là cách giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của Hà Nội, để những giá trị truyền thống luôn song hành cùng sự phát triển của thành phố.
Hồ Gươm khi không còn "Hàm Cá Mập"
Nhiều người tỏ ra thích thú và tò mò về quang cảnh quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục sau khi Hàm Cá Mập bị dỡ bỏ. Đó có thể là một khu vực chỉ còn cây xanh.
Trên diễn đàn Otofun, một thành viên đã chia sẻ các bức cảnh dự đoán không gian hồ Gươm trong tương lai. Báo Nhân dân thì đăng tải các bức ảnh được thiết kế bằng AI, kèm chú thích: "Không có 'Hàm Cá Mập', hồ Gươm đẹp long lanh". Thậm chí, có người vui tính còn nhờ ChatGPT vẽ hộ khung cảnh của Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục thời gian tới.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/ky-uc-ho-guom-318446.htm