Ký ức không gian Hà Nội của những tác giả 'thiếu quê hương'
Từ văn học đến điện ảnh, các tác giả Việt Kiều đã tạo dựng 'miền ký ức' mang tên quê hương, tham chiếu từ những không gian, hoài niệm, văn hóa khác.
Một quê hương vừa xa vừa gần thông qua tiểu thuyết Chinatown của Thuận và phim điện ảnh Mùa hè chiều thẳng đứng của Trần Anh Hùng.
Từ thành phố hào hoa đến những mảnh ghép
Bộ phim của Trần Anh Hùng lấy mốc thời gian phi tuyến tính, không kể một câu chuyện có điểm đầu cuối, cụ thể nhưng những cảnh sắc, góc máy đều lột tả một Hà Nội quen thuộc của bất kỳ ai. Đó là những thước phim về không gian khu tập thể Hà Nội đông đúc với hàng quán, phố phường.
Khác với dụng ý khắc họa những dấu vết của nền kinh tế bao cấp, làn sóng di cư đông đúc của một Hà Nội đất chật người đông của Đặng Nhật Minh trong Mùa ổi, Trần Anh Hùng đã sử dụng chính những chất liệu ấy, dựng lại bối cảnh Hà Nội xưa với những thước phim nên thơ, trữ tình.
Những con hẻm, ngõ nhỏ và tối dẫn vào những khu tập thể đã trở thành một mái hiên trú mưa cho anh em Liên trong một chiều mùa hạ trong lành.
Những quán cà phê, quán nước vỉa hè cơ động, đơn giản với bàn ghế thấp, kê liền sát nhau, gần mặt đường cũng là hình dung độc đáo của Trần Anh Hùng về Hà Nội chật chội và đông đúc.
Bộ phim đã gợi lại cho ta những gì thân thuộc về một Hà Nội hồn nhiên, trong lành thuở nào với những cà phê Lâm, Quỳnh, Năng, Giảng… Đó là Hà thành thanh lịch, hào hoa, quyến rũ và tinh tế.
Hà Nội hay không gian thị thành của Mùa hè chiều thẳng đứng vừa chân phương, mộc mạc, vừa lãng mạn, đầy chất thơ như một cuộc hành hương về với ký ức thăm thẳm những điều giản dị, tốt đẹp.
Khác với những thước phim đẹp về Hà Nội của Trần Anh Hùng, Thuận lại miêu tả một nhịp sống và không gian thủ đô với những sắc thái gần như đối lập trong Chinatown.
Thuận tái hiện bức tranh tựa như những nét quệt màu vô định, bởi sự phồn tạp của số phận kẻ lữ thứ trên đất khách. Quê hương không rõ nét với những khung cảnh, phố xá cụ thể mà gắn với các món ăn, nếp sống, phong tục.
Đi tìm bản thể từ những ký ức
Ký ức đóng một vai trò đặc biệt quan trọng đối với những nghệ sĩ nơi đất khách. Ở trong họ, ký ức vừa là thứ thuộc về vừa là thứ mất đi. Những trí nhớ, hình dung về quê hương là tài sản mà họ sở hữu, là cái gốc của bầu không gian mà nghệ sĩ Việt kiều tồn tại.
Có thể thấy, Trần Anh Hùng mang đến quê hương thuần khiết với tình cảm gia đình khăng khít, các nhân vật trọng lối sống yêu thương, tình nghĩa và đề cao sự gắn bó bền chặt giữa những cá nhân trong một dòng tộc.
Ngược lại, sắc thái mối quan hệ mà Thuận miêu tả là tính ràng buộc nhưng lỏng lẻo giữa những cá thể, đặc trưng sống kiểu cách, giữa các thế hệ, cộng đồng với nhau.
Sự khác nhau giữa hai tác giả trong khi miêu tả mối quan hệ giữa các nhân vật có thể lý giải ở điểm tựa xuất phát sáng tác và ý nghĩa tư tưởng mà cả hai theo đuổi.
Trần Anh Hùng đã lắp ghép những ký ức theo trí nhớ tuổi thơ và thanh lọc chúng bằng niềm ao ước, thương nhớ một cái đẹp mà anh luôn khao khát, tìm kiếm trong những năm tháng “thiếu quê hương”.
Do đó, có thể thấy, luôn có độ vênh nhất định trên màn ảnh, nó được lý tưởng hóa để trở nên điển hình, mẫu mực cho sự hình dung về xã hội Việt Nam.
Trong tác phẩm của Thuận, bản thân nhân vật “tôi” với lợi thế về người công dân toàn cầu, đứng trước cái cũ và cái mới, cô có quyền lựa chọn căn tính và bản sắc cho mình.
Chính tư tưởng đó đã tạo nên lối viết tả thực cho câu chuyện mà Thuận mang lại. Chinatown và những trang văn của Thuận là hành trình đi tìm bản thể, tìm câu trả lời cho câu hỏi tôi là ai.
Có thể nói, Trần Anh Hùng tìm bản thể trong những thước phim duy mỹ, duy cảm của cõi mộng. Thuận lang thang trong vùng ký ức, vật lộn giữa quá khứ và hiện tại để định vị cho "tôi".