Ký ức không quên
Theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, hơn 70 năm trước, lớp lớp thanh niên, trai tráng trên khắp mọi miền Tổ quốc hăng hái lên đường tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Cũng từ tinh thần đó, biết bao tấm gương chiến đấu hy sinh, xả thân vì nước là biểu tượng bất diệt của chí khí và con người Việt Nam. Đến nay, dù đã ở tuổi 'xưa nay hiếm' nhưng ký ức về những trận đánh oanh liệt trong chiến dịch lịch sử vẫn vẹn nguyên trong ký ức các chiến sĩ Điện Biên.
Đã hơn 70 năm qua, cuốn nhật ký vẫn được ông Nguyễn Viết Nhâm, hiện sinh sống tại tỉnh Điện Biên cất giữ cẩn thận. Cuốn nhật ký đã theo ông suốt những năm tháng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo ông Nhâm, cuối năm 1953, theo lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ, ông đã tình nguyện lên đường tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Đơn vị ông được cấp trên giao đánh đồi Độc Lập, đây là 1 trong những cứ điểm mạnh, có hầm hào và công sự kiên cố, được trang bị nhiều vũ khí hiện đại. Mặc cho địch điên cuồng chống trả, những chiến sĩ của Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 và Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 đã anh dũng xung phong đánh chiếm mục tiêu.
Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, các đơn vị bộ đội chủ lực ngày ấy nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch. Cả một hậu phương rộng lớn của đất nước, từ vùng tự do Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV, vùng mới giải phóng Tây Bắc đến vùng du kích và căn cứ du kích ở đồng bằng Bắc Bộ, vùng mới giải phóng ở Thượng Lào, đều dồn sức người, sức của với hơn 260.000 dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn, hướng về Điện Biên, bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch.
Trở lại Điện Biên sau 70 năm giải phóng, ký ức của chiến sĩ Điện Biên Lê Văn Nhân vẫn còn khắc rõ hình ảnh những người đồng đội kiên trung, sẵn sàng chiến đấu theo mục tiêu lý tưởng của Đảng dưới ngọn cờ mặt trận đoàn kết. Ông Nhân xúc động: “Là người lính, cùng nằm dưới giao thông hào rét mướt, gian khổ lắm, nên rất thương nhau. Nhưng tất cả vì mục tiêu cao hơn - vì dân tộc, vì Tổ quốc, nên thà hy sinh chứ nhất định không chịu làm nô lệ. Chúng tôi gác lại tất cả để chiến đấu”.
Xúc động nghẹn ngào khi nhớ lại những ngày tháng cùng đồng chí, đồng đội chiến đấu ngoan cường, cựu chiến binh Nguyễn Phương Đàn chia sẻ: “Khi ấy, không những đoàn kết mà chết thay cho nhau cũng có thể. Có thể nói là hy sinh cho nhau để chiến đấu”.
56 ngày đêm, biết bao tấm gương đã hy sinh, thôi thúc đồng chí, đồng đội tiếp tục vùng lên chiến đấu, như: Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo... Cùng với đó là những chiến sĩ lái xe bị thương vẫn không rời tay lái, chiến sĩ công binh vật lộn với bom chờ nổ, chiến sĩ quân y lăn mình trong khói lửa để tải thương, chiến sĩ thông tin quên mình để bảo vệ đường dây liên lạc thông suốt. Ngoài ra, rất nhiều tấm gương dân công hỏa tuyến trong 56 ngày đêm chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.
Cùng với niềm tự hào khi nhớ lại những năm tháng đấu tranh gian khổ ấy, chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Thị Châu, tỉnh Điện Biên khẳng định: “Ra quân là thà chết chứ không chịu làm nô lệ. Cho nên mới có chuyện lấy thân mình lấp lỗ châu mai, lấy thân mình làm giá súng…”.
Chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm về trước luôn là những ký ức không thể nào quên đối với các cựu chiến binh. Ngày ấy, họ mới chỉ mười tám, đôi mươi nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, sẵn sàng lên đường tham gia chiến dịch. Mặc dù hôm nay, ở tuổi ngoài 90, mắt đã mờ, tai nghe không còn rõ, nhưng nhắc đến những ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, họ lại nghẹn ngào nhớ đồng chí, đồng đội và không thể nào quên những giây phút vỡ òa trong niềm vui chiến thắng ngày 7-5-1954. Chiến sĩ Điện Biên Phạm Đăng Quyến, tỉnh Thái Bình chia sẻ: “Chúng tôi vui mừng đến không thể ăn uống được. Anh em cứ ôm nhau cười, rồi khóc trong niềm hạnh phúc”.
Tỉnh Bình Phước hiện còn hơn 20 cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống ở các địa phương trong tỉnh. Những ngày tháng chiến đấu, dù ở các vị trí khác nhau nhưng họ đều đã vượt qua mọi ác liệt trên chiến trường để góp vào chiến công chung của chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. 70 năm trôi qua, tinh thần chiến sĩ Điện Biên vẫn như ngọn lửa rực cháy trong tâm hồn các cựu chiến binh, để truyền cho thế hệ sau lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết cùng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Nói về ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến sĩ Điện Biên Lê Du Lộc ở xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập khẳng định: “Đảng, Bác Hồ quyết tâm, quân, dân đoàn kết nhất trí, quyết tâm chiến thắng. Chiến thắng này toàn dân mong đợi là ghi vào lịch sử dân tộc”.
Các khối diễu binh, diễu hành tham gia tổng duyệt tại sân vận động tỉnh Điện Biên chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024) - Ảnh: Văn Quyết
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/157307/ky-uc-khong-quen