Ký ức không quên của những cựu chiến binh trở về từ 'vùng cỏ cháy'
Chiến tranh đã lùi vào quá khứ từ rất lâu, thế nhưng, những người cựu chiến binh trên mặt trận thành cổ Quảng Trị năm xưa vẫn nhớ như in những khó khăn, gian khổ cuộc sống thời chiến.
Họ không thể nào quên được những người đồng đội, đồng chí mãi mãi ngã xuống, trở về với đất mẹ để đất nước được độc lập, giang sơn nối liền một dải.
Cách đây 1 thập kỷ, hãng phim Phương Nam đã giới thiệu bộ phim “Mùi cỏ cháy”, được lấy bối cảnh từ sự kiện Mùa hè đỏ lửa năm 1972 với trận chiến thành cổ Quảng Trị.
Sau khi được phát hành, bộ phim đã lay động khán giả sâu sắc vì những hy sinh của tầng lớp thanh niên, tri thức hồi đó. Bộ phim cũng nhận được 4 giải Cánh diều vàng vào năm 2012.
Nhân dịp 76 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2023), phóng viên Báo Nhà báo & Công luận có dịp đến tri ân các cựu chiến tại phường Định Công, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Trong đó, nhiều cựu chiến binh trên 80 tuổi, là nhân chứng sống, tận mắt chứng kiến sự khốc liệt tại chiến trường thành cổ Quảng Trị.
Các cựu chiến binh bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm xưa, sức khỏe đã bị thời gian, chiến tranh bào mòn, nhưng họ vẫn luôn nhớ cuộc sống khó khăn thời chiến, về những bữa “cháo” có vị thuốc pháo. Họ không thể quên các chiến dịch, mỗi trận đánh thấm đẫm máu xương của những người đồng đội, mãi mãi ngã xuống, trở về với đất mẹ để đất nước được độc lập, giang sơn nối liền một dải.
Trong ngày tri ân đó, có một cựu chiến binh nói rằng: Cuộc chiến tại thành cổ Quảng Trị khốc liệt quá, nhưng vì sự chiến đấu anh dũng của những người đồng đội, đã biến mặt trận Quảng Trị trở thành khúc tráng ca bất tử không thể nào quên.
Một miền ký ức không thể nào quên
Có mặt tại chiến trường Quảng Trị vào đúng thời điểm khốc liệt nhất trong giai đoạn 1970 - 1971, ông Nguyễn Xuân Lộc, chiến sĩ của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 đã không dấu được sự xúc động khi kể về những người đồng đội đã cùng ông vào sinh ra tử.
Ông Nguyễn Xuân Lộc sinh ra và lớn lên tại Định Công, vốn là một làng cổ ven Hà Nội (nay là phố Định Công, quận Hoàng Mai). Năm 17 tuổi, tức là vào năm 1962, ông Lộc quyết định nghỉ học, viết đơn tình nguyện nhập ngũ.
Trong đơn tình nguyện nhập ngũ, ông Lộc viết: “Tôi biết rõ bản thân chưa đủ tuổi nhập ngũ, nhưng tôi có sức khỏe và sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ cứu nước”.
“Lúc nhận được đơn tình nguyện, ông Trung đội trưởng tiếp nhận xúc động lắm, nên đồng ý ngay. Vào những năm đó, dù biết rất nguy hiểm, nhưng lớp thanh niên tầm tuổi như tôi, ai cũng muốn nhập ngũ. Có người không đủ điều kiện, thấp bé quá cũng cố gắng xin bằng được”, ông Lộc kể lại.
Thời điểm đầu nhập ngũ, ông Lộc được giao nhiệm vụ là chiến sĩ thông tin, đóng quân ở Hà Nội (nay là tòa nhà cao ốc nằm trên đường Giang Văn Minh, quận Ba Đình). Nhiệm vụ hàng ngày của ông là bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt từ Bộ Tư lệnh xuống các Quân khu, Sư đoàn toàn miền Bắc. Đồng thời, tiếp chuyển liên lạc của các lãnh đạo cấp cao tới vùng chiến sự.
Đến năm 1970 - 1971, đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn cực kỳ cam go, quyết liệt, Nhà nước đã có lệnh Tổng động viên huy động thêm lực lượng chi viện vào chiến trường miền Nam. Ông Lộc cùng hàng vạn thanh niên, trong đó có rất nhiều sinh viên từ các trường Đại học lớn của Hà Nội lên đường “đi B”.
Ông Lộc kể lại, ngày ông lên đường vào mặt trận thành cổ Quảng Trị, quê nhà ông - Hà Nội xảy ra đợt lũ lụt rất lớn (đại hồng thủy, xảy ra vào tháng 8/1971), nhiều đoạn đê sông yếu bị vỡ, Thủ đô chìm trong “biển nước”.
Để giúp ông giữ vững lập trường và an tâm đi chiến đấu, ông được mọi người trong gia đình động viên cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, để xứng đáng là một người lính cụ Hồ.
Vào mặt trận Quảng Trị, ông là chiến sĩ của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325. Ông Lộc là Trung đội trưởng, gồm 4 Tiểu đội, 39 chiến sĩ phụ trách thông tin.
Tại đây, các chiến sĩ thông tin phải vác trên lưng cột sóng của Nga, nó giống như các trạm ăng-ten viễn thông bây giờ. Các cột sóng nặng tầm 20kg và phải đi cả quãng đường dài, 15km - 20km, càng tiến sâu vào phía Nam càng tốt.
“Để giữ vững phòng tuyến thông tin, chúng tôi buộc phải đi qua các trận càn của địch, nã pháo từ Biển Đông vào đất liền. Có những lúc, bản thân tôi giáp mặt với phía phe địch. Chính vì vậy, chỉ trong vòng mấy ngày, Trung đội 39 người đã hy sinh 2/3. Tôi bị thương nặng, khi về điều trị thì biết tin chỉ còn 13 người sống”, ông Lộc bật khóc khi nhớ lại khoảnh khắc những người đồng đội của mình ngã xuống.
Cho đến bây giờ, cuộc chiến năm xưa đã trở thành dĩ vãng từ rất lâu, ký ức tang thương đó vẫn in đậm trong tâm trí. Nhà cửa, phố xá chìm trong bom đạn, khói lửa, những người đồng đội mới chỉ vài tiếng trước còn trêu đùa, tâm sự với nhau mọi thứ, thì nay đã không còn.
“Đây là ký ức mà tôi không bao giờ quên được, thi thoảng tôi vẫn nhớ về những người đồng đội của mình”, ông Lộc xúc động chia sẻ.
Vẫn còn đó, những day dứt với đồng đội
Cũng là một nhân chứng sống tại Quảng Trị vào năm 1965, Trung tá Nguyễn Văn Nhì (SN 1942) kể lại: Những năm 1970 - 1971 còn “sướng” vì có viện trợ, chứ trước đó vài năm, cuộc sống nơi tiền tuyến khổ “khỏi phải nói”.
Tuy nhiên, trong cái đói, cái khổ năm đó, chẳng ai “than” lấy một từ, vì đây là thời điểm cả nước đều khó khăn. Chỉ khi hòa bình lập lại, cuộc sống trở nên no đủ, những người cựu chiến binh năm xưa mới ngẫm nghĩ lại thanh xuân của mình đã từng vất vả như thế.
Bài thơ ngắn của Trung tá Nguyễn Văn Nhì
viết về cái Tết năm Ất Tỵ 1965 tại Quảng Trị:
“Vui cùng điếu thuốc Tết Trường Sơn
Tiếng phản lực kêu như tiếng đàn
Rocket, bom đạn, cùng pháo nổ
Ất Tỵ Tết đấy, chẳng vui hơn”.
Theo dòng hồi tưởng, Trung tá Nguyễn Văn Nhì nhớ lại cái Tết năm Ất Tỵ (năm 1965), tại mặt trận Quảng Trị: Cái Tết năm ấy, cả Đại đội có 120 người, được chia 8kg gạo để ăn Tết. Gọi là nồi cơm, nhưng thực chất là nồi cháo, 1 phần gạo, 10 phần nước. Gạo còn bị lẫn thuốc súng, xác pháo, nên khi nấu lên đắng nghét, nhưng ai cũng cố gắng ăn sạch bát để lấy sức chiến đấu. Cũng cái Tết năm đó, mỗi Tiểu đội được chia 1 điếu thuốc Trường Sơn màu đỏ, 12 người chia nhau, mỗi người “rít” một hơi vài giây.
“Với tôi, cái đói, cái rét không thấm vào đâu so với nỗi đau chứng kiến những người đồng đội của mình hy sinh, lực bất tòng tâm khi họ ra đi”, ông Nhì xúc động kể lại.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Nhì, có những người đồng đội chỉ vì một vết thương nhỏ, bị nhiễm trùng, nhưng do thiếu thuốc men nên không cứu được.
“Nếu trong hoàn cảnh bây giờ, thuốc men đầy đủ, có lẽ rất nhiều đồng đội của tôi được sống. Tiếc rằng, lúc đó chiến tranh, thiếu thuốc điều trị trầm trọng, nên chỉ biết khóc khi thấy họ hy sinh”, ông Nhì nói.
Chiến tranh lùi xa từ rất lâu, nhưng ông Nhì vẫn áy náy khi nhắc về những người đồng đội chưa tìm được hài cốt. Trong đó, ông Nhì day dứt mãi về 3 người đồng đội quê Hải Dương, hy sinh tại Lào.
Người thứ nhất là Liệt sỹ Phạm Văn Bính, quê Thanh Miện (Hải Dương). Hai người còn lại là Liệt sỹ Phạm Văn Quỳnh, Nguyễn Văn Lẫn, quê cũng ở Hải Dương.
Hiện tại, ông Nhì đã 82 tuổi, tuổi đã cao, sức đã mỏi, bản thân ông và 2 người con gái bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam, ông chỉ mong một ngày nào đó, một ai đó có thể để tìm được các đồng chí, đưa họ về với gia đình, hay ít nhất là về dưới mái nhà chung là các Nghĩa trang liệt sỹ.
“Lúc Quỳnh và Lẫn hy sinh, tôi bị thương, nên được đưa về tuyến dưới điều trị. Mọi người chứng kiến kể lại, 2 anh nằm gần cột xăng chẵn - lẻ nào đó, tại tỉnh Savannakhet (Lào). Nhưng phải 4 - 5 lần, chúng tôi trở lại chiến trường năm xưa, địa danh đã thay đổi, khung cảnh đã hoàn toàn khác mấy chục năm trước, nên việc tìm lại nơi các anh nằm xuống là điều không thể, đây là điều mà tôi rất day dứt”, ông Nhì kể lại.