Ký ức lịch sử tôn vinh những hy sinh của thế hệ đi trước
Ngày 19/12, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ 'Mãi mãi tuổi 20' tổ chức sự kiện 'Ký ức và niềm tin' nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024).
Sự kiện có sự tham dự đông đảo các cựu chiến binh cũng như thanh niên Việt Nam, bao gồm ba hoạt động chính: tọa đàm “Có một thời như thế”; tiếp nhận kỷ vật chiến tranh và khai mạc triển lãm “Ký ức và Niềm tin”.
Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bày tỏ niềm vinh dự và lòng biết ơn đối với những người lính cụ Hồ, đặc biệt là người phụ nữ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc; đánh giá cao nỗ lực của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” tổ chức chương trình này.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, những ký ức mang tầm vóc dân tộc được tái hiện qua những hình ảnh, tư liệu trong triển lãm và câu chuyện từ các vị khách mời đặc biệt sẽ là hành trang, bài học quý giá và là nguồn cổ vũ động viên tinh thần to lớn để chung tay xây dựng cuộc sống hạnh phúc, phồn vinh trong thời đại mới.
Tọa đàm “Có một thời như thế” có sự tham gia và chia sẻ của bốn nhân vật, trong đó những người trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ kháng chiến chống Mỹ.
Bà Hoàng Thị Kim Vinh từng công tác tại Đội 812, Đội Thanh niên xung phong Thủ đô N43, Bộ Giao thông Vận tải, chia sẻ rằng khi Trung ương Đoàn phát động phong trào thanh niên lên đường chống Mỹ cứu nước, bà không ngần ngại gửi con cho mẹ già để xung phong, quyết tâm tham gia chiến trường trong 3 năm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Lịch từng là Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 530, Trung đoàn 5 – Đoàn Dũng sĩ Cát Bi, cũng kể lại kỷ niệm trước khi lên đường vào chiến trường.
Dù thời gian gấp rút và không được nghỉ ngơi cũng như với cương vị là một chính trị viên, ông lo lắng các quân nhân đảo ngũ vì rất nhiều người thân đến thăm và tiền đưa. Mặc dù vậy, ông và đồng đội đã nêu cao trách nhiệm và tất cả cùng lên đường xuất phát ra chiến trường, cho thấy được tinh thần quyết tâm cao.
Ngoài ra, tọa đàm cũng có sự góp mặt của ông Hoàng Nam Tiến, con trai của Thiếu tướng Hoàng Đan, nguyên Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng.
Tại đây, ông Tiến chia sẻ về người cha đã đối mặt với sự hiểm nguy của bom đạn để gìn giữ hòa bình đất nước cho thế hệ con cháu, từ đó cũng hun đúc trong ông sự kính trọng sâu sắc với thế hệ đi trước.
Kết thúc tọa đàm, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận kỷ vật chiến tranh và trao tặng ảnh phục dựng của liệt sĩ cho gia đình và tổ chức khai mạc triển lãm “Ký ức và Niềm tin”.
Triển lãm trưng bày một số tài liệu, hiện vật quý giá được sưu tầm trong gần 20 năm qua sau những chuyến công tác trên khắp vùng miền Tổ quốc để gặp gỡ và lắng nghe câu chuyện từ những nhân chứng lịch sử, và thân nhân của các anh hùng liệt sĩ đã nằm lại chiến trường năm xưa.
Qua gần 200 hình ảnh, hiện vật gốc trong đó có những kỷ vật tiêu biểu như: Đơn tình nguyện nhập ngũ viết bằng máu; nhật ký của nữ bộ đội Trường Sơn về con đường ra trận và những năm tháng phục vụ trong quân ngũ; thư của người liệt sĩ gửi vợ đong đầy nỗi nhớ và niềm tin về ngày đoàn tụ hay chiếc kèn Harmonica mà người chiến sĩ đã dùng thổi bài “Vì nhân dân quên mình” cạnh quả bom hẹn giờ để động viên tinh thần đồng đội… giúp công chúng hiểu thêm những khó khăn, gian khổ trong những năm kháng chiến.
Triển lãm không chỉ là nơi lưu giữ ký ức lịch sử mà còn là cầu nối để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về những hy sinh của thế hệ đi trước, đặc biệt là những người phụ nữ, từ đó thêm yêu quý, tự hào về đất nước và sống có ước mơ, hoài bão, niềm tin, tiếp bước cha anh “sống một đời đáng sống”.