'Nhà tập thể': Từ cái tên đa nghĩa đến chủ nghĩa hoài niệm
Khi tìm hiểu sâu vào nhà tập thể, với tư cách là một hình thái kiến trúc đặc thù của đô thị Việt, cho thấy một nội hàm không hề đơn giản như ta mường tượng, thậm chí, còn có sự ngự trị của một diễn ngôn chủ đạo – sự lãng mạn hóa và chủ nghĩa hoài niệm – xuất hiện trong các biểu đạt ký ức thông qua nghệ thuật như hội họa, văn chương…
Nhà tập thể - một khái niệm đa nghĩa
Nhà tập thể, được xây dựng phổ biến trong thời kỳ bao cấp (1950 - 1980) nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ ở, thường là những khu căn hộ chung cư, nơi nhiều hộ gia đình cùng sống trong một không gian chung, chia sẻ cơ sở hạ tầng như nhà vệ sinh, nhà tắm và khu bếp. Về mặt xã hội, nó mang ý nghĩa “tập thể” (collective), tức là nhấn mạnh tính cộng đồng, chia sẻ và sự tương trợ giữa các cư dân trong cùng một không gian sống.
Xét về nội hàm, “nhà tập thể” có sự giao thoa với nhiều khái niệm khác như “chung cư,” “chung cư cũ,” “khu chung cư,” “nhà ở xã hội.” Theo Điều 3 Luật Nhà ở 2014, nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh.
Tương tự, nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật này. Nhà tập thể, ở một phương diện nào đó, là nguyên mẫu tiền thân (prototype) của chung cư bây giờ. Mặc dù vậy, nhà tập thể không tương đồng, hoặc là thiếu đáp ứng, như chung cư ở các khía cạnh khác nhau như mục đích thiết kế, quyền sở hữu, tiêu chuẩn sử dụng, mức độ tiện nghi và hạ tầng cơ sở.
Từ ‘chúng cư’ xuất hiện trên báo Sài Gòn Giải phóng, Số 4019, 14 Tháng Sáu 1988. Nguồn: Thư viện Quốc gia Việt Nam
Ở miền Nam trước 1975 và ở một số nơi tại TP.HCM ngày nay, vẫn còn tồn tại hai cách gọi “cư xá” và “chúng cư” có ngọn nguồn từ chiết tự Hán Việt. Theo tác giả Nguyễn Gia Việt, cư xá “là từ ghép của người miền Nam trong đó chữ 居/cư là ở, cư trú, 舍/xá là quán trọ, nhà ở,” còn theo từ điển Hoàng Phê (2003) là “khu nhà ở tập thể,” ví dụ như cư xá Thanh Đa.
Một cách gọi khác là chúng cư (衆居) nghĩa là nơi nhiều người cùng ở, hoặc trên thực tế, nhà cao tầng dành cho bình dân đại chúng, đa phần thu nhập thấp, điển hình như chúng cư Kiến Thiết, Nguyễn Thiện Thuật, Vĩnh Hội. Giữa chúng cư và chung cư theo cách gọi phổ thông ngày nay, đồng thời là một sự xê dịch thú vị về nghĩa, từ cách hiểu chúng nghĩa Hán Việt (nhiều, đông) sang chung tiếng Việt (“ở chung” hay cùng thuộc về mọi người).
Để tìm một định nghĩa chính xác và định chế hóa về nhà tập thể trong các văn bản pháp luật dường như bất khả. Gần nhất, có lẽ là “nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước” căn cứ quy định tại Điều 80 Luật Nhà ở 2014 gồm 4 loại, trong đó có “Nhà ở cũ được đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ vốn ngân sách nhà nước hoặc được xác lập thuộc sở hữu nhà nước và đang cho hộ gia đình, cá nhân thuê theo quy định của pháp luật về nhà ở.”
Định nghĩa này phản ánh tính pháp lý lưỡng phân của nhà tập thể, bởi hiện nay nhà tập thể có hai loại: Một là nhà đã thanh lý, chủ sở hữu có sổ hồng, là chủ sở hữu pháp lý của căn hộ, không phải đóng tiền nhà hàng tháng. Hai là nhà tập thể chưa thanh lý, mới chỉ có hợp đồng thuê nhà với Nhà nước, hàng tháng vẫn đóng tiền thuê nhà.
Còn xác định một thuật ngữ đồng đẳng, hay cách chuyển ngữ khái niệm nhà tập thể sang tiếng Anh, cũng không hề dễ dàng. Dịch nguyên văn từng từ (word by word) thì nhà tập thể có thể là collective housing. Còn mang tính quy ước hơn, thì có thể so sánh với hai thuật ngữ tenement rất phổ biến ở Mỹ, hay коммунальная квартира (communal apartment) ở Liên Xô cũ.
Thuật ngữ thứ nhất chỉ loại công trình nhà được chia sẻ bởi nhiều hộ, thường có các phòng hoặc căn hộ trên mỗi tầng và có lối vào cầu thang chung, mặt khác luôn liên hệ với những tòa nhà đông đúc, xuống cấp với điều kiện sống kém, phù hợp với hiện trạng của nhà tập thể ở Việt Nam.
Còn thuật ngữ thứ hai nhấn mạnh vào khía cạnh cộng đồng và sự chia sẻ không gian sống giữa các hộ gia đình không liên quan tới nhau, phù hợp với tính chất xã hội của nhà tập thể Việt. Nhà tập thể định nghĩa với tư cách một sản phẩm của thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, còn được thể hiện qua thuật ngữ socialist housing/nhà ở xã hội chủ nghĩa (Schwenkel 2012, 2020).
Sự đa nghĩa của nhà tập thể, còn đến từ các cách tiếp cận khác nhau. Song song với những khảo sát nghiên cứu từ góc độ kiến trúc, xây dựng và quy hoạch đô thị, người ta bắt đầu xem xét nhà tập thể từ các điểm nhìn nhân văn.
Nhà tập thể được nhìn nhận như một hiện tượng lịch sử, hệ thống quá trình hình thành, phát triển và biến đổi dưới những tác động của bối cảnh lịch sử giai đoạn 1954 – 2000 (Dương Tất Thành, 2023). Nhà tập thể dung chứa những giá trị sử dụng, giá trị vật thể và giá trị trao đổi, nhưng song song với đó là cả giá trị thẩm mỹ của một kiến trúc hiện đại, giá trị lịch sử (Trịnh Duy Luân, 2023).
Đặc biệt từ nhân học, nhà tập thể là sự phản chiếu những mô thức thương thỏa trong việc sử dụng và chia sẻ không gian cư trú (Trần Thị Quỳnh Trang, 2023). Và dường như, nhà tập thể còn một ý nghĩa lịch sử và biểu tượng sâu xa hơn hiện trạng nó chỉ ra, một cái bắt tay trong công cuộc phục hồi và tái thiết đô thị, giữa Đông Đức và Việt Nam thời chiến tranh Lạnh (Schwenkel, 2019).
Hoài niệm chủ nghĩa hay sự lãng mạn hóa về nhà tập thể
Nhà tập thể là một giải pháp nhà ở mang tính tập trung và chi phí thấp, đồng thời phản ánh quan điểm về sở hữu và phân phối tài sản công của xã hội lúc bấy giờ. Sau Đổi mới (1986), mô hình này dần mất đi tính phổ biến và được thay thế bởi các khu chung cư hiện đại và khu đô thị mới, nhưng nhiều khu nhà tập thể vẫn tồn tại và trở thành biểu tượng của một giai đoạn lịch sử đặc biệt trong quá trình phát triển đô thị Việt Nam.
Một trong những diễn ngôn chủ đạo nhất, chi phối nhất về nhà tập thể hiện thời đến từ chủ nghĩa hoài niệm và sự lãng mạn hóa quá khứ, không khó để bắt gặp trên báo chí hay các chất liệu văn học. Chủ nghĩa hoài niệm về nhà tập thể là một hiện tượng xã hội thú vị trong bối cảnh đô thị hóa và thay đổi nhanh chóng của Hà Nội, nơi nhà tập thể không chỉ là không gian sống, mà còn là biểu tượng của một thời kỳ gắn bó cộng đồng, chia sẻ khó khăn và niềm vui giữa những cư dân.
Triển lãm sắp đặt Thay hình đổi mặt của Nguyễn Thế Sơn và Trần Hậu Yên Thế năm 2016 tại L’Espace. Nguồn: Lao động Thủ đô
Nhiều tác giả đã ca ngợi nhà tập thể như một phần ký ức đô thị đáng trân trọng, nơi mà con người sống hòa hợp, gắn bó với nhau trong một môi trường gần gũi, ấm áp và đơn giản. Những người từng sống trong các khu nhà tập thể có thể cảm thấy hoài niệm về những năm tháng khó khăn nhưng tràn đầy tình cảm. Họ nhớ về thời gian mọi người cùng nhau chia sẻ không gian chung, giúp đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày. Những hoạt động như sinh hoạt tập thể, trẻ em chơi đùa ở sân chơi chung, rước cỗ Trung thu, hay các buổi họp mặt hàng xóm đã trở thành một phần ký ức khó phai.
Nhà tập thể, tuy không hẳn nhiều như phố cổ, có sự hiện diện phản ánh trong đời sống văn chương và nghệ thuật. Điển hình có thể kể đến sắp đặt Thay hình đổi mặt của hai nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn và Trần Hậu Yên Thế (L’Espace, 2016), sách Tập thể cũ Hà Nội: Ký họa và hồi ức (Nxb Hội Nhà văn, 2019) của nhóm Nhóm Ký họa Hà Nội (Urban Sketchers Hanoi – USK Hanoi).
Sách Tập thể cũ Hà Nội: Ký họa và hồi ức (Nxb Hội Nhà văn, 2019) của nhóm Nhóm Ký họa Hà Nội (Urban Sketchers Hanoi – USK Hanoi). Nguồn: Internet
Trong địa hạt văn học, nhà tập thể xuất hiện trong những viết hay chia sẻ về Hà Nội của Đỗ Phấn, Nguyễn Ngọc Tiến, Nguyễn Trương Quý, 4 tập sách Chuyện thời bao cấp (Nxb Thông tấn), tập tản văn Chuyện người Hà Nội (Nxb Hà Nội, 2021) của nhóm Hà Nội Tri thức… Martin Rama với Hà Nội, một chốn rong chơi (Nxb Thế giới, 2014) cho rằng nhà tập thể cho dù “hom hem, buồn bã” nhưng mang một tính chất đại diện cho kiến trúc cũng như sức sống của Hà Nội, và góp một vài kiến giải để biến nhà tập thể thành di sản.
Hay nhà tập thể, như một sự nối dài của nông thôn giữa lòng thành thị, được Lê Minh Hà phác họa thông qua một cảnh quan văn chương trong Phố vẫn gió (Nxb Lao động, 2015), qua sự đối thoại với bên kia là phố cổ thâm nghiêm, những ngôi biệt thự Pháp yêu kiều. Nhà tập thể lắp ghép bằng bê tông thô kệch, như một trung tâm thu hút sự cư ngụ của cư dân đến từ khắp ngả miền quê, lấp đầy mọi khoảng trống và phủ lên bằng lối sống canh nông thâm căn cố đế vốn có của mình.
Còn trong tập Chuyện thời bao cấp thì đầy những mẩu chuyện về những gia đình hai, ba thế hệ, với 6-7 nhân khẩu chen chúc sống trong không gian vỏn vẹn 25-28m2, vẫn phải “tăng gia sản xuất” nuôi lợn, gà, chim cút… Một đời sống tập thể, trong nhà tập thể, với vô vàn sắc thái sinh động, vui – buồn lẫn lộn khác nhau.
Có một hiện tượng tâm lý phổ biến, mang tên gọi rosy retrospection (hồi tưởng màu hồng), chỉ xu hướng nhớ về quá khứ với những ký ức tích cực hơn thực tế, thường xảy ra khi con người phải đối mặt với những thay đổi và áp lực của cuộc sống hiện tại. Hiện tượng này có thể phần nào giải thích lý do tại sao nhiều người lại ca ngợi và hoài niệm về nhà tập thể.
Đầu tiên là lý tưởng hóa quá khứ. Người ta có xu hướng nhớ về nhà tập thể với những giá trị cộng đồng và gắn kết con người, nhưng lại có thể bỏ qua những khó khăn như cơ sở hạ tầng kém, điều kiện sống hạn chế và sự xuống cấp, không cung cấp đủ tiện nghi, không gian sống chật hẹp, và đôi khi không đảm bảo an toàn.
Nhà tập thể dưới mắt nhìn của họa sĩ trẻ Trần Nam Long. Nguồn: Họa sĩ cung cấp
Và sau đó là đối lập với hiện tại. Trong bối cảnh hiện đại hóa nhanh chóng, những khu đô thị mới với chung cư cao cấp có thể làm con người cảm thấy lạc lõng, mất đi sự kết nối cộng đồng. Điều này khiến nhiều người nhìn lại nhà tập thể với cảm xúc tích cực hơn, lý tưởng hóa quá khứ như một thời kỳ tốt đẹp hơn so với thực tế. Nhà tập thể, do đó, trở thành một không gian ký ức – nơi an trú, náu thân giữa những dòng chảy xô bồ đảo điên của đời sống đương đại phân mảnh.
Nhà tập thể, với lịch sử hơn 60 năm tồn tại và vẫn đang tiếp diễn, cũng sở hữu một quang phổ ký ức đến từ thế hệ những người sinh ra từ thập niên 30-40 của thế kỷ trước cho tới thế hệ Y, Z theo cách phân loại của nhân khẩu học. Họ có thể là những người đầu tiên đến cư trú tại những căn hộ này, cũng có thể là những người sinh ra, lớn lên và trưởng thành bên trong nó.
Tuy nhiên, tính thế hệ cũng đồng thời là một trở lực trong việc ước định giá trị kỷ niệm của nhà tập thể, bởi tiệm tiến theo thời gian, những ký ức về nhà tập thể sẽ dần mờ nhạt đi, nhất là đối với lớp trẻ sinh vào cuối thế hệ Z, hay là với thế hệ Alpha sinh ra từ quãng 2013 cho tới nay. Biết đâu đấy, hình thái kiến trúc mọc lên như nấm điển hình kể từ những năm 2000 – các chung cư, sẽ lại trở thành một mảnh ghép ký ức nào đó với những thế hệ sau?
Một vài hình ảnh đặc trưng cho nhà tập thể cuối thập niên 90 xuất hiện trong phim Vị khách lúc giao thừa (đạo diễn Khải Hưng, 1997), Đội đặc nhiệm nhà C21 (đạo diễn Vũ Hồng Sơn, 1998); Ghen (đạo diễn Phạm Thanh Phong, 1998); Cầu thang nhà A6 (đạo diễn Trịnh Lê Văn, 1998). Nguồn: YouTube
Thay vì nhìn nhà tập thể qua lăng kính hoàn toàn màu hồng hoặc hoàn toàn tiêu cực, cách tiếp cận hợp lý là kết hợp giữa sự tôn trọng giá trị ký ức và nhận thức về các vấn đề thực tiễn. Nhà tập thể có ý nghĩa lớn về mặt xã hội và văn hóa, nhưng cũng cần được nhìn nhận đúng đắn trong bối cảnh lịch sử và thực tế đang diễn ra của nó. Hay chúng ta thử hình dung và nhìn nhận xem nhà tập thể là biểu tượng di sản hay suy thoái đô thị?
Phạm Minh Quân (Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội)
______________
Tài liệu tham khảo:
Dương Tất Thành (2023).
Quá trình hình thành và biến đổi các khu tập thể ở Hà Nội từ năm 1954 đến năm 2000
. Luận án tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam. Hà Nội: Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.
Schwenkel, C. (2012). Civilizing the city: Socialist ruins and urban renewal in central Vietnam.
positions: east asia cultures critique
, 20(2), 437-470.
Schwenkel, C. (2019). Tái thiết thành Vinh: Một lịch sử hợp tác với Đông Đức thời chiến tranh Lạnh. Đặng Hoàng Giang dịch.
Tạp chí Văn hóa Nghệ An
số 401, 25/11/2019. 42-46.
Schwenkel, C. (2020).
Building socialism: The afterlife of East German architecture in urban Vietnam
. Duke University Press.
Trần Thị Quỳnh Trang (2023).
Lối sống ở khu tập thể Kim Liên, Hà Nội
. Luận văn thạc sĩ Nhân học. Hà Nội: Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.
Trịnh Duy Luân (2023). Những giá trị lịch sử và đương đại của mô hình nhà ở XHCN ở Việt Nam.
Tạp chí Kiến trúc
số 1 - 2023. 54-60.