Ký ức màn hình nhấp nháy!

Ngày nay, chỉ cần một 'cú chạm tay' là cả thế giới hiện ra trước mắt. Tivi, điện thoại thông minh, máy tính bảng,... công nghệ đã đưa chúng ta đi xa, và rất xa. Sau những tất bật của cuộc sống, tôi lại thèm được một lần quay về những ngày xưa cũ - nơi có chiếc tivi đời đầu chập chờn tín hiệu, có tiếng cười vang giữa những căn nhà đơn sơ lấp ló dưới những tán xanh, và có những ký ức màn hình tivi nhấp nháy, thật khó quên.

Những chiếc tivi trắng đen 14 inches là một phần ký ức của thế hệ 8X trở về trước. Ảnh: Hà Hải

Những chiếc tivi trắng đen 14 inches là một phần ký ức của thế hệ 8X trở về trước. Ảnh: Hà Hải

Còn nhớ, hồi ấy thật hiếm tivi, nhà tôi tuy mái tranh vách nứa, nhưng vì sở hữu chiếc tivi sớm nhất ở làng nên được xem là gia đình khấm khá. Chiếc tivi đen trắng ngày ấy, nằm gọn trên cái tủ gỗ cũ kỹ. Bố tôi mua thêm tấm phim (mica) trong suốt có màu xanh nhạt đặt phía trước màn hình để khi xem có cảm giác như tivi màu vậy. Vỏ tivi ngoài bằng nhựa màu đỏ đã ố theo năm tháng, phía trên phủ một tấm khăn ren mẹ tôi tự thêu. Mỗi khi đến giờ phát phim, mẹ lại nhẹ nhàng lau bụi màn hình, còn bố loay hoay chỉnh lại cái ăng ten râu sắt treo trên đầu cột cao vút phía ngoài góc vườn và gọi cả nhà: “Tối nay đến tập 9 phim Tây Du Ký đấy, cả nhà ra mà xem”.

Tôi còn nhỏ, được ưu tiên ngồi xếp bằng ngay trước màn hình. Mắt không chớp, miệng há hốc khi thấy những cảnh võ thuật đẹp mắt, có lúc tôi lại thấy anh trai và chị gái ngồi thét toáng lên vì sợ yêu quái trong phim. Thỉnh thoảng tín hiệu yếu, màn hình nhảy nhót như mưa bụi, lấm tấm kín màn hình, rồi những vệt trắng đen mờ ảo hiện lên, cùng với đó là tiếng xèo xèo phát ra từ 2 chiếc loa của tivi khi mất sóng. Bố tôi lúc đó sẽ nhổm dậy, chạy ra phía cột ăng ten xoay nhè nhẹ, vọng tiếng vào nhà hỏi chúng tôi: “Có chưa, nét chưa mấy đứa?” - “Chút nữa, chút nữa, rồi, rõ rồi bố ơi!” - 3 anh em tôi reo lên như thể vừa tìm thấy kho báu.

Vì cả làng có cái tivi nên mỗi khi nhà tôi chiếu phim là người già, trẻ nhỏ đến đông kín. Có bác hàng xóm vừa xem vừa nhai trầu bỏm bẻm, có người già vừa kể chuyện vừa cười ha hả. Trong cái ánh sáng yếu ớt hắt ra từ màn hình cũ kỹ ấy, cả xóm tôi như sống chậm lại, gần nhau hơn...

Làng tôi biệt lập, bao quanh là núi đồi và con sông hiền hòa, muốn xem được tivi bố tôi phải đi bộ tầm 4km, dùng đôi quang gánh để chuyển những chiếc bình ắc quy qua thị trấn, phía bên kia sông để nạp điện, và chủ tiệm sạc bình hẹn một hoặc hai ngày sau qua lấy. Bố sắm ba chiếc bình luân phiên để luôn có điện, và dù chỉ dùng tivi những giờ cần thiết nhưng cũng nhiều lần khi xem đến đoạn phim hấp dẫn thì bình ắc quy hết điện, màn hình tivi thu nhỏ dần lại, lúc đầu bằng cái quyển sách, sau nhỏ bằng bàn tay người lớn, rồi rất nhanh thì y như cái bao diêm và tắt phụt,... Ai có mặt đều “ồ” lên trong tiếc nuối.

Nhớ những hôm mẹ tôi ngồi may vá dưới ánh sáng lờ mờ hắt ra từ chiếc tivi, vừa may, mẹ lại nhắc anh em tôi: “Xem hết tập phim là tắt nhé! Ngủ sớm, mai còn đi học”. Tất nhiên, anh em tôi thường trả lời mẹ bằng những cái gật gù cho có nhưng mắt vẫn say sưa dán vào màn hình tivi với món “đặc sản” là xem phim.

Thời gian trôi nhanh như cát lọt kẽ tay. Tôi lớn lên, đi học xa, lập nghiệp nơi phố thị, thi thoảng mới về quê thăm bố mẹ, chiếc tivi ấy đã hỏng từ lâu, bố bày biện vào một vị trí trang trọng nhất giữa những đồ vật hoài niệm.

Tạm đặt “thế giới trong lòng bàn tay” với những chạm vuốt mau lẹ xuống, tôi với tay vào ký ức nơi có cái núm chỉnh kênh của tivi, nó kẹt cứng. Một thoáng thôi, nhưng tôi như nghe thấy đâu đây tiếng nhạc phim ngày ấy, tiếng xèo xèo cùng màn hình tivi nhấp nháy, tiếng mẹ nhắc học bài, tiếng bố gọi vọng khi dò sóng và tiếng cười rộn rã của một thời.

Tản văn của MINH CHI

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/ky-uc-man-hinh-nhap-nhay-36943.htm