Ký ức một thời hoa lửa
'Từ khắp bốn phương trời lửa đạn/ Đàn con về sau những năm xa/ Cởi súng gạt mồ hôi trên trán/ Ta lại xây Hà Nội của ta', ông Nguyễn Như Thiện ngân nga bài thơ 'Ngày về' của nhà văn, người đồng đội Nguyễn Đình Thi, vẽ ra trước mắt chúng tôi những ký ức khó quên của người lính về một thời hoa lửa.
“Ta đã về đây, Hà Nội ơi!”
Từ thành phố mang tên Bác, chúng tôi có dịp ngồi với Đại tá Nguyễn Như Thiện, nghe ông kể câu chuyện của Thủ đô tháng 10 lịch sử. Dù đã bước sang tuổi 93, nhưng giọng nói của ông - người con Hà Nội, vẫn nhẹ nhàng, khiến chúng tôi như thấy được hình ảnh chàng trai hào hoa của đất Hà Thành năm xưa.
Ông Thiện sinh ra và lớn lên ở xã Gia Viễn, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là TP Hà Nội). Trước Cách mạng tháng Tám 1945, khi chưa đầy 14 tuổi, ông đã nhiều lần cùng cán bộ, chiến sĩ vượt dòng sông Đáy, tham gia đánh Pháp ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Năm 1950, ông được cử đi học lớp chỉ huy cấp trung đội và đại đội hơn 18 tháng ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Năm 1951, khi cùng đồng đội về nước, ông được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (lúc bấy giờ là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) dặn dò: “Các đồng chí đi học về rồi, giờ đi chiến đấu nhé”. Từ đó, ông trở thành chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308.
Nhớ lại những ngày cùng đơn vị về tiếp quản Thủ đô, ông Thiện kể: “Đại đoàn 308 lúc ấy đứng chân ở Bắc Giang, trước ngày về tiếp quản Thủ đô có phóng viên đến chụp hình kỷ niệm. Đơn vị xếp hàng chỉnh tề, gương mặt rạng ngời chụp những tấm hình rất đẹp”. Ngày 10-10-1954, những bước chân của đại đoàn quân tiến vào Thủ đô theo 3 hướng, dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô, tiếp theo là Trung đoàn 36, Trung đoàn 88. Những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, dẫn đầu là Trung đoàn trưởng Nguyễn Quốc Trị, đi qua các tuyến đường Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang… rồi vào đóng trong Thành cổ Hà Nội. “Bộ đội về, bà con ùa ra kín khắp các tuyến đường, giữa rừng cờ hoa. Cả Hà Nội ngập tràn niềm vui giải phóng...”, ông Thiện nhớ lại.
Đúng 15 giờ, còi Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài, các đơn vị quân đội và người dân Thủ đô dự lễ chào cờ. Ngày 10-10 cũng là ngày đặc biệt trong trái tim ông - ngày ông gặp lại người bạn đời ngày đêm mong nhớ. Kể về người vợ quá cố, NSND Trần Thị Tuyết, ông Thiện trầm ngâm nhìn vào cây đàn kỷ vật: “Bà nhà tôi đi nay đã gần 4 năm rồi”. Bà Tuyết bằng tuổi với ông, là “thanh mai trúc mã”. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cũng là lúc ông ở lại Thủ đô chiến đấu, bà cùng gia đình đi tản cư. Chờ đợi 8 năm trời, khi đơn vị ông về tiếp quản Thủ đô, hai ông bà mới được gặp lại nhau. Bà Trần Thị Tuyết cũng là người hiếm hoi trong lĩnh vực ngâm thơ nước ta được phong tặng danh hiệu NSND (năm 2016). Bà đến với nghề ngâm thơ từ năm 1957 và được công chúng biết tới qua chương trình “Tiếng thơ” của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Cảm xúc vẹn nguyên
Bà Lê Thị Văn sinh năm 1930 tại huyện miền núi Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Sau khi đứng vào hàng ngũ của Đảng vào năm 19 tuổi, người con gái đất Tổ quyết tâm đi bộ đội, phục vụ kháng chiến. Năm 1951, bà Văn học khóa đào tạo y tá 6 tháng, nhận nhiệm vụ cứu chữa thương binh ở chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch Thượng Lào, chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, bà Văn là 1 trong 3 nữ y tá được cử về Cục Quân y, hợp nhất với các đơn vị diễu hành trong khối Đại đội nữ quân y do bà Nguyễn Thị Ngọc Toản làm Đại đội trưởng. Bà Lê Thị Văn là Trung đội trưởng Trung đội 3.
Nhớ lại những ngày huấn luyện dưới tiết trời oi bức của Hà Nội, bà Văn kể: “Chị em tập ngày, tập đêm từng bước chân đi đều, từng động tác nghỉ nghiêm. Tập luyện vất vả, có mấy chị em ngất xỉu do trời nắng nóng nhưng ai cũng tự hào vô cùng. Đơn vị còn được Bác đến thăm”. Hôm ấy, Trung đội 3 không ra thao trường mà ở đơn vị học chính trị. “Trung đội 3 nhận thông báo có cấp trên đến thăm, động viên trước khi thực hiện nhiệm vụ diễu hành Ngày Giải phóng Thủ đô. Không ai biết là cấp trên nào, chỉ khi cánh cửa mở ra, tất cả chúng tôi sững sờ nhận ra đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh”, bà Văn nhớ lại những ngày đẹp nhất cuộc đời. Bác Hồ bước vào, ân cần hỏi các cháu có khỏe không, có được ăn no không, tập luyện thế nào... “Chúng tôi vui vô cùng, ríu rít báo cáo với Bác. Bác hỏi thế có cháu nào từ miền Nam ra tập kết không? Đơn vị báo cáo có 2 đồng chí, hai cô chạy lên ôm chầm lấy Bác khóc nức nở, chúng tôi cũng khóc theo. Bác hiền từ, hỏi rằng gặp Bác phải mừng chứ sao lại khóc. Chúng tôi miệng cười, tay quệt nước mắt, nói gặp Bác chúng cháu mừng quá nên khóc. Cảm xúc đó với tôi còn vẹn nguyên, mãi mãi không quên!”, bà Văn xúc động.
Đêm 9-10, cả đơn vị của bà Văn không ai ngủ được, chỉ thao thức không biết ngày mai không khí thế nào, đi có đều đẹp không. Ngày 10-10 lịch sử ấy, khối nữ quân y trang nghiêm đi trong niềm vui, niềm hạnh phúc của ngày bộ đội về tiếp quản Thủ đô. Bà Văn nhớ lại, mắt ánh lên niềm vui: “Suốt thời gian huấn luyện trong doanh trại, chúng tôi không được ra đường để đảm bảo an toàn. Khi đã hoàn thành nhiệm vụ, chị em mới đi tham quan, dạo phố Hàng Ngang, Hàng Đào, đi chợ Đồng Xuân…, thủ thỉ với nhau Thủ đô đẹp quá, đường rộng quá, nam nữ Thủ đô thật đẹp. Ký ức ấy như mới hôm qua!”.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ky-uc-mot-thoi-hoa-lua-post762745.html