Ký ức một thời với đầu băng cối cổ
Thời đại kỹ thuật số với những công nghệ hiện đại, mọi người thường xuyên nghe nhạc qua điện thoại, máy tính, loa bluetooth... mà dần lãng quên đi những đầu băng cối cổ đã một thời gắn bó. Thế nhưng, đâu đó vẫn có những con người đã thầm lặng lưu giữ những đầu băng cối cổ để chúng tồn tại mãi với thời gian.
Anh Phạm Quý Long (hay còn gọi là anh Tuấn Akai) sống tại quận 12, TP.HCM được nhiều người biết đến với đam mê sưu tầm băng cối cổ. Tính đến nay, anh đã có cho mình một bộ sưu tập với hàng nghìn đầu phát nhạc băng cối cổ, trong đó có những đầu băng quý hiếm, trị giá lên đến hàng tỉ đồng.
Hơn chục năm say mê âm thanh được phát ra từ những đầu băng cối cổ, anh Long xem những chiếc băng cối là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình.
Hiện tại anh Long sưu tầm nhiều đầu băng cối cổ từ nhiều thương hiệu khác nhau, nhưng thương hiệu mà anh thích nhất là Akai.
Đầu băng cối có rất nhiều giá, từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng, có máy lên đến cả tỉ đồng. Tuy nhiên, không phải giá trị cao sẽ thu hút được anh Long, anh chỉ thật sự thích và sẵn sàng mua khi máy có hình thức đẹp và tất nhiên phải còn nguyên thùng, nguyên kiện.
Khó khăn nhất của người chơi băng cối cổ là việc tìm băng đĩa và đặc biệt là băng đĩa gốc. Vì một khi ai đã sở hữu những cuốn băng gốc thì chỉ muốn giữ lại làm kỷ niệm chứ không bán.
“Để bảo quản những đầu băng cối và cả băng đĩa, người chơi phải cẩn thận, băng rất dễ bị rối, bị đứt hoặc nhiễm từ. Và khi bảo quản phải có hút ẩm, thường xuyên cấm điện để cho nó hoạt động một chút chứ đừng để quá lâu ảnh hưởng đến các mạch bên trong” - Anh Long chia sẻ.
Nguồn PLO: https://plo.vn/ky-uc-mot-thoi-voi-dau-bang-coi-co-post685210.html