Ký ức mùa Thu

Ai trong mỗi người đều giữ trong tim mình một mùa để yêu và để nhớ. Và chắc hẳn trong số bốn mùa ấy, mỗi người cũng đã cất giữ trong tim mình cả một miền hoài niệm gắn liền với những kỷ niệm ngọt ngào, khó quên thuở ấu thơ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Một mùa Thu lại chớm về trong sắc nắng, hương gió, đẹp đến ngỡ ngàng bao con đường tuần tra biên giới nơi anh đã đi qua. Cứ mỗi độ Thu về, anh lại nao nao nhớ về một thuở thanh xuân. Chàng trai trẻ tuổi xuân phơi phới, ngày nào còn bỡ ngỡ, lạ lẫm với cuộc đời quân ngũ, giờ đây đã thân thuộc, gắn bó với biên giới, biển đảo của Tổ quốc thân yêu tự bao giờ.

Em biết không? Mùa Thu ở biên giới có vẻ đẹp không nơi nào có được. Có những khoảnh khắc anh cùng đồng đội tuần tra, ngắm nhìn cánh rừng chiều trải dài mênh mang trong gió chiều man mác, lá thu xào xạc, hương hoa rừng dịu nhẹ, phảng phất mà thấy lòng bình yên đến lạ. Giây phút ấy, anh càng cảm thấy yêu, tự hào về quê hương, đất nước vô ngần. Những người lính Biên phòng như anh lại càng có thêm nhiều động lực, quyết tâm để giữ gìn, bảo vệ sự bình yên nơi biên giới.

Mùa này chắc mẹ ở quê vẫn lam lũ với ruộng đồng, em nhỉ? Tháng 8 thường bão, mưa nhiều, lại thấy thương mẹ từng đi qua những mùa chớp bể mưa nguồn. Thương mẹ vất vả tháng ba ngày tám. Mùa Thu cũng là mùa bão đã được báo trước vì quê mình là rốn bão.

Đó cũng là những ngày mưa rất dài, rất rộng. Mưa như bù lại những ngày nắng như rang, bỏng rát gió Lào. Giữa những cơn mưa, mẹ lại tất tả lo che chắn mái nhà dột vì mưa bão để các con có chỗ khô ráo, rồi lại lo đàn lợn, đàn gà không có chỗ trú mưa. Mẹ mặc áo mưa nhưng trong ướt như ngoài.

Có những đêm, mưa sầm sập, sấm chớp đì đùng. Gió to, những ngọn đèn dầu vừa thắp lên lại bị tắt. Nước từ khe cửa sổ hắt vào, nước từ trên mái ngói vỡ rơi xuống. Nhà sũng nước. Mấy anh chị em co ro ngồi một góc, tìm chỗ không ướt mà ngồi. Mấy đứa lớn thì hỗ trợ mẹ. Mẹ cứ phải che chỗ nọ, đậy chỗ kia. Cứ nhớ về những ngày tháng tuổi thơ cơ cực ấy, anh lại bùi ngùi xúc động. Bây giờ, dẫu có lớn khôn, trưởng thành, thì ký ức về những ngày tháng 8 mưa bão, với cái nghèo, đói quẩn quanh ấy vẫn còn vẹn nguyên trong anh.

Tháng 8. Anh lại nhớ đến những anh hùng thuyền chài, hay chính là những người đàn ông lam lũ của làng. Họ tất tả trở về bất kể ngày nào, giờ nào. Họ về khi cá đầy khoang hoặc nhiên liệu đã cạn. Bởi thế mà có những khi thuyền về giữa lúc cuối buối sáng hoặc chiều muộn, những người phụ nữ vội vàng gánh cá để kịp bán trong phiên chợ quê. Những bước chân xiêu vẹo nơi bến sông hay ngoài bãi biển vì gánh nặng, vì bùn trơn, vì cát choãi. Bước thấp, bước cao, họ đi như chạy cho kịp giờ bán.

Lúc ấy, mồ hôi của họ cứ chảy, chảy mãi trên những khuôn mặt đã phai nắng phai sương. Anh có cảm giác hơi thở của họ lúc đó cũng mang vị mặn mòi của gió biển, vị mặn của những toan lo đời thường.

Tháng 8. Thương em người vợ tào khang, một mình xoay sở, lo toan cả gánh nặng gia đình, chu toàn hai bên nội ngoại, lo cho con cái học hành, để người lính Biên phòng như anh yên tâm làm nhiệm vụ giữ biển trời yêu dấu.

Anh biết, những người lính làm nhiệm vụ giữa thời bình sẽ vẫn còn nhiều gian khó. Từ nơi biên cương đảo xa, hay từ những vùng biên viễn, vẫn còn những người lính nén chặt niềm riêng, ngày đêm chắc tay súng, canh giữ bình yên cho những vùng biển, vùng trời của Tổ quốc.

Và rồi, những người vợ của họ, lại một vai hai gánh, trăm nỗi lo toan, sinh con, mẹ ốm, cha đau, rồi những khi nhọc nhằn cần người san sẻ... Có lẽ vì chồng là lính đảo, nên người vợ như em cũng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Những điều tưởng giản đơn là thế, nhưng anh biết, với vợ lính thì những mong muốn ấy trở nên xa xôi lắm.

Một mùa Thu tháng 8 lại về. Mùa Thu trong anh vô cùng đặc biệt, là mùa của những sắc màu riêng, trở thành mảng ký ức thẳm sâu, xây nên những năm tháng đầy ý nghĩa của cuộc đời. Trong mùa Thu, mùa nhớ ấy có em - người mẹ, người vợ đã lặng lẽ hy sinh suốt cuộc đời, góp phần làm nên dáng hình đất nước hôm nay.

Trần Văn Thủy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ky-uc-mua-thu-post464291.html