Ký ức ngày 30/4 của cựu cán bộ An ninh T4

Nhắc về ngày 30/4 của 50 năm trước, với người cựu cán bộ An ninh T4 - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Văn Em là những cảm xúc dạt dào, khó tả được bằng lời. Bởi, ngay sau khi cùng đồng đội thực hiện thành công vụ ám sát ứng cử viên Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, ông bị bắt và bị tuyên án tử hình, đày ra 'địa ngục trần gian' Côn Đảo và bị giam giữ tại đây tới hơn 8 năm 4 tháng...

Vụ ám sát ứng cử viên tổng thống Việt Nam Cộng hòa

Những ngày tháng 4 lịch sử, trao đổi với chúng tôi, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Văn Em (sinh năm 1945, bí danh Võ Tấn Hùng, Tám Em), nguyên cán bộ trinh sát vũ trang Ban An ninh khu Sài Gòn - Gia Định (ANT4) kể chuyện với tâm trạng phấn khởi. Ông chia sẻ vừa cùng một số đồng đội “về nguồn” tại khu di tích lịch sử Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh). Chuyến đi với rất nhiều ý nghĩa và cảm xúc, nhất là trong những ngày đất nước đang chuẩn bị cho ngày hội lớn, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Anh hùng Võ Văn Em cùng đồng đội về nguồn tại Khu di tích lịch sử Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam trong những ngày tháng 4/2025.

Anh hùng Võ Văn Em cùng đồng đội về nguồn tại Khu di tích lịch sử Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam trong những ngày tháng 4/2025.

Sinh ra và lớn lên tại ấp Mũi Lớn, xã Tân An Hội - vùng “đất thép, thành đồng” Củ Chi giàu truyền thống cách mạng, khi vừa 16 tuổi, Võ Văn Em đã gia nhập lực lượng du kích xã Tân An Hội. Một điều kém may mắn là ông bị hỏng một mắt từ nhỏ (do bị bệnh đậu mùa), nhưng đặc điểm này lại là thuận lợi đặc biệt để ông trà trộn hoạt động trong ấp chiến lược.

“Tôi thuộc diện người tàn tật, được miễn đi quân dịch, nên ít bị địch để ý. Sau này, khi bị địch bắt, chúng thường gọi tôi là hung thủ độc nhãn là vì vậy”, ông bộc bạch.

Tháng 4/1962, ông được phân công giữ chức vụ Xã Đội phó du kích xã Tân An Hội. Tháng 4 đến tháng 12/1964, ông làm tiểu đội trưởng lực lượng trinh sát huyện Củ Chi. Trong thời gian này, ông trực tiếp và tham gia đánh hơn 10 trận, tiêu diệt nhiều tên địch.

Năm 1965, thấy hoạt động của ông có nhiều dấu hiệu bị lộ nên cấp trên đã chuyển ông về công tác tại Ban ANT4 - tiền thân của lực lượng Công an TP Hồ Chí Minh, ông được phân công làm Tổ trưởng Tổ Trinh sát vũ trang (B5). Chính thời gian ở lực lượng này, ông đã trực tiếp tham gia nhiều trận đánh gây tiếng vang tại địa bàn “đầu não” của chính quyền Sài Gòn.

Cho đến giờ ông vẫn nhớ như in trận đánh tiêu diệt ứng cử viên Tổng thống Trần Văn Văn (lúc đó đang là Dân biểu Quốc hội Việt Nam Cộng hòa vào ngày 7/2/1966. Khi đó, tình hình chính trị của chính quyền Sài Gòn có nhiều diễn biến phức tạp, Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ tranh giành quyền lợi và địa vị, đồng thời họ lại mâu thuẫn gay gắt với phe dân sự, đứng đầu là Trần Văn Văn.

Nhận thấy mâu thuẫn nội bộ này có hại cho việc tiến hành chiến tranh, Mỹ cho lập Hội đồng Quân dân nhằm hòa giải hai phe và cử Trần Văn Văn làm chủ tịch. Văn là một Việt gian khét tiếng, dưới thời Pháp thuộc, từng làm bộ trưởng trong chính phủ của Bảo Đại. Qua thời Mỹ, Văn hoạt động tích cực trong khối Tự do và Tiến bộ, nhóm Phục hưng miền Nam, Hội Liên trường và luôn chống lại cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của cách mạng nên được Mỹ tin cậy.

Ông Võ Văn Em phát biểu cảm tưởng tại buổi họp mặt vinh danh và chúc mừng ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Công an TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 9/2/2018.

Ông Võ Văn Em phát biểu cảm tưởng tại buổi họp mặt vinh danh và chúc mừng ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Công an TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 9/2/2018.

Thiệu - Kỳ không chấp nhận một chính khách dân sự như Trần Văn Văn ngồi bên trên phe quân sự. Đặc biệt, sau khi Văn trở thành đại biểu quốc hội lập hiến và có tin chính quyền Mỹ bấy giờ muốn đưa Trần Văn Văn ra tranh cử và làm tổng thống chính quyền Sài Gòn, khiến Thiệu - Kỳ càng lo sợ cho địa vị của mình.

Trước tình hình này, Khu ủy, Ban ANT4 đã giao lực lượng trinh sát vũ trang nội đô nhiệm vụ tiêu diệt Trần Văn Văn, làm thất bại ý đồ của Mỹ. Với trận đánh này, ông Võ Văn Em được giao nhiệm vụ thực hiện cùng trinh sát Trần Hoàng Sinh (Sáu Sinh, sinh năm 1944, quê Củ Chi) và trinh sát Võ Thành Hiệp (sinh năm 1949, quê Củ Chi).

Khoảng 7h sáng 7/12/1966, khi xe của Trần Văn Văn từ đường Phan Kế Bính quẹo vào đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), thì chạy chậm lại, ông Võ Văn Em lao xe máy ra cản đường ngay đầu xe. Xe chở Văn buộc phải khựng lại, ông và Sáu Sinh cùng cầm súng nhào tới, do ở vị trí thuận lợi hơn, Sáu Sinh xả đạn vào xe, hoàn thành nhiệm vụ.

Trước đó, trinh sát Võ Thành Hiệp chính là người đã âm thầm mang một giỏ đựng 2 khẩu súng được ngụy trang kín đáo để cho ông và Sáu Sinh sử dụng ám sát Văn. Sau đó, cũng chính trinh sát Hiệp là người được giao nhiệm vụ đứng ở một góc đường cách không xa hiện trường vụ ám sát để yểm trợ cho 2 trinh sát sau khi thực hiện vụ ám sát...

Anh hùng Võ Văn Em cùng đồng đội Trinh sát vũ trang B5, Ban ANT4.

Anh hùng Võ Văn Em cùng đồng đội Trinh sát vũ trang B5, Ban ANT4.

Về phần 2 trinh sát, sau khi cùng Sáu Sinh thực hiện vụ ám sát thành công, ông chạy xe máy chở Sáu Sinh nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Lúc này, địch đến rất đông, bắn theo, Sáu Sinh xoay mình bắn lại. Đến ngã tư Phùng Khắc Khoan - Tự Đức (nay là đường Nguyễn Văn Thủ), hai cảnh sát công lộ dùng chiếc môtô phân khối lớn đâm thẳng vào xe máy làm ông té nhào, chân và cánh tay trái bị thương. Dù vậy, ông vẫn cầm súng bắn về hướng bọn cảnh sát công lộ giúp Sáu Sinh chạy thoát. Súng hết đạn, ông bị địch bắt.

“Do đây là một vụ án được dư luận trong và ngoài nước hết sức quan tâm nên sau khi rơi vào tay địch, tôi đã bị tra tấn với nhiều hình thức rất dã man. Không khai thác được gì, ngày 9/1/1967, tòa án quân sự Mặt trận biệt khu thủ đô và Vùng 3 chiến thuật kết tôi mức án cao nhất là tử hình. Tôi cảm thấy bình thản bởi điều đó cho thấy các đồng đội của tôi vẫn an toàn, cơ sở không bị lộ”, ông kể lại.

Sau đó, vì nhiều lý do và nhất là thời điểm đó, dưới áp lực của chuyện “xử lý tử tù” giữa hai bên, ông bị đày ra Côn Đảo biệt giam ở phòng tử tù mà không bị xử bắn. Ở đây, ông luôn bị xích chân và nếm trải đủ mọi hình thức tra tấn dã man nhất ở “chuồng cọp”, “chuồng bò”, “hầm đá” của “địa ngục trần gian”. Nhưng, với ý chí kiên cường, bản lĩnh chính trị vững vàng và quyết tâm cao đấu tranh với kẻ thù đến cùng, ông giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng.

Trở về từ Côn Đảo

“Ngày 30/4/1975 với tôi không bao giờ có thể quên được, bởi với cái án tử hình, tôi nghĩ mình có thể bị xử tử bất cứ lúc nào hoặc có thể bị đánh đập, bệnh tật mà chết bất cứ lúc nào. Nhưng, vào ngày 30/4/1975, tôi cùng các bạn tù khác đang bị giam cầm trong lao tù bỗng nhận thấy có nhiều điều bất thường”, ông hồi tưởng.

Theo lời ông thì những ngày trước đó, dù lúc nào cũng bị gông cùm trong phòng tử tù nhưng các tù nhân vẫn nghe và biết được thông tin ngắn gọn về tình hình bên ngoài, khi quân ta từng bước giải phóng Đà Nẵng, Bình Định, Nha Trang, rồi tới Biên Hòa...

“Nhưng, đúng ngày 30/4/1975, chúng tôi trong phòng biệt giam tự nhiên nhận thấy tất cả các tù nhân khác bị địch lùa vào phòng giam, không cho ra ngoài lao dịch hay tắm nắng như bình thường...”, ông kể lại. Tối hôm đó, ông cùng mọi người bỗng nhiên nghe những tiếng la lớn từ các khu giam giữ khác, lúc đó ông và bạn tù nghĩ chỉ là tiếng tù nhân bị đàn áp nên kêu la nhưng không biết rõ sự việc gì... “Song, nghĩ lại và xâu chuỗi những sự việc từ sáng tới tối có nhiều dấu hiệu bất thường khiến chúng tôi bán tín bán nghi chuyện vui mừng của đất nước có thể đã tới nhưng chưa dám khẳng định”, ông chia sẻ.

Sớm hôm sau (1/5/1975), các tử tù bỗng thấy một tên giám thị đi vào khu vực phòng giam rồi vứt chùm chìa khóa vào bên trong và chạy mất. Ngay lập tức, ông cùng các bạn tù lấy chìa khóa mở cửa phòng, tự đi ra, rồi sau đó mở cho các phòng, giải tỏa cho các tù nhân khác...

Ông hào hứng kể: “Vừa đi ra phía ngoài thì chúng tôi thấy có mấy lính bảo an chạy vô nói to: Sài Gòn giải phóng rồi! Nghe thế, chúng tôi chỉ biết la hét rồi ôm nhau vui mừng... Ngay sau đó, chúng tôi phân công, liên lạc với nhau để chiếm lĩnh nhà tù, cùng săn sóc cho các tù nhân bị thương tích nặng... Đến ngày 5/5, tức là sau 8 năm 4 tháng 24 ngày bị giam cầm và tra tấn bằng mọi hình thức tại “địa ngục trần gian”, tàu của Hải quân nhân dân Việt Nam đã ra Côn Đảo đón các tù nhân về Vũng Tàu, sau đó cả đoàn được đưa từ Vũng Tàu về Sài Gòn trên một con tàu khác...”.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ông được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin yêu, tiếp tục giao cho nhiều nhiệm vụ: Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường 3, quận Bình Thạnh; Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh; sau đó là Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản - Vissan (đơn vị thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn). Dù ở vị trí nào, người trinh sát ANT4 năm xưa vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ tháng 4/2006, ông nghỉ hưu và sinh sống cùng gia đình ở quận Bình Thạnh.

Vợ chồng ông có 2 người con, một trai, một gái và vợ ông cũng là một cựu tù Côn Đảo... Chia sẻ câu chuyện của mình với chúng tôi, người trinh sát nay đã gần 60 năm tuổi Đảng, đúng 80 năm tuổi đời bộc bạch rằng, bản thân được sống đến thời khắc lịch sử 30/4/1975 đã là sự may mắn hơn rất nhiều đồng đội, đồng chí. Hơn nữa, khi đã hoàn thành công việc của thời bình, vào ngày 26/1/2018, ông đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Phú Lữ

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/ky-uc-ngay-30-4-cua-cuu-can-bo-an-ninh-t4-i767155/