Ký ức ngày 30/4 lịch sử - Bài 1: Cuộc đấu 'cân não' giữ cầu Rạch Chiếc

Cách đây tròn nửa thế kỷ, Đại thắng mùa Xuân 1975 đã chính thức chấm dứt cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đánh tan lực lượng Ngụy quyền, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong chiến thắng ấy có những trận chiến ác liệt, nhiều người đã ngã xuống ngay ở cửa ngõ Sài Gòn, chỉ vài giờ trước thời khắc giải phóng. Gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng ký ức về chiến thắng 30/4/1975 lịch sử vẫn vẹn nguyên trong tim những người bước ra từ cuộc chiến, có mặt tại đầu não của địch.

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), phóng viên TTXVN thực hiện chùm 3 bài viết với chủ đề “Ký ức ngày 30/4 lịch sử”, ghi lại những câu chuyện, dấu ấn đặc biệt trong những ngày cuối tháng 4/1975 qua lăng kính của những người trong cuộc, trực tiếp tham gia vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Bài 1: Cuộc đấu “cân não” giữ cầu Rạch Chiếc

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn, cầu Rạch Chiếc (nay thuộc thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) đóng vai trò quan trọng là cửa ngõ then chốt phía Đông Sài Gòn. Các chiến sỹ thuộc Lữ đoàn 316 Đặc công - Biệt động đã chiến đấu kiên cường để giành quyền kiểm soát và bảo vệ cây cầu huyết mạch, đón đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. Trong trận giằng co ác liệt, nhiều chiến sỹ anh dũng hy sinh, để lại một giai thoại hào hùng của mùa Xuân lịch sử.

Dốc toàn lực đánh chiếm mục tiêu

Cầu Rạch Chiếc ở cửa ngõ phía Đông Sài Gòn có vai trò huyết mạch tiến về trung tâm Sài Gòn. Chiếm giữ được cây cầu này sẽ tạo thuận lợi cho quân ta mở cửa áp sát thủ phủ của địch; đồng thời chọc thủng khu vực phòng thủ vòng ngoài của chúng. Xác định rõ tầm quan trọng của cầu Rạch Chiếc, chính quyền Sài Gòn khi đó đã tăng cường hàng nghìn quân lính phòng thủ cùng nhiều vũ khí hiện đại để giữ cầu, thậm chí sẵn sàng đánh sập cầu để ngăn quân ta tiến vào Sài Gòn.

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang), nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316 Đặc công - Biệt động (hiện ở tại hẻm đường Xô Viết - Nghệ Tĩnh, Phường 25, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) dù đã ở tuổi 97 nhưng vẫn nhớ rõ từng chi tiết về những năm tháng chiến đấu giải phóng đất nước; đặc biệt là trận đánh lịch sử bảo vệ cầu Rạch Chiếc mà Lữ đoàn 316 do ông chỉ huy trực tiếp tham gia cách đây 50 năm.

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang, sinh năm 1928 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316 Đặc công - Biệt động kể lại trận đánh tại cầu Rạch Chiếc. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang, sinh năm 1928 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316 Đặc công - Biệt động kể lại trận đánh tại cầu Rạch Chiếc. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN

Đại tá Nguyễn Văn Tàu hồi tưởng, Lữ đoàn 316 là Lữ đoàn Đặc công - Biệt động được Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập vào đầu năm 1974 nhằm gấp rút chuẩn bị cho những trận đánh có tính chất quyết định trong Chiến dịch Giải phóng Sài Gòn - Gia Định (sau này gọi là Chiến dịch Hồ Chí Minh). Tháng 4/1975, sau khi thất bại tại Xuân Lộc, quân địch co cụm về Sài Gòn tử thủ. Ở thời điểm này, hàng chục cây cầu trên các sông, rạch bao quanh Sài Gòn trở thành mục tiêu tác chiến quan trọng, trong đó ở hướng Đông trên đoạn Quốc lộ 1 tiến vào nội đô là cầu Rạch Chiếc và cầu Sài Gòn.

Trước tình hình trên, để chiếm được cầu Rạch Chiếc bằng mọi giá, tất cả đơn vị Z23, Z22 (Đại đội Đặc công nước) và Tiểu đoàn 81 (D81, Đặc công khô) thuộc Lữ đoàn 316 đều tham gia. Sau khi trinh sát, các đơn vị đã thống nhất ngày 26/4/1975 sẽ bắt đầu đánh chiếm cầu. Trước đó, tối 25/4, các đơn vị tập hợp, bàn bạc thống nhất chọn phương án đánh cường tập, dùng B40 - B41 tiêu diệt các hỏa điểm chủ yếu của địch.

Đúng 17 giờ ngày 26/4, Đại úy Trần Kim Thinh, Phó Tham mưu trưởng Z23, Phó Chỉ huy đơn vị đánh cầu Rạch Chiếc hạ lệnh chiến đấu. D81 được phân đánh chiếm giữ đầu cầu phía Nam (hướng Sài Gòn ra), Z22 - Z23 đánh đầu cầu phía Bắc (hướng Thủ Đức vào); một tổ khác chiếm ngã ba đường gần Nhà máy xi măng Hà Tiên đánh chặn địch phản kích.

Đến 19 giờ ngày 26/4, các đơn vị chiến đấu tiếp cận được cầu Rạch Chiếc. Nhờ có kênh rạch lại có dừa nước che khuất nên việc tiếp cận diễn ra nhanh chóng. Đến “giờ G” là 3 giờ 15 phút ngày 27/4/1975, các mũi tập kích đồng loạt nổ súng, thủ pháo, ném lựu đạn vào các lô cốt, công sự của địch. Bị tấn công bất ngờ, dồn dập, địch không kịp phản ứng nên nhanh chóng tháo chạy; quân ta bắt sống được 7 tên địch. Trận đánh ban đầu diễn ra nhanh chóng, thuận lợi. Quân ta làm chủ được trận địa. Sau đó để có thể bảo vệ được cây cầu, ngăn không cho địch phá, chờ cho đến khi Quân giải phóng đến, đơn vị chủ công Z23 chỉ với hơn 70 chiến sỹ phải đánh giằng co với địch, bảo vệ cầu trong suốt 3 ngày. Nhiều chiến sỹ đã anh dũng hy sinh. Đến sáng 30/4, khi các đơn vị của Quân giải phóng vượt qua cầu tiến vào Sài Gòn, Lữ đoàn 316 mới hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ cầu Rạch Chiếc.

Đại tá Nguyễn Văn Tàu đọc lại cuốn hồi ký về những năm tháng chiến đấu vinh quang giành độc lập cho đất nước. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN

Đại tá Nguyễn Văn Tàu đọc lại cuốn hồi ký về những năm tháng chiến đấu vinh quang giành độc lập cho đất nước. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN

Đại tá Nguyễn Văn Tàu nhớ lại: "Thời điểm đơn vị của tôi đang chiến đấu bảo vệ cầu Rạch Chiếc, ở hướng thị trấn Long Thành (tỉnh Đồng Nai), cánh Quân đoàn II được Lữ đoàn 203 xe tăng mở đường đang tiến lên dũng mãnh từ hướng Đông Nam để vào Sài Gòn. Quân địch khi rút chạy đã phá sập cầu Sông Buông, cây cầu nằm giữa Long Thành và ngã ba Long Bình. Dù cây cầu chỉ dài chừng 10m nhưng lòng sông sâu, xe tăng không qua được nên lực lượng phải đợi công binh sửa gấp mất mấy ngày. Do đó, trong trận đánh bảo vệ cầu Rạch Chiếc, cán bộ, chiến sỹ đơn vị Z23 suốt 3 ngày đêm không rời trận địa quyết tử chiến đấu với kẻ thù để chờ đón đại quân của ta vào giải phóng Sài Gòn, khiến 52 đồng chí hy sinh".

Quyết tử đến giây phút cuối cùng

Trong trận đánh cầu Rạch Chiếc, Trung úy Nguyễn Đức Thọ, nguyên Đặc công nước thuộc đơn vị Z23 được phân công giữ khẩu B40 và là người bắn phát B40 đầu tiên tiêu diệt tháp canh của quân địch. Đây cũng chính là phát súng hiệu lệnh chung cho toàn trận đánh.

Trung úy Nguyễn Đức Thọ tưởng nhớ các đồng đội đã ngã xuống trong trận đánh cầu Rạch Chiếc. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN

Trung úy Nguyễn Đức Thọ tưởng nhớ các đồng đội đã ngã xuống trong trận đánh cầu Rạch Chiếc. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN

Trung úy Nguyễn Đức Thọ nhớ lại: “Khi giờ G tới, tôi được phân công bắn phát B40 đầu tiên tiêu diệt tháp canh. Tuy nhiên, tôi lại bắn hụt mục tiêu. Ngay lúc đó, Thượng sĩ Trần Đình Lạc bên cạnh hô "Bắn tiếp Thọ ơi". Tôi đứng thẳng dậy, bắn tiếp quả thứ hai làm một góc tháp canh sụp đổ, đại liên im bặt. Lúc này, các mũi tấn công của quân ta đồng loạt dùng thủ pháo, lựu đạn ném vào lô cốt công sự khiến đối phương bất ngờ, bỏ chạy”.

Tuy nhiên, sau khi quân ta vừa đánh chiếm được cầu Rạch Chiếc vào sáng sớm 27/4/1975, đến 8 giờ cùng ngày, địch dùng trực thăng đổ quân vòng ngoài, kết hợp xe tăng, tàu chiến phản công để chiếm lại cầu. Sau nhiều lần tấn công không thành, chúng chuyển sang dùng pháo chụp có đạn nổ từ trên không thành nhiều mảnh đạn chụp xuống, gây rất nhiều thương vong cho quân ta. “Càng về chiều, cuộc chiến càng ác liệt, rất nhiều chiến sỹ hy sinh, vũ khí cạn kiệt. Thấy không còn khả năng bám giữ, các đơn vị quân ta được lệnh rút quân; quân địch tạm giành lại quyền kiểm soát cây cầu”, Trung úy Nguyễn Đức Thọ kể lại.

Với quyết tâm đánh chiếm và bảo vệ cầu Rạch Chiếc, hai đơn vị Z22 và Z23 chỉ còn 29 chiến sỹ đã tập hợp, củng cố lực lượng và vũ khí, tiếp tục kiên cường chiến đấu. Đến 5 giờ ngày 30/4/1975, toàn bộ đơn vị đồng loạt nổ súng, tiếng thủ pháo, lựu đạn nổ rền. Quân ta nhanh chóng từ dưới nước ngoi lên bám sát chân cầu nổ súng quyết liệt; quân địch tháo chạy toán loạn.

Khoảng 7 giờ cùng ngày, xe tăng Quân đoàn 2 có cắm cờ giải phóng tiến đến cầu Rạch Chiếc, mọi người ùa ra reo mừng. Lúc này, Lữ đoàn 316 mới thật sự hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ cầu Rạch Chiếc. Nhìn từng đoàn quân hùng mạnh rầm rập tiến về Sài Gòn, các chiến sỹ Lữ đoàn 316 hò reo trong nước mắt: “Giải phóng rồi! Giải phóng rồi các đồng chí ơi!”.

Trung úy Nguyễn Đức Thọ thắp hương tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống trong trận đánh cầu Rạch Chiếc. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN

Trung úy Nguyễn Đức Thọ thắp hương tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống trong trận đánh cầu Rạch Chiếc. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN

Trung úy Nguyễn Đức Thọ kể với giọng rưng rưng: “Tôi nhớ bản thân mình cũng đứng giữa lòng sông la lớn "Giải phóng rồi! Giải phóng rồi các đồng chí ơi!". Tim tôi như thắt lại, nước mắt cứ trào ra. Bao đồng đội của tôi đã nằm lại dưới dòng sông, gốc dừa, bụi cỏ này trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc. Các anh có nghe thấy gì không? Giải phóng rồi các anh ơi. Chắc các anh cũng mừng lắm, các anh đang tụ tập bên nhau để mừng chiến thắng phải không? Cố nén để tiếng khóc không bật ra, tôi ghì chặt khẩu súng vào lòng như đang ôm thật chặt các anh”.

Trận đánh cầu Rạch Chiếc đã đi vào lịch sử và là trận đánh quyết liệt cuối cùng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chỉ với 200 chiến sỹ đặc công, trong đó đơn vị chủ công Z23 chỉ có 70 chiến sỹ trang bị vũ khí hạng nhẹ (như tiểu liên AK, súng B40, B41, thủ pháo, lựu đạn) phải đánh giằng co với hơn 2.000 quân địch trong 3 ngày, chiếm giữ và bảo vệ an toàn cây cầu huyết mạch, mở thông cánh cửa phía Đông đón đại quân ta tiến vào chiếm lĩnh đầu não của địch - Dinh Độc Lập.

Chiến tranh đã lùi xa 50 năm, khu vực cầu Rạch Chiếc giờ đã có những đổi thay lớn. Cây cầu Rạch Chiếc trước đây cũng đã được thay mới bằng cầu bê tông hiện đại gồm 3 nhánh cầu riêng biệt với 10 làn xe chạy, trở thành “nhịp cầu nối những bờ vui” trên tuyến giao thông huyết mạch nối TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Trung... Ngay sát bên là tuyến đường sắt Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng - một biểu tượng mới cho sự phát triển, đổi thay của Thành phố mang tên Bác.

Bài 2: Thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn

Hồng Giang - Thu Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/ky-uc-ngay-304-lich-su-bai-1-cuoc-dau-can-nao-giu-cau-rach-chiec-20250424082912762.htm