Vang mãi hào khí mùa xuân 1975
Chiến thắng 30-4-1975 là sự khẳng định với toàn thế giới về ý chí, nghị lực, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đấu tranh vì độc lập, tự do, thống nhất non sông. Chiến thắng cũng chứng minh tinh thần bất khuất, tự lực, tự cường, bền bỉ, hào hùng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc chống giặc ngoại xâm.
Năm tháng trôi qua, nhưng khoảnh khắc đại thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử chưa bao giờ nằm yên trong quá khứ. Đó là ngày hội thiêng liêng của toàn dân tộc, ngày chứng kiến niềm khát vọng thống nhất trở thành hiện thực của triệu triệu trái tim người Việt.

Ký ức mùa xuân lịch sử năm 1975 vẫn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Lê Lý Trịnh (đứng giữa, hàng đầu tiên) ở phường Long Thủy, thị xã Phước Long và đồng đội của mình - Ảnh: Trương Hiện
Khoảnh khắc không quên
“Đối với tôi, mùa xuân năm 1975 sống mãi trong ký ức với những hình ảnh không bao giờ quên. Ngày 30-4-1975 - thời khắc lịch sử đã đưa đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất” - Đại tá Trần Quang Triệu, nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 4, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 165 khẳng định.
Đại tá Trần Quang Triệu nhấn mạnh: Sau những ngày gian khổ kháng chiến trường kỳ, hai miền Nam - Bắc sum họp trong khí thế của mùa xuân đại thắng. Tiếng cười reo vui xen lẫn những giọt nước mắt hạnh phúc khi quân giải phóng tiến vào giải phóng Sài Gòn, cờ hoa rực rỡ khắp nẻo đường. Đại thắng mùa xuân 1975 là sự kiện trọng đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, không những khẳng định bản lĩnh và trí tuệ, sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam mà còn là minh chứng cho phương pháp lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, hiệu quả của Đảng.
“Đến hôm nay, tôi vẫn như thấy trước mắt quang cảnh ngày hôm ấy - ngày 30-4-1975 lịch sử. Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước đọng lại mãi trong tâm trí tôi, không bao giờ phai nhạt. Đó là ngày hội niềm vui, chiến thắng” - cựu chiến binh Lê Lý Trịnh ở phường Long Thủy, thị xã Phước Long xúc động khi nhắc đến mùa xuân 1975 lịch sử.
Niềm tự hào chiến thắng 30-4 và những truyền thống, bài học quý báu đúc kết từ lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha, của đồng chí, đồng đội vẫn còn mãi trong tâm trí ông Trịnh. “Khi thấy cờ Tổ quốc tung bay, hay khi xem lại những thước phim thời chiến, tôi rất bồi hồi. Vì hòa bình của đất nước, nhiều người con đã ngã xuống. Những người ở lại như chúng tôi phải có trách nhiệm tuyên truyền cho thế hệ trẻ hiểu về lịch sử, về những hy sinh của thế hệ đi trước để các cháu cố gắng học tập, lao động, nỗ lực trong cuộc sống hôm nay” - ông Trịnh bày tỏ.
Còn với bà Nguyễn Thị Lũy ở phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long, những năm tháng hòa bình mỗi khi có ai gợi lại ký ức về ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà lại dâng trào cảm xúc. Bởi bà là một trong những nữ quân y đã cùng đồng đội của mình có một quá khứ vẻ vang, đầy tự hào. Và hơn ai hết, bà hiểu rõ về những đổi thay đang hiện hữu trên mảnh đất này. Bà Lũy chia sẻ: Những ngày mới giải phóng, cuộc sống rất khó khăn, nhưng hôm nay đời sống nhân dân Bình Long nói riêng và Bình Phước nói chung thay đổi rất lớn. Địa phương đã có sự “thay da, đổi thịt” vươn lên phát triển mạnh mẽ.
Mùa xuân của đất nước
Chiến tranh đã lùi xa, chiến trường đã trở thành huyền thoại, những mảnh đất bị bom đạn cày xới giờ đây đã căng tràn sức sống. Nhưng trong ký ức của những người chứng kiến thời khắc 30-4-1975, sự kiện lịch sử ấy luôn in sâu trong tâm trí.
Bà Trần Thị Minh Cúc ở phường Long Thủy, thị xã Phước Long bộc bạch: Niềm vui lớn đến quá bất ngờ. Lúc ấy cùng với cả nước, không khí giải phóng lan tỏa rộng khắp, người dân tràn ra đường vỡ òa trong niềm tự hào và xúc động khi những hy sinh của bao chiến sĩ cuối cùng đã làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc.
“Năm 1975, lúc đó tôi 20 tuổi, cuộc sống rất khó khăn, thiếu thốn. Và đất nước hoàn toàn giải phóng, chúng tôi rất phấn khởi, từ đây nhà nhà được học hành, được tạo điều kiện để phát triển kinh tế. Cuộc sống hôm nay đã hoàn toàn thay đổi, phát triển hơn nhiều” - bà Trần Thị Nhi ở phường Thác Mơ, thị xã Phước Long chia sẻ.

Ngày 30-4-1975 là sự kiện lịch sử vĩ đại, là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam cũng như bà Trần Thị Minh Cúc (bìa phải) ở phường Long Thủy, thị xã Phước Long và đồng đội của mình - Ảnh: Trương Hiện
Bà Trần Thị Hạ ở phường Thác Mơ bồi hồi: Năm 1975, tôi 17 tuổi. Thời điểm ấy mọi thứ đều thiếu thốn, nhưng lại làm cho mỗi người dân nhớ mãi bởi quê hương, đất nước đã được giải phóng. Chiến thắng 30-4 sống mãi trong ký ức tôi.

Thời khắc lịch sử 30-4-1975 thống nhất đất nước khắc sâu trong tâm khảm của bà Trần Thị Nhi và bà Trần Thị Hạ ở phường Thác Mơ, thị xã Phước Long
Sức mạnh của chiến thắng 30-4 đang tiếp tục cổ vũ, lan tỏa để nhân dân vượt qua mọi thử thách, chinh phục những đỉnh cao mới trên con đường hội nhập và phát triển. Phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, Bình Phước đang từng bước phát triển vững chắc, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh được khai thác, phát huy hiệu quả. Sau hơn 28 năm tái lập tỉnh, Bình Phước tiếp tục vận dụng có hiệu quả bài học về đoàn kết toàn dân tộc, ý chí và tinh thần quyết thắng vượt qua mọi khó khăn, vươn lên đạt được những kết quả quan trọng.
“Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bình Phước cùng cả nước bước vào giai đoạn khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Từ một nơi từng là chiến trường ác liệt, xuất phát điểm về kinh tế - xã hội thấp, hiện Bình Phước đã trở thành tỉnh phát triển năng động của miền Đông Nam Bộ. Với truyền thống quê hương anh hùng, ý chí tự lực, tự cường, vươn lên trong gian khó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước đã có bước phát triển về mọi mặt, quy mô nền kinh tế tăng 92 lần so với thời kỳ tái lập tỉnh”.
Chủ tịch nước LƯƠNG CƯỜNG
30-4-1975, ngày đất nước thống nhất, không chỉ là niềm vui mà còn là cột mốc nhắc nhớ về những hy sinh của ông cha ta để giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc, đất nước. Ý nghĩa lịch sử và những bài học kinh nghiệm từ chiến thắng 30-4-1975 vẫn còn nguyên giá trị, mang tính dân tộc và thời đại sâu sắc. Thế hệ đang sống trong độc lập, thống nhất hôm nay luôn ghi nhớ thành quả có được phải đổi bằng nước mắt, máu xương của những người con đã ngã xuống, để từ đó trong mỗi việc làm, ở vị trí, vai trò nào cũng nỗ lực làm tốt và quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước ngày thêm giàu mạnh.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng giúp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đúc kết những bài học kinh nghiệm quý báu, đó là: (1) Kiên định quyết tâm, quyết đánh, quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược; (2) Đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ; (3) Nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân sáng tạo; (4) Tổ chức lực lượng cả nước đánh giặc; (5) Căn cứ địa cách mạng, hậu phương kháng chiến vững chắc; (6) Đoàn kết, liên minh với nhân dân Lào, nhân dân Campuchia; (7) Đoàn kết quốc tế, phát huy sức mạnh của thời đại; (8) Bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người.
(Nguồn: Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương)


Nhữngtrục đường của tỉnh và cácđịa phương được trang trí cờ, hoa chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025)
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/172171/vang-mai-hao-khi-mua-xuan-1975