Ký ức ngày tiếp quản Thủ đô của các chứng nhân lịch sử
Đã 68 năm trôi qua, nhưng hình ảnh về đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô vẫn vẹn nguyên trong ký ức của những cựu tù chính trị Hỏa Lò dù nay họ đã đều ở độ tuổi 90, thậm chí có người tuổi đã ngoài 100 .
Những ngày tháng không quên
Vừa qua, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tổ chức trưng bày chuyên đề “Khúc ca khải hoàn”, tái hiện chặng đường chiến đấu oanh liệt của quân và dân Hà Nội trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp gian khổ, đồng thời gợi nhớ hình ảnh đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô với biết bao cảm xúc. Buổi lễ khai mạc có sự góp mặt của những nhân chứng lịch sử, những cựu tù chính trị đã từng bị bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Những người lính năm xưa nay đã ở độ tuổi 90 - 100, bước chân đi đã chậm chạp, nhưng khi được hỏi về cảm xúc trong ngày giải phóng Thủ đô, tất cả đều rất phấn chấn, xúc động.
Nhiều giọt nước mắt đã lặng lẽ rơi khi nhớ lại một thời chiến đấu sôi nổi, cống hiến cho cách mạng, chịu biết bao hình thức tra tấn dã man, tàn bạo và cả những ngậm ngùi khi nhiều đồng đội đã mãi mãi nằm lại nơi địa ngục trần gian. Đặc biệt, với những cựu tù Hỏa Lò, ngày giải phóng Thủ đô đã đánh dấu mốc cho cuộc đấu tranh cách mạng thành công. Sự hy sinh, gian khổ của những người lính đã được đền đáp xứng đáng. Sau Hiệp định Geneva, chỉ 2 tuần sau đó, những người tù Hỏa Lò đã được trao trả tự do trước khi bộ đội ta vào tiếp quản Thủ đô. Họ bước đi trên những con phố Hà Nội mà ngỡ như đang trên mây, bước chân ngập ngừng muốn ngã vì hạnh phúc và xúc động.
Ðại tá Dương Niết năm nay đã gần 90 tuổi. 68 năm trước, ông chính là người tham gia tiếp quản Thủ đô khi là chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca, Trung đoàn 102, Ðại đoàn 308. Tiểu đoàn Bình Ca được giao nhiệm vụ đặc biệt, vào trước các vị trí Pháp đóng quân ở Hà Nội để bảo vệ nhân dân, chống địch phá hoại, bảo đảm cơ sở hạ tầng của thành phố để khi bộ đội chính quy vào tiếp quản được toàn vẹn.
Bên cạnh đó là không để địch cưỡng bức dân chúng di cư trước khi rút khỏi Hà Nội. Ngày 7-10-1954, Đại tá Dương Niết nằm trong số 214 cán bộ, chiến sĩ được đơn vị lựa chọn vào thành phố đợt đầu. Ông nhớ lại, theo kết quả đàm phán với ta tại Hội nghị quân sự Trung Giã, Pháp sẽ đón bộ đội Việt Nam tại cầu Đuống. Sáng 8-10-1954, đúng 8 giờ, những chiến sĩ của Tiểu đoàn Bình Ca đã có mặt ở phía Bắc cầu Đuống. Đứng chờ khoảng 15 phút, một hạ sĩ quan Pháp ra mời bộ đội Việt Nam vào và tổ chức lễ đón chính thức trên cầu Đuống.
Sau lễ đón, 30 chiếc xe GMC của Pháp đưa các chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca vào Hà Nội. Trời hôm đó lất phất mưa bay, lấy lý do đó, một viên sĩ quan Pháp yêu cầu các xe phủ kín bạt, mục đích là để dân không nhìn thấy bộ đội trên xe. Nhưng một số anh em ngồi trên đầu xe vén bạt nhô người ra, khi đoàn về đến Gia Lâm, người dân ùa ra đường hoan hô rất đông. Viên sĩ quan Pháp tỏ ra khó chịu và cho xe chạy nhanh hơn.
Xe vào đến Hà Nội thì về thẳng trụ sở Ban Liên hiệp đình chiến, đóng ở Nhà thương Bến Thủy (Bệnh viện Trung ương quân đội 108 bây giờ). Tại đây, đoàn được chia làm 35 tổ, mỗi tổ từ 3 - 5 người sẽ di chuyển về 35 vị trí có quân Pháp đóng. Đây là những vị trí quan trọng do Pháp đã chiếm giữ ngay từ khi chúng đặt chân đến Hà Nội như: Phủ toàn quyền, Tòa thị chính, Tòa án tối cao, Sở Cảnh sát Bắc Việt, nhà máy điện, nhà máy nước, nhà máy đèn Bờ Hồ, ga Hàng Cỏ, nhà tù Hỏa Lò, Bệnh viện Bạch Mai…
Đại tá Dương Niết là Tổ trưởng tổ 3 người tiếp quản Sở Cảnh sát Bắc Việt ở số 89 đường Trần Hưng Đạo (nay là trụ sở Công an thành phố Hà Nội). “Khi tới Sở Cảnh sát Bắc Việt, chúng tôi thấy địch căng một khẩu hiệu rất to trên lan can tầng 2 với dòng chữ: “Đi vào Nam hay ở lại để đi vào trại của Lý Bá Sơ?” (đồng chí Lý Bá Sơ là giám đốc trại tạm giam của ta). Đây là một thủ đoạn thúc ép dân di cư. Nhưng khi thấy chúng tôi trao đổi với nhau là không thể để như thế được thì chúng đã phải cho gỡ xuống” - Đại tá Dương Niết nói.
Không khí Hà Nội trước ngày bộ đội ta về tiếp quản khá im ắng. Nhưng đến ngày 9-10, khi những tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên thì cả Hà Nội như bừng tỉnh với rợp cờ hoa. Dù chính quyền thành phố chưa thành lập, nhưng người dân biết tin đã tự bảo nhau may cờ, khẩu hiệu. Đêm 9-10, người dân còn làm cổng chào, căng khẩu hiệu chuẩn bị cho ngày 10-10 đón đoàn quân chiến thắng.
Nhớ lại không khí của ngày ấy, Đại tá Dương Niết bồi xúc động: “Chúng tôi trở về được người dân đón tiếp rất nồng hậu. Ai cũng cảm nhận rất rõ trong không khí ấy là những cảm xúc khao khát hòa bình, tự do, niềm vui vô bờ bến. 68 năm trôi qua, cứ đến ngày này, nhất là khi được xem những hình ảnh tái hiện chặng đường chiến đấu oanh liệt của quân và dân Hà Nội, tôi như được sống lại năm tháng hào hùng đó. Tôi mong rằng, nhân dân Thủ đô tiếp nối truyền thống đáng tự hào năm xưa để xây dựng thành phố ngày một giàu đẹp hơn”.
Xây dựng “Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”
Cựu tù chính trị Hỏa Lò Đỗ Đăng Long năm nay tuy đã 95 tuổi, nhưng ông vẫn không quên không khí náo nức, hồ hởi của người dân Hà Nội trong ngày 10-10-1954. “Ngày đó toàn dân Hà Nội đều chuẩn bị cờ hoa chờ đón đoàn quân giải phóng mọt cách đầy sung sướng. Tôi vừa là người tiếp đón đoàn quân, vừa là người tham gia đóng góp cho công cuộc giải phóng Thủ đô. Nghĩ lại những năm tháng ấy mà cảm thấy hạnh phúc vì những cống hiến của mình cho cách mạng đã đến được bến bờ chiến thắng”.
Ông Đỗ Đăng Long bị giam cầm tại nhà tù Hỏa Lò và bị Sở mật thám tra tấn dã man trong 28 ngày nhưng kiên quyết không khai một điều gì. Sau thời gian bị giam cầm, ông được trả tự do. Thành ủy Hà Nội muốn điều ông ra vùng tự do nhưng ông xin ở lại Hà Nội cho đến ngày giải phóng Thủ đô. Thời gian này, ông cùng quân dân Hà Nội bảo vệ nhà máy điện Yên Phụ, không cho quân Pháp đem thiết bị và than ra khỏi Thủ đô, đảm bảo chiếu sáng cho thành phố. “Hà Nội từ một vùng tạm chiến thành vùng tự do. Người dân được tự do đi lại, cờ hoa rực rỡ đón chào đoàn quân chiến thắng trở về, niềm vui không gì tả xiết. Với những người ở lại Thủ đô như tôi, ngày giải phóng mang lại nhiều cảm xúc đặc biệt” - ông Đỗ Đăng Long chia sẻ.
Với bà Đỗ Thị Hải, ngày giải phóng Thủ đô là một dịp để bà kể cho con cháu nghe về những ngày hoạt động cách mạng của chồng mình - ông Lê Văn Ba (tên thật là Trần Khắc Cần) - một học sinh kháng chiến Hà Nội bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò năm 1952-1953. Được có mặt tại buổi lễ khai mạc “Khúc ca khải hoàn”, bà Đỗ Thị Hải rất xúc động. Bà nói: “Hôm nay tôi được vào nhà tù Hỏa Lò, nhìn thấy hình ảnh, sự đóng góp của chồng ở đây, tôi rất vui. Nhưng trong cái vui ấy không thể tránh khỏi niềm thương nhớ. Hôm nay, tôi mang theo cả đứa cháu đích tôn đến đây để cháu hiểu thêm về các việc ông cùng đồng chí, đồng đội đã làm trong ngục tù. Qua lần đi xem triển lãm này, tôi muốn cháu thấy được trách nhiệm của mình với gia đình, xã hội”.
Hình ảnh đoàn quân tiến qua các cửa ô về tiếp quản Thủ đô luôn đẹp mãi trong tâm khảm người Hà Nội. Đó còn là biểu tượng của chiến thắng, khát vọng hòa bình và dựng xây Thủ đô tươi đẹp. Trong lễ mít tinh trọng thể diễn ra ngày 10-10-1954, hàng chục vạn nhân dân Hà Nội đã được nghe Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Trong Lời kêu gọi ấy, Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước.
Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Bác cũng khẳng định: “Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.
Thực hiện lời dạy của Bác, trong 68 năm qua, từ một đô thị có quy mô dân số khoảng 43,7 vạn người, chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh, đến nay Hà Nội có quy mô dân số hơn 8 triệu người và không ngừng phát triển. Công cuộc đổi mới ở Hà Nội đã thu được những thắng lợi quan trọng. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dần được hình thành. Kinh tế Thủ đô liên tục đạt nhịp độ tăng trưởng cao. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao.
Vai trò, vị thế của Hà Nội ngày càng được khẳng định, có quan hệ ngoại giao với hơn 100 thành phố, thủ đô các nước trên thế giới, xứng đáng là trái tim của cả nước, đầu mối giao thương lớn của khu vực và thế giới. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đang tiếp tục là đầu tàu trong các phong trào thi đua, đóng góp to lớn vào thành tựu có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, tạo nên cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế chưa từng có của đất nước, xứng đáng là một “Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh” như Bác Hồ hằng mong muốn.
“Sau Hiệp định Geneva, tôi và nhiều anh em ở nhà tù Hỏa Lò được Pháp đưa ra trao đổi tù binh. Sau khi ra khỏi nhà tù của thực dân Pháp, tôi đã tìm cách liên lạc ngay với các đồng chí lãnh đạo của cơ sở ta và được giao nhiệm vụ vận động ngụy quân, ngụy quyền đưa ra vùng tự do, tổ chức các buổi nói chuyện trong chợ Đồng Xuân về việc chống âm mưu dụ dỗ di cư của địch vào Sài Gòn. Gần 2 năm sống trong nhà tù của địch, trải qua biết bao trận đòn tra tấn vô cùng tàn bạo, với mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, hành vi dã man, đê tiện nhất của kẻ thù là chúng đã hãm hại cả vợ chưa cưới của tôi. Mặc dù phải đối mặt với cái chết, trải qua những trận tra tấn vô cùng khắc nghiệt, danh dự, tình yêu bị chà đạp, nhưng tinh thần tôi vẫn không dao động. Tôi vẫn giữ vững niềm tin, trung kiên, bất khuất, trọn vẹn phẩm chất của người cán bộ thủy chung với sự nghiệp kháng chiến của Đảng và dân tộc, bảo vệ các cơ sở kháng chiến và đồng chí của mình. Đảng và Bác Hồ đã đưa đường, chỉ lối, giáo dục tôi từ một đứa trẻ mồ côi, bụi đời thành một người sớm có nhận thức về nhân cách, chính trị, biết căm thù giặc sâu sắc, biết yêu thương đồng bào, đồng chí, thủy chung với sự nghiệp cách mạng của Đảng”.
Đạo diễn Hoàng Quang Tạo - nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, cựu tù chính trị tại nhà tù Hòa Lò
Trưng bày “Khúc ca khải hoàn” tái hiện chặng đường chiến đấu oanh liệt của quân và dân Thủ đô
Ban Quản lý Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò đã ra mắt trưng bày “Khúc ca khải hoàn”. Đây là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 / 10-10-2022). Trưng bày được thể hiện qua 3 nội dung: Bền bỉ kháng chiến; Ngày về chiến thắng; Hà Nội của ta.
Nội dung “Bền bỉ kháng chiến” giới thiệu những hình ảnh, tư liệu về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Nhân dân từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Nội dung “Ngày về chiến thắng” là hình ảnh về thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, đánh dấu mốc son lịch sử, buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneva và rút quân ra khỏi miền Bắc Việt Nam. Trước khi rút khỏi Thủ đô, thực dân Pháp tìm mọi cách phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa, lôi kéo đồng bào di cư vào Nam, trì hoãn việc trao trả tù binh. Nhưng tất cả đều thất bại trước lòng yêu nước, khát khao tự do của nhân dân. Lực lượng tự vệ, công nhân với thái độ kiên quyết, đúng mực, có lý lẽ đã ngăn chặn hiệu quả sự phá hoại, lôi kéo của địch. Lực lượng tiếp quản đã đảm bảo giữ vững cơ sở vật chất, phối hợp với các đoàn thể vận động nhân dân Hà thành chuẩn bị cho ngày giải phóng.
Nội dung “Hà Nội của ta” là những hình ảnh sau ngày giải phóng, nhân dân Hà Nội tiếp tục vượt qua khó khăn để tạo dựng cuộc sống mới. Vừa dựng xây Thủ đô, vừa kháng chiến chống Mỹ, người Hà Nội vẫn vươn lên bằng niềm tin son sắt vào Đảng, vào chân lý bất diệt “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Gần 70 năm đã trôi qua từ ngày tiếp quản Thủ đô, hơn 30 năm tiến hành đổi mới, đời sống người dân và bộ mặt Thủ đô có nhiều thay đổi. Những ngôi nhà cao tầng san sát, rực rỡ ánh đèn, những đường phố rộng rãi... Hà Nội đang vươn cao để quyết tâm xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhưng ký ức về Thủ đô anh hùng vẫn còn mãi với thời gian. Những địa điểm được tiếp quản ngày ấy giờ trở thành “chứng nhân” lịch sử, gợi nhớ những thời khắc không thể nào quên. Những thế hệ công dân Thủ đô sinh sau ngày 10-10-1954 dù không được chứng kiến những giây phút hào hùng đó, nhưng vẫn cảm nhận được niềm tự hào từ các thế hệ cha anh và sẽ luôn ghi nhớ, biết ơn những chiến sỹ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì sự toàn vẹn của Hà Nội - Thủ đô anh hùng - Thành phố vì hòa bình.