Ký ức ngày toàn thắng
Đúng vào ngày 30-4 lịch sử của 48 năm về trước, cảm xúc vẫn vẹn nguyên về Sài Gòn ngập tràn sắc đỏ cờ, hoa, biểu ngữ, từng dòng người hân hoan mừng ngày toàn thắng. Lần đầu tiên những người lính 'đi trước về sau' như ông đã vỡ òa hạnh phúc khi được tham gia cùng các cánh quân tiến về giải phóng, đập tan sào huyệt cuối cùng của địch.
Từ núi Bà Đen đến Sài Gòn trọn niềm vui thống nhất
Trong ký ức của Trung tá Phạm Thanh Định, nguyên cán bộ Tham mưu Tiểu đoàn Trinh sát miền Đông Nam Bộ (sau này thuộc Tiểu đoàn Trinh sát 47, Bộ Tham mưu Quân khu 7), những ngày cuối năm 1974, lần đầu ông được điều từ miền Bắc vào Nam chiến đấu. Thời điểm đó địch có căn cứ thông tin liên lạc hiện đại nhất Đông Dương trên núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh, được chúng ví như “đôi mắt thần”, một pháo đài bất khả xâm phạm… Với lợi thế về địa hình, chúng đóng ở trên núi cao, bố trí canh phòng rất nghiêm ngặt, đã gây ra rất nhiều khó khăn cho quân ta. Tiểu đoàn Trinh sát của ông Phạm Thanh Định được giao nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ núi Bà Đen, nhằm “bịt tai mắt” chúng, mở rộng địa bàn kiểm soát hướng Tây Bắc Sài Gòn, nghi binh đánh lạc hướng địch để chủ lực ta thực hành chiến dịch đánh chiếm Phước Long…
Thực hiện chiến lược vây ráp, tiêu hao sinh lực địch, cắt đứt mọi nguồn tiếp tế, viện trợ từ bên ngoài, sau 31 ngày đêm chiến đấu, rạng sáng ngày 6-1-1975, quân địch bên trong căn cứ đã buộc phải tháo chạy. “Hơn 60 đồng đội của Tiểu đoàn tôi đã anh dũng ngã xuống ở núi Bà Đen, có những người còn rất trẻ với nhiều dự định chưa thực hiện, nhất là chỉ sau đó 4 tháng, chúng ta đã giành được thắng lợi hoàn toàn”, cựu chiến binh Phạm Thanh Định day dứt hồi tưởng.
Sau chiến thắng núi Bà Đen, đơn vị của Phạm Thanh Định được lệnh hành quân về hướng huyện Đức Hòa, tỉnh Long An để chuẩn bị cho trận đánh lớn. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chàng Thiếu úy Trinh sát Phạm Thanh Định cùng đơn vị được lệnh cơ động đánh địch từ hướng Đức Hòa, Đức Huệ tỉnh Long An tiến về Bà Quẹo - Ngã tư Bảy Hiền, sau đó đánh vào cơ quan Bộ tổng tham mưu ngụy. “Trên đường tiến về Sài Gòn hầu như chúng tôi không gặp bất cứ sự phản kháng đáng kể nào của địch. Hình ảnh in đậm trong tôi, đó là tình cảm của nhân dân, họ reo hò, vẫy chào bộ đội hai bên đường, khác hoàn toàn với những gì mà chế độ cũ trước đó đã tuyên truyền. Chúng tôi đã không cầm được nước mắt vì sung sướng”, ông Định nhớ lại.
Tự hào truyền thống gia đình
Sinh năm 1949 ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, trong một gia đình có ông nội, bố, 3 anh em ruột và các anh em trong dòng tộc đều tham gia bộ đội. Năm 1967, ông Phạm Thanh Định lên đường nhập ngũ, trải qua nhiều chiến trường từ Thượng Lào (Mặt trận Quân khu Tây Bắc) vào các năm 1968, 1969. Trong thời gian này ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, được cử đi đào tạo chuyên ngành Trinh sát tại Trường Sĩ quan Lục quân 1.
Năm 1972, ông tham gia chiến đấu trong những ngày hè đỏ lửa tại Thành cổ Quảng Trị, đến khi ký kết Hiệp định Paris, ông tiếp tục trở lại trường học tập. Cuối năm 1974, ông lại xung phong vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Trong chiến tranh biên giới Tây Nam và giúp bạn Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, ông Phạm Thanh Định đã tham gia cả hai Mặt trận 479 và 779 ở Campuchia (1977 - 1981), cùng chung Tiểu đoàn với Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Triệu Xuân Hòa, nguyên Tư lệnh Quân khu 7.
Sau đó trở về nước, ông tiếp tục công tác ở Tiểu đoàn Trinh sát 47, rồi chuyển về Bộ Tham mưu Quân khu 7 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1993, với quân hàm Trung tá. 26 năm gắn bó con đường binh nghiệp, những người lính Trinh sát “đi trước về sau” như ông có rất nhiều kỷ niệm, đó là sự hy sinh anh dũng của những đồng đội khi đất nước đã im tiếng súng; thời khắc sinh tử chỉ có sự quyết đoán và dũng cảm hành động lập nên thành tích đáng khâm phục, tự hào… “Đó là vào một đêm năm 1978, nhận được nhiệm vụ đặc biệt, tổ công tác chúng tôi gồm 3 thành viên tham gia dẫn đường cho Sư đoàn 302, Quân khu 7 đi vu hồi địch ở Kampong Cham. Quá trình hành quân đối mặt với rất nhiều hiểm nguy, phải trực tiếp chiến đấu với các ổ địch phục kích, 1 thành viên trong tổ công tác đã hy sinh, nhưng cuối cùng chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đưa Sư đoàn đến đúng mục tiêu và thời gian như kế hoạch”, ông Phạm Thanh Định kể lại đầy tự hào.
Trở về với cuộc sống đời thường, trong căn nhà nhỏ trên đường Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, ông vẫn hằng ngày tham gia công tác ở địa phương, hiện là Phó bí thư chi bộ Khu phố; 2 người con của ông đều đã yên bề gia thất, công việc ổn định.
Cuộc sống tuổi già với ông thật yên bình, hạnh phúc… nhưng dấu ấn về một thời tuổi trẻ cùng đồng đội đã sống và chiến đấu cho đất nước hòa bình, non sông liền một dải vẫn mãi tự hào với các thế hệ hôm nay, mai sau.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/ky-uc-ngay-toan-thang-726296