Ký ức người lính Thành cổ Quảng Trị
Nhớ về những ngày chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị, ông Trịnh Xuân Tính kể, nhiều hôm hầm ngập nước nên bộ đội ta không được ngủ nằm, cơm có cả mảnh đạn…
Người lính trẻ Trịnh Xuân Tính, sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hà Bình, Hà Trung, Thanh Hóa, nhập ngũ tháng 5/1972, huấn luyện ở tiểu đoàn 1, Trung đoàn 15, Quân khu 3. Do tình hình chiến trường điều động nên đơn vị ông chỉ huấn luyện một tháng và đi B (vào Nam).
Ông vào đến Quảng Trị cuối tháng 7/1972, đến tháng 8/1972 được bổ sung vào Trung đoàn 101, Sư đoàn 325. Lúc này, Trung đoàn 101 đang chốt giữ ở khu vực An Tiêm, Chợ Sãi, Nại Cửa của huyện Triệu Phong (khu vực này là Đông Bắc của Thành cổ Quảng Trị).
Đến cuối tháng 11/1972, đơn vị được lệnh rút ra Gio Linh (Quảng Trị) để củng cố lại đội hình và bổ sung quân. Sau 20 ngày củng cố và bổ sung lại được điều sang Cửa Việt, Quảng Trị để chiến đấu.
Tình hình chiến sự ở đó lúc bấy giờ rất “nóng”, Mỹ đã có kế hoạch tái chiếm khu vực này trước Hiệp định Paris. Đơn vị ông được giao nhiệm vụ giữ vững vùng cảng cửa việt đến Vĩnh Hòa, Thanh Hội và cùng với đơn vị bạn giữ vững vùng giải phóng Triệu Phong.
Vốn là chiến sĩ liên lạc bên cạnh chỉ huy Trung đoàn nên ông được chứng kiến nhiều tấm gương dũng cảm của đồng đội khi chiến đấu với quân thù. Dừng lại đôi chút, ông bắt đầu kể về những ngày chiến đấu, về những đồng đội của mình…
“Hầm ngập nước, cơm có cả mảnh đạn”
Nhớ về những kỷ niệm thời chiến đấu, ông Tính cho biết, kỷ niệm ở chiến trường nhiều lắm, bởi trận đánh nào cũng có thương vong, có hy sinh, mất mát. “Khi ở Thành cổ Quảng Trị, ngoài bom đạn triền miên suốt ngày đêm, thì trung tuần tháng 8 đến tháng 9 mưa nhiều, hầm ngập nước. Do đó, những người lính chúng tôi không được ngủ nằm, phải thay nhau múc nước đổ ra ngoài. Nhiều hôm, anh em phải ăn cơm sũng nước, trong nắm cơm còn có cả mảnh đạn”, ông kể.
Nhớ trận đánh liên tục từ ngày từ ngày 26-31/3/1972, lúc đó Trung đoàn 101 đang chốt giữ ở Cửa Việt. Địch tuyên bố: “Dìm Hồng An xuống biển, bắt sống Cường Ngoan và treo cổ Thái Sẹo”.
Thời điểm này, Trung đoàn 101 lấy mật danh đơn vị là Đoàn Hồng An. Đồng chí Bùi Đức Ngoan khi đó là Trung đoàn trưởng có mật danh là Cường. Đồng chí Thái là tham mưu Phó Trung đoàn có cái sẹo dài trên má khi chiến đấu bị thương ở Huế năm 1968. Trong trận này, địch huy động trên 300 xe tăng và xe bọc thép đánh vào vùng giải phóng của quân ta. Cứ như vậy, hơn 300 xe tăng và xe bọc thép cứ chạy suốt ngày đêm.
Trận đó, quân ta vẫn giữ được vùng giải phóng, bắn cháy 103 xe tăng và xe bọc thép, bắt sống được 13 xe tăng của địch. Các nhà quân sự ví trận này như trận chiến vòng cung thép ở thế chiến thứ 2. “Đối với những người lính như tôi, còn gì vui hơn cột cờ của Việt Nam tung bay lá cờ của Mặt trận?”, ông tự hào nói.
Trong thời gian từ 21-27/3/1975, ngày mở đầu, bộ đội ta hy sinh nhiều, chiến đấu đến ngày thứ hai lại vướng vào khó khăn, đó là lương thực, thực phẩm và đạn dược hết vì vận tải không cung ứng kịp.
Ông Tính hồi tưởng những ngày bộ đội ta ăn đói, nhịn khát kéo pháo lên điểm cao qua dãy 1082 ở Bạch Mã, gùi đạn để chuẩn bị cho những ngày nổ súng mở màn chiến dịch mùa Xuân 1975. Những ngày đói ăn thiếu ngủ như vẫn còn trong ký ức, nhưng buồn nhất là sự hy sinh quên mình của đồng đội…
Nhớ ngày “giỗ trận” của chiến sĩ Trung đoàn 101
Có lẽ, ông Tính vẫn không thể quên được ngày đáng nhớ được xem là ngày “giỗ trận” của những chiến sĩ Trung đoàn 101, Sư đoàn 325. Cách đây 49 năm, sáng sớm ngày 21/3/1975 tiếng súng mở màn chiến dịch Thừa Thiên - Huế bắt đầu. Nằm trong đội hình của Sư đoàn 325, Trung đoàn 101 và Trung đoàn 18 có nhiệm vụ tiến công địch bên cánh phải của Quân đoàn 2 chiếm các điểm cao dãy Kim Sắc; làm bàn đạp để cắt đứt đường 1 từ Bắc Lương Điền vào đến Nam Phú Lộc. Đây là một nhiệm vụ chiến lược cực kỳ quan trọng. Nơi đây là khu vực nằm trong hệ thống phòng ngự kiên cố của địch. Chúng bố trí lực lượng chủ yếu là quân khu 1 và Sư đoàn 1.
Mặt trận xác định đây là nơi sung yếu nhất trong hệ thống phòng thủ "Rắn" của địch. Nếu chúng ta làm chủ được đoạn này thì giao thông đường bộ của địch lập tức bị cắt đứt và quân khu 1 của địch bị tách làm đôi, việc thất thủ Trị Thiên Huế là điều tất nhiên. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trước Tết Nguyên đán, bộ phận tiền trạm gồm tư lệnh Sư đoàn và chỉ huy các trung đoàn cùng cán bộ chủ chốt của đơn vị chuẩn bị chiến trường. Thời gian chuẩn bị gấp rút, đơn vị phải tự làm đường vắt qua đỉnh 1048 để kéo pháo và gùi đạn lên trận địa, sẵn sàng cho chiến dịch Xuân Hè 1975 (còn gọi là chiến dịch K175).
Theo đúng kế hoạch, các đơn vị đồng loạt nổ súng. Dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Giảng và Chính ủy Lê Đang, Trung đoàn 101 đánh chiếm các điểm cao, đến trưa ngày 21/3/1975 bộ đội ta vẫn chưa làm chủ được dãy Kim Sắc. Chỉ thị của Mặt trận là ngày 21 phải cắt đứt đường 1 giữa Huế và Đà Nẵng.
Đến gần trưa ngày 22/3, Tiểu đoàn 2 kết hợp với đơn vị bạn đã tiến công và làm chủ được 4km đường 1 từ Ràng Bò đến Bạch Thạch. Như một lưỡi dao sắc bén cắt đứt đường 1, đây là đòn hiểm nhất trong cuộc tiến công của quân ta, đã cản lại hàng ngàn xe địch đủ các loại đang tháo chạy về Đà Nẵng.
Trong 2 ngày mở màn của chiến dịch, bộ đội ta phải chịu đựng muôn vàn khó khăn. Dù quân ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhưng nhiều đồng chí đã hy sinh. Hiện nay, còn nhiều đồng đội không biết đang nằm ở đâu. Trong nghĩa trang ở Lộc An, Lộc Điền, Lộc Trì, rất nhiều bia mộ không có danh tính của liệt sĩ. Hàng năm, cứ đến ngày 21/3, những người lính của Trung đoàn 101 vẫn tập trung theo từng cụm để ôn lại những ngày ác liệt ấy và coi đây là ngày "giỗ trận" của Trung đoàn 101.
Cuộc đọ súng không cân sức
Rồi người lính già dừng lại ở câu chuyện 20 đồng chí của Trung đội Mai Quốc Ca nhận nhiệm vụ đi đánh cầu Quảng Trị (nay là cầu Thạch Hãn). Khoảng 19 giờ tối ngày 9/4/1972, Trung đội (gồm 20 người) xuất phát từ trên rừng mang theo 120 kg bộc phá xuống đánh sập cầu Quảng Trị để chặn đường rút lui và đường tiếp viện của địch.
Đến khoảng 4 sáng thì đội hình của Trung đội đã cách cầu Quảng Trị khoảng 300m về phía Nam thì bị địch phát hiện. Cuộc đấu súng không cân sức diễn ra giữa một Trung đội vỏn vẹn 20 người với một tiểu đoàn địch. Đến hơn 10 giờ trưa ngày 10/4 thì Trung đội chỉ còn lại “3 tay súng". Không còn cách nào khác, các đồng chí của ta quyết định “mở đường máu” rút lui. Tuy nhiên, cả ba đều bị thương, sau đó hai người đã hy sinh.
Ông Tính kể tiếp, là người may mắn sống sót, anh Vũ Quang Thành (quê Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) bị thương nặng, mảnh đạn găm vào hông trái. Anh Thành cố hết sức bò ra phía bờ sông Thạch Hãn thì nằm bất tỉnh. Quân địch phát hiện và đưa vào các nhà lao ở Đà Nẵng để tra khảo. Tra tấn, dọa dẫm lẫn thuyết phục nhưng vẫn không có kết quả, đến tháng 9/1972, địch lại đưa anh ra trại tù Phú Quốc. Ngày 10/3/1973, sau khi Hiệp định Paris ký kết, người chiến sĩ ấy đã được trả tự do.
Sư đoàn 304 cũng ghi vào sổ tên của cả 20 đồng chí Trung đội Mai Quốc Ca hy sinh. Điều đáng nói, thi thể 19 anh em mình đã hy sinh bị địch kéo về gần cầu Quảng Trị phơi nắng để thị uy. Khi người dân phản đối, đấu tranh, chúng mới buộc phải cho dân ta đưa các anh đi chôn cất. Sau giải phóng, các anh đã được đưa về nghĩa trang thuộc huyện Triệu Phong. Tất nhiên, cũng có một ngôi mộ ghi tên anh Vũ Quang Thành.
Sau này, đồng chí quân lực của Trung đoàn có điều kiện đi tìm gia đình của từng người trong Trung đội Mai Quốc Ca thì mới biết đồng chí Vũ Quang Thành còn sống và được trao trả năm 1973.
Trong cuộc chiến đẫm máu ấy, trước khi ngã xuống, các chiến sĩ Trung đội Mai Quốc Ca đã tiêu diệt khoảng 125 tên địch, làm bị thương nhiều tên khác, phá hủy một xe quân sự, làm chậm chi viện của địch từ phía Nam ra.
Với những chiến công ấy, năm 1973, Trung đội Mai Quốc Ca được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Đồng thời, phong tặng danh hiệu “Trung đội 1 thắng 100” cho Trung đội Mai Quốc Ca để tưởng nhớ chiến công của những người lính thép, ngoan cường, dũng cảm, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, lập chiến công hiển hách.
Tại phía Bắc đầu cầu Quảng Trị hiện đã có một biểu tượng ghi nhớ Trung đội Mai Quốc Ca. “Nhiều lần vào thăm Quảng Trị - nơi chúng tôi đã sống và chiến đấu những năm1972 đến 1974. Nơi đây là cuộc đọ súng, đọ gan vàng, dạ sắt. Đây chính là đội cảm tử quân của Sư đoàn 304, của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tôi không thể quên được những người cảm tử quân mùng 10/4/1972”, ông Trịnh Xuân Tính rưng rưng nói.
"Lửa căm thù” chuyển lên nòng súng
Trong bối cảnh chiến tranh ác liệt, những người lính trẻ như ông Trịnh Xuân Tính hăng hái tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu. “Khi ấy, chúng tôi chẳng nghĩ gì khác ngoài việc tận hiến với quê hương, đất nước, làm sao cho đất nước sạch bóng quân thù. Ngọn lửa ấy cháy rực trong tim những người lính trẻ và tôi là một trong những người đã viết đơn bằng máu để xin được đi bộ đội”, ông nói.
Nhưng khi vào đến chiến trường Quảng Trị mới được chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh. Đặc biệt, khi vào trận đánh, nhìn đồng đội ngã xuống thì “lửa căm thù” được chuyển lên nòng súng. Khi mỗi trận đánh qua đi, lòng buồn rười rượi vì quân số giảm dần, buồn vì vừa cùng ngồi ăn vội bữa cơm, đã “người còn, kẻ mất”. Chứng kiến sự ngã xuống của anh em, phải vùi vội đồng đội xuống đất, gạt dòng nước mắt để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Nhớ về những người đồng đội cùng sát cánh nơi trận mạc, ông Tính không kìm được nước mắt. Hiện ông là Trưởng Ban Liên lạc bạn chiến đấu của Sư đoàn 325 ở Thanh Hóa. Từ năm 1995, ông đã cùng một số anh em còn sống trong 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng trị đã về thăm lại chiến trường xưa. Thăm lại bà con đã cưu mang, đùm bọc bộ đội ta trong những ngày chiến tranh ác liệt, khi thì củ khoai, khi thì củ sắn hay bữa cơm rau đậm nghĩa tình.
Đó là, anh chị em du kích đã “chia lửa” trong trận đánh, chia ngọt xẻ bùi trong những ngày chiếm giữ trận địa. Mỗi lần gặp nhau, cùng khóc cùng cười, kể cho nhau nghe lại những đêm khi tỉnh trước hay lúc đổi gác mới giật mình vì bộ đội và du kích cùng nằm trong hầm ngủ một cách ngon lành và... “trong sáng”. Một anh tếu táo nói: “May mà không thức…”. Mọi người cùng cười, tình người, tình đồng đội giản dị, ấm áp như thế.
Rồi ông lại nghĩ đến những người đồng đội đã bỏ lại tuổi thanh xuân nơi chiến trường nhưng gia đình vẫn chưa tìm được hài cốt. “Đau thương lắm, nhất là những người tuổi đã già nhưng mãi chưa nhận được tin con”, giọng ông như trầm lại.
Khi mỗi trận đánh qua đi, lòng ông lại buồn rười rượi vì quân số của anh em giảm dần, buồn vì vừa cùng ngồi ăn vội bữa cơm, đã “người còn, kẻ mất”. Anh em ôm nhau vì đã qua trận đánh sống chết không chừng. Buồn tủi khi phải chứng kiến sự ngã xuống của anh em, phải vùi vội đồng đội xuống đất, gạt dòng nước mắt trực rơi để tiếp tục hành quân và thực hiện nhiệm vụ. Những hy sinh, mất mát của anh em là không gì đo đếm được, để đổi lấy hòa bình hôm nay.
Con lại về với mẹ!
Ông Tính còn nhớ rõ, trước khi nhận lệnh Tổng công kích ngày 29/4/1975 hướng chính của Sư đoàn 325 là vượt sông Sài Gòn. Đồng chí Phạm Minh Tâm, tư lệnh trưởng Sư đoàn 325 rất tâm tư, lo lắng nếu nhận nhiệm vụ thì may ra còn được một phần ba quân số. Bởi lẽ, khi vượt sông, bộ đội ta ở dưới, còn địch ở trên bờ với nhiều súng, nhiều đạn. Thế nhưng, những người lính vẫn kiên cường, dũng cảm và sẵn sàng cho nước nhà thống nhất. Như nhà thơ Tố Hữu đã nói: “Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng”.
Rất may, khi anh em vượt sông thì an toàn. Ngay chiều đó, ông Tính đã ghi vào nhật ký: “Chiến tranh là sự thật/ Như vậy đó mẹ ơi/ Mỹ Ngụy đã tan rồi/ Con lại về với mẹ…”.
Cho đến bây giờ, ấn tượng sâu sắc nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông là được trực tiếp cầm súng chiến đấu. Khi nước nhà chìm trong khói lửa, không tiếc đời xanh và được chứng kiến những thời khắc lịch sử của đất nước như cột cờ Phú Văn Lâu tung bay cờ giải phóng và những ký ức không thể nào quên nơi chiến trận.
Bước vào tuổi 72, trải qua trận mạc nhiều năm, thương tích đầy người, ông cảm thấy như còn mắc nợ quê hương, đất nước và những người đồng đội đã hy sinh để mình được hưởng thanh bình. Vì: “Nhớ ngày chúng mình hẹn/ Gặp nhau ở Sài Gòn/ Mà hôm nay không còn/ Các anh trong hàng ngũ/ Khi điểm danh vẫn có/ Tất cả tên các anh/ Và đồng đội chúng mình/ Trong ngày vui đại thắng…”.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ky-uc-nguoi-linh-thanh-co-quang-tri-269207-269207.html