Ký ức người lính vẽ bản đồ trận chiến Xuân Lộc
Một sáng tháng 4 đầy nắng giữa lòng Hà Nội, tôi có dịp gặp gỡ TS.BS Đàm Duy Thiên, người lính trinh sát năm xưa, người đã góp phần tạo nên chiến thắng Xuân Lộc bằng những bản đồ chiến trường sắc bén và chính xác.

Gần 50 năm đã trôi qua kể từ mùa xuân năm 1975, nhưng mỗi khi nhắc đến những ngày tháng hào hùng ấy, ánh mắt ông vẫn ánh lên niềm tự hào, như thể mọi thứ vẫn còn hiện hữu trước mắt.
Nhấp một ngụm trà nóng, ông Thiên lặng lẽ nhớ lại quãng thời gian tuổi trẻ, khi vẫn còn đang học dở trung học phổ thông thì đã lên đường nhập ngũ. Ông gia nhập Tiểu đội trinh sát thuộc Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341, đơn vị mang tên "Sư đoàn Sông Lam", được thành lập trên quê hương Bác Hồ.
Những ngày hành quân, chiến đấu gian nan, đối mặt với hiểm nguy, đã trở thành ký ức không thể phai mờ trong lòng ông. Tuy vậy, trận chiến Xuân Lộc, nơi ông vẽ bản đồ chiến trường giúp quân ta giành chiến thắng, luôn sống động như thể vừa xảy ra hôm qua.
Ông Thiên chia sẻ: “Lúc đó, tôi là người nhỏ tuổi nhất trong đơn vị, nhiệm vụ cũng rất nặng nề, nhưng tôi cảm thấy tự hào vì có thể góp phần vào chiến thắng chung. Chúng tôi không chỉ chiến đấu vì đất nước mà còn vì tự do, hòa bình mà mọi người xứng đáng có được”.
Ngoài công tác trinh sát, ông còn mang trong mình niềm đam mê hội họa. Mặc dù chưa từng qua trường lớp đào tạo chính quy nào, nhưng Ban Tham mưu Trung đoàn đã tin tưởng giao cho ông nhiệm vụ vẽ bản đồ chiến trường. Từ đó, bút, giấy và những nét vẽ bản đồ trở thành vật bất ly thân của ông.
Vào đầu năm 1975, ông cùng đơn vị hành quân vào mặt trận B2 (Đông Nam bộ), tham gia trực tiếp Chiến dịch Hồ Chí Minh, thuộc Quân đoàn 4. Sau những thất bại ở các mặt trận Tây nguyên, Huế - Đà Nẵng và miền Đông Nam bộ, quân địch đã co cụm tổ chức phòng thủ tại thị xã Xuân Lộc, được coi là “cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn.
Xuân Lộc trở thành một điểm chốt quan trọng trong tuyến phòng thủ của địch, án ngữ Quốc lộ 1 và đường 20 từ Bắc vào Nam. Để giải phóng Sài Gòn, quân ta buộc phải đánh tan hệ thống phòng thủ kiên cố này. Chính vì vậy, ngày 2-4-1975, Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở cuộc tiến công giải phóng Xuân Lộc.
Trước khi trận đánh bắt đầu, bác sĩ Đàm Duy Thiên được giao nhiệm vụ trinh sát, vẽ bản đồ chiến trường, phản ánh chính xác cách bố trí lực lượng của ta, các mục tiêu của địch, và diễn biến trận đánh.

TS.BS Đàm Duy Thiên, người thứ 3 từ trái sang cùng đồng đội tại dinh Thống Nhất.
Với một địa bàn mới như Xuân Lộc, ông Thiên nhận định công việc đòi hỏi sự cẩn trọng và tỉ mỉ. Ông phải thu thập thông tin từ các bộ phận tham mưu, trinh sát, tình báo, biệt động và kết hợp với dữ liệu thực tế chiến trường để vẽ bản đồ. Mỗi nét vẽ trên bản đồ không chỉ mang giá trị thông tin, mà còn ảnh hưởng đến tính mạng của các chiến sĩ ta ngoài chiến trường.
Ông nhớ lại: “Tôi làm việc dưới hầm tối, chỉ có đèn pin hoặc đèn bão chiếu sáng. Không gian chật hẹp và căng thẳng, nhưng tôi biết nhiệm vụ của mình quan trọng đến nhường nào. Công việc này không dễ dàng chút nào. Thông tin về địa hình, quân số địch, hướng tấn công phải được thu thập liên tục từ nhiều nguồn khác nhau và phải được tổng hợp, phân tích, cập nhật một cách chính xác. Mỗi nét vẽ trên bản đồ đều phải tuyệt đối chính xác. Chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ chiến dịch”.
Mỗi sáng thức dậy, ông lại vẽ bản đồ, trao đổi thông tin với các đồng đội và dồn hết tâm huyết vào từng chi tiết nhỏ nhất. “Dù hoàn cảnh khó khăn, tôi luôn hiểu rằng những gì mình làm là sống còn đối với các chiến sĩ ngoài mặt trận” - ông nhớ lại.
Sau 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt, vào ngày 21-4-1975, quân ta đã đập tan tuyến phòng thủ Xuân Lộc, phá vỡ “cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn, mở đường cho chiến dịch giải phóng miền Nam. Bản đồ chiến trường mà người lính trẻ Đàm Duy Thiên vẽ vội vàng trong điều kiện chiến tranh khốc liệt đã góp phần quan trọng trong việc chỉ huy chiến dịch, đưa quân ta đến chiến thắng.
Ông xúc động nhớ lại: “Sau này, nhìn lại, tôi luôn tự hào vì tấm bản đồ mình vẽ đã góp phần vào chiến thắng ấy. Bản đồ ấy không chỉ là những nét vẽ đơn thuần mà là kết quả của sự hy sinh, tinh thần chiến đấu không mệt mỏi của bao nhiêu đồng đội”.
Sau chiến thắng Xuân Lộc, ông Thiên tiếp tục tham gia các trận đánh quan trọng khác trong chiến dịch Hồ Chí Minh và chứng kiến thời khắc lịch sử ngày 30-4-1975.
Đất nước thống nhất, ông xuất ngũ và quay lại với con đường học vấn dang dở. Nhờ sự thông minh và chăm chỉ, ông đã tốt nghiệp trung học phổ thông và thi đỗ vào Học viện Quân y (từ năm 1981 là Học viện Quân y).
Sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại làm bác sĩ điều trị và giảng viên tại Viện Quân y 103. Dù cuộc sống đã ổn định, ông luôn mang trong mình khao khát được học hỏi và cống hiến cho đất nước. Ông chia sẻ: “Chứng kiến đồng đội ngã xuống, những thương binh chịu đựng đau đớn, tôi khao khát được học để trở thành bác sĩ, cứu giúp các đồng đội của mình”.
Nhờ có khả năng hội họa, trong suốt quá trình học tập tại Học viện Quân y, ông thường xuyên được giao nhiệm vụ vẽ các tiêu bản mô bệnh học, giải phẫu học và mô phôi học để phục vụ công tác giảng dạy của các thầy cô. Những bản vẽ này đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối, giúp sinh viên dễ dàng nhận diện đặc điểm bệnh lý của các mô và cơ quan trong cơ thể người.
Chính nhờ vào việc liên tục rèn luyện kỹ năng vẽ, kiến thức của ông ngày càng được củng cố và mở rộng, giúp ông không chỉ trở thành một bác sĩ tài năng mà còn là một giảng viên đầy kính trọng.
Tốt nghiệp, ông tiếp tục con đường học vấn, học thạc sĩ, rồi nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đột quỵ não. Với tay nghề khéo léo, ông thực hiện thành công nhiều ca mổ khó, cứu chữa bệnh nhân.
Dù đã qua tuổi 70, ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết với công việc, giảng dạy và hỗ trợ đồng đội, đồng nghiệp. Thời gian ở nhà với ông rất ít vì ông dành phần lớn thời gian để khám và chữa bệnh miễn phí cho thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách.
Mỗi khi có dịp, ông cùng đồng đội trở lại thăm chiến trường xưa, tri ân những người đã hy sinh và ôn lại những kỷ niệm hào hùng. Nhìn lại chặng đường đã qua, TS.BS Đàm Duy Thiên không chỉ là một người lính kiên cường trong chiến tranh, mà còn là một nhà khoa học tận tụy với sự nghiệp y học.
Dù trên chiến trường hay trong lĩnh vực y tế, những đóng góp của ông đều xuất phát từ một trái tim luôn hướng về đất nước và con người Việt Nam.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/ky-uc-nguoi-linh-ve-ban-do-tran-chien-xuan-loc-post122315.html