Ký ức nguồn cội

Hiện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 189 lễ hội, bao gồm 175 lễ hội truyền thống và 14 lễ hội văn hóa, làng nghề được tổ chức vào dịp đầu Xuân. Lễ hội là dịp để con người bày tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên, hướng về nguồn cội. Ngoài ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn những người có công với dân tộc, đất nước, lễ hội còn là dịp để mọi người nhắc nhở nhau hướng lòng tới chân, thiện, mỹ.

Người dân các làng dâng lễ tại đền Đuổm, xã Động Đạt (Phú Lương).

Người dân các làng dâng lễ tại đền Đuổm, xã Động Đạt (Phú Lương).

Dịp Tết Nguyên đán, các địa phương có lễ hội trở nên bận rộn hơn. Bởi ngoài sắm sanh, chăm lo cho 3 ngày Tết của gia đình, bà con còn tất bật chuẩn bị cho lễ hội diễn ra tại địa phương. Bận rộn ấy mang một không khí tươi vui cùng những câu chuyện về thuở ngày xưa. Vâng! Cái ngày xưa ấy có người mẹ tảo tần chăm con, chờ chồng, có người cha lam làm bận rộn mưu sinh để có được những gạo, đỗ, lá dong… đang chuẩn bị vào khuôn bánh kia, là cái cớ để mọi người làm thức dậy những câu chuyện về nguồn cội dân tộc, đất nước.

Chuyện rằng, đời Hùng Vương thứ 6, người con trai thứ 18 của Hùng Vương là Tiết Liêu đã làm bánh chưng, bánh giày dâng kính lên vua cha. Kể từ bấy giờ, bánh chưng, bánh giày trở thành một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt Nam nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở.

Về nguồn cội con rồng cháu tiên, người Thái Nguyên tự hào có Lễ hội Đình Hùng Vương (phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên). Lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xứ trà Thái Nguyên, vùng đất nửa đồng nửa núi mang trên mình bao câu chuyện sử xanh và những huyền thoại gần gũi với cuộc sống con người. Nhất là những ngày lễ hội mùa Xuân đang chờ đón, lòng người háo hức hơn khi được kể, được nghe chuyện về thuở cha ông mở đất, đánh giặc, giữ yên bờ cõi. Từ đó thấy tự hào, rồi có ý thức hơn với lễ hội truyền thống được duy trì tổ chức trên quê hương, đất nước. Bởi đó là dịp để cháu con hội tụ, mở lễ hội với ý niệm chân thành, tôn kính, tưởng nhớ những bậc tiền nhân có nhiều công lao với nhân dân, đất nước.

Như biển cả mênh mông, “sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”, các phong tục, tập quán, nếp sống đẹp được trao truyền từ đời này sang đời khác. Cả ngàn đời theo nếp “cha truyền con nối” mà thành truyền thống, thành lệ làng, ở đó những gì lạc hậu được bài trừ, những giá trị văn minh được gìn giữ, bồi đắp làm cho giá trị truyền thống của dân tộc thêm tinh hoa. Cũng bởi lẽ ấy mà ở thời đại của công nghệ 4.0, mùa lễ hội càng trở nên tưng bừng với các hoạt động hướng về nguồn cội.

Hầu hết các lễ hội được khai mở vào dịp đầu Xuân. Những lễ hội tổ chức sớm được nhiều người dân trong, ngoài tỉnh biết đến phải kể đến Lễ hội Đình, đền, chùa Cầu Muối, xã Tân Thành (Phú Bình). Lễ hội được tổ chức tại cụm di tích này với ý nghĩa nhắc nhớ các thế hệ cháu con gìn giữ, trao truyền lòng biết ơn đối với những đức anh linh có công với Nhân dân, đất nước. Đình thờ Thành Hoàng Cao Sơn Quý Minh Đại Vương (tức Dương Tự Minh), đền thờ Mẫu Liễu Hạnh và thờ Mẫu Thượng Ngàn. Thánh Mẫu Liễu Hạnh là biểu tượng cho sức mạnh của phụ nữ, đề cao giá trị hạnh phúc, tự do và độc lập.

Ngoài giá trị về văn hóa, tín ngưỡng, Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối còn là một di tích lịch sử cách mạng quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (phường Trưng Vương - TP. Thái nguyên) là 1 trong các lễ hội được tổ chức vào dịp đầu Xuân.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (phường Trưng Vương - TP. Thái nguyên) là 1 trong các lễ hội được tổ chức vào dịp đầu Xuân.

Nhiều người dân Thái Nguyên thuộc nằm lòng câu phương ngôn khi đi trẩy hội đầu năm: “Thượng Đu, Đuổm; hạ Lục Đầu, 200 xã lưỡng biên giang thờ”. Nghĩa rằng “Từ thượng du các vùng Đu, Đuổm cho đến sông Lục Đầu, có 200 xã bên sông thờ phụng” người Anh hùng dân tộc Dương Tự Minh. Riêng tỉnh Thái Nguyên có khoảng 500 cơ sở tín ngưỡng thờ Đức ngài, nhưng cơ sở thờ tự lớn nhất là đền Đuổm, ngự tại xã Động Đạt (Phú Lương).

Với các nghi lễ độc đáo: Rước nước, rước đất, dựng cây nêu, mộc rục, gia quan, lễ vật vào đền, đại tế… Cũng trong dịp đầu Xuân mới, Lễ hội Núi Văn - Núi Võ, huyện Đại Từ, được chính quyền và nhân dân trong vùng tổ chức. Lễ hội tưởng nhớ, tôn vinh vị tướng tài hoa và tinh thần dũng cảm dưới cờ đại nghĩa trong Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh do Lê Lợi lãnh đạo từ thế kỷ XV. Ông được Lê Lợi phong giữ chức Đại tư mã thống lĩnh toàn bộ quân đội.

Mỗi lễ hội mang một câu chuyện riêng. Nhưng cùng mục đích hướng lòng người về nẻo thiện và được trao truyền từ đời này sang đời khác, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống được cháu con đời đời gìn giữ, chắt lọc tinh hoa trở thành di sản quý báu của nhân loại.

Ví như lễ hội Lồng tồng ở huyện Định Hóa. Phần lễ có: Lễ dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, lễ cầu mùa của đồng bào dân tộc Tày, lễ cầu phúc của đồng bào dân tộc Dao, Lễ cầu an của đồng bào dân tộc Sán Chay. Trong cùng một lễ hội được tổ chức tại một địa điểm, song đồng thời diễn ra nhiều hoạt động nghi lễ của các dân tộc khác nhau và cùng hướng lòng về nguồn cội, tổ tiên với tâm niệm thành kính.

Rồi ngay sau lễ là phần hội với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Thi gói bánh chưng, giã bánh giày, văn nghệ, các trò hội có thi cầy, thi cấy, kéo co, đẩy gậy, tung còn, bịt mắt bắt dê… tạo không khí đoàn kết, ấm cúng, thắt chặt hơn tình đoàn kết giữa các dân tộc.

Lễ hội được tổ chức luôn gắn với nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng dân cư. Việc dâng đăng đèn, oản, quả, tiền vàng và các lễ vật đến các “đấng tối cao” thể hiện lòng biết ơn của cháu con với tổ tiên, nguồn cội. Dù quá khứ chỉ tồn tại trong ký ức, qua lời ru từ thuở nằm nôi mẹ dành cho con, nhưng nguồn cội luôn là những gì cao quý nhất của mỗi dân tộc, quốc gia. Trên nền gốc rễ ấy, mỗi người củng cố vững chãi điểm tựa tinh thần, tự tin hơn để cùng nhau xây dựng một Thái Nguyên bình yên, thịnh vượng.

Phạm Ngọc Chuẩn

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202502/ky-uc-nguon-coi-69507ef/