Ký ức những người lính giữ chốt ở Hải Lăng năm 1972
Xin bắt đầu bài viết từ việc kể lại câu chuyện về 3 gia đình liệt sĩ ở 3 tỉnh khác nhau đã nhờ tôi tìm thông tin nơi hy sinh, đồng đội mai táng và phần mộ giờ ở đâu của 3 liệt sĩ. Điều kỳ lạ trong quá trình tìm hồ sơ, tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy 3 liệt sĩ cùng chung đại đội, hy sinh cùng ngày và tại cùng một điểm cao. Đó là các liệt sĩ Nguyễn Trọng Gang, Trần Văn Lái, Lại Văn Nho cùng ở Đại đội 10 (c10), Tiểu đoàn 9 (d9), Trung đoàn 66 (e66), Sư đoàn 304 (f304), cùng hy sinh ngày 8/12/1972 tại động ông Do.
Khi hồ sơ có trong tay nhưng việc tìm đồng đội hết sức nan giải. Suốt một thời gian dài kết nối với nhiều anh ở e66, e9, e24 nhưng kết quả đem lại vẫn ngoài sự mong đợi. Thật tình cờ, tôi gặp đươc anh Trần Toàn c10, d9, e66 đã chiến đấu và chứng kiến sự hy sinh anh dũng của đồng đội mình vào ngày 8/12/1972 tại động ông Do.
Anh Toàn kể, sau gần 1 tháng chốt giữ ở mỏm cao nhất và phải hứng chịu không biết bao nhiêu trận bom, pháo của kẻ thù và phải đánh trả nhiều đợt chiếm chốt của kẻ thù nhưng 10 chiến sĩ liên tục đánh trả giữ chốt. Thậm chí cả tiểu đội phải sống trong 2 căn hầm nhỏ, chật hẹp, ẩm mốc suốt nhiều ngày. Chiều 7/12/1972, do hầm quá chật, anh Toàn được bố trí về hầm ở tuyến sau cách 50m.
Trở về công sự được mấy tiếng đồng hồ thì 3 giờ sáng ngày 8/12/1972 địch bắn pháo, dốc quân tấn công và đánh nhau cho đến sáng. Do quân số ít nên hầu hết hy sinh và tuyến sau cũng bị bao vây. Đau đớn nhất là vừa chiến đấu, vừa thấy đồng đội của mình là Trần Văn Lái bị thương, bị bắt, bị đánh nhưng không hề khai báo và sau đó bị chúng bắn chết lúc 7 giờ sáng. Anh Toàn còn kể thêm, trong số anh em ở tuyến đầu có 1 người bị thương rơi xuống chân điểm cao sau đó được 1 đơn vị f312 cứu sống. Riêng tổ của anh Toàn bị bao vây nhưng tối đó cũng bò vào lấy xác mai táng được 2 đồng đội, trong đó có C trưởng quê Quảng Ninh. Cũng trong thời điểm bị bao vây thì được đơn vị hỗ trợ nên mấy anh em quyết định mở đường ra khỏi vòng vây...
Còn anh Vũ Chế quê ở Thái Nguyên khi trở lại Cao điểm 138 và 108 B ở Hải Lăng đã nghẹn ngào kể lại, ngày 13/10/1972, tiểu đội tôi giữ chốt 108 B suốt cả tuần hết sức kiên cường thì sáng hôm đó địch tấn công chiếm chốt làm quả đồi trùm trong khói lửa. Tiếng đạn AK, AR15, M79, B40, lựu đạn nổ xối xả... sau gần 2 tiếng đồng hồ, địch vẫn không chiếm được chốt. Lúc này chỉ huy đơn vị là Lê Văn Mến, người Vĩnh Phú tiếp tục động viên anh em còn lại giữ chốt đến cùng. Đợt tấn công tiếp theo, bọn chúng dùng hỏa lực mạnh và quân số đông tràn lên.
Sau hơn 30 phút cầm cự chỉ còn tôi và anh Mến phải rút về hầm để cố thủ. Lúc vào sát cửa hầm thì anh Mến trúng đạn gãy cả đôi chân. Trong tình huống cái chết cận kề, tôi lao tới kéo anh Mến vào hầm và lấy súng bắn trả thì anh Mến dùng chút sức lực còn lại lấy tập tài liệu trong túi đưa cho tôi và ra lệnh rút ngay. Nhận tập tài liệu, tôi lao ra cửa hầm thì hàng loạt đạn bắn xối xả nhưng không trúng và thoát được về đơn vị. Nói đến đây anh Chế khóc không thành tiếng và nấc lên những tiếng nấc đau đớn, buồn thảm. Anh tâm sự: “Tôi mong được gặp lại gia đình liệt sĩ Mến nhưng không biết ở đâu và bao giờ mới thực hiện được. Trở lại quê nhà những người lính chiến mang theo nỗi buồn khi còn nhiều đồng đội đang còn nằm lại trên mảnh đất này”.
Đối với anh Lê Thanh Nhâm c6, d5, e165, f312 ở Thanh Liêm, Thanh Chương, Nghệ An tâm sự: Thời điểm tháng 11 và tháng 12/1972 chiến sự xảy ra rất ác liệt, tại Cao điểm 127 được làm một chòi quan sát dã chiến để theo dõi các nơi đóng quân của địch nên cao điểm này kẻ địch liên tục bắn phá và đổ quân đánh chiếm. Chiều ngày 25/11/1972, bộ đội ở trên chốt nhận được tin ngày mai kẻ địch đánh chiếm chốt. Nhận lệnh đơn vị chia làm 2 tổ, tổ chúng tôi gồm 6 người xuống chân Cao điểm 127 đào công sự chuẩn bị cho trận đánh ngày mai. Công sự vừa hoàn thành, địch bắn hàng trăm quả đạn pháo cối vào cao điểm.
Sau đó, chúng đổ quân tràn lên đánh chiếm. Từ 3 hầm công sự (mỗi hầm cách nhau 5m), 6 anh em chờ cho địch tới gần mới đồng loạt nổ súng. Bọn địch nhiều lần tấn công lên đều bị tiêu diệt. Do không xác định chính xác vị trí công sự, bọn chúng tập trung hỏa lực bắn vào khu vực và xua quân tấn công. Chính trị viên phó Tiên Anh Tần ra lệnh: Mỗi hầm chỉ ở lại một người dùng B40 tiêu diệt hỏa lực địch.
Lệnh chỉ huy vừa dứt, tôi nhảy ra khỏi công sự để yểm trợ thì những loạt B40 đã trùm kín mấy ổ đại liên của địch. Phát hiện ra khói B40 bắn ra từ 3 hầm, bọn chúng dùng súng M79 bắn trực xạ và câu thẳng vào cộng sự, làm 3 chiến sĩ hy sinh và tôi bị cụt mất gần 1/3 bàn chân. Tình thế lúc này hết sức căng thẳng và bất lợi cho 3 anh em chúng tôi. Quân địch tiếp tục tràn lên vây bọc và bắn xối xả; đồng thời kêu gọi đầu hàng và hô bắt sống. Lúc này, 3 anh em quyết định yểm trợ nhau vừa đánh, vừa rút lui an toàn.
Mỗi lần trở lại chiến trường xưa, những người lính giữ chốt mang một tâm trạng vui, buồn lẫn lộn. Nơi đây một thời chiến đấu oanh liệt với nhiều chiến công oai hùng nhưng đây cũng là nơi nhiều đồng đội nằm lại mà những người lính giữ chốt năm xưa đến hôm nay vẫn chưa hề nguôi ngoai.