Ký ức tháng Mười
Tháng Mười, gặp lại những người phụ nữ đã làm nên lịch sử vẻ vang cho đất nước, cho quê hương, thấy mình cần sống, lao động, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với những hy sinh, mất mát ấy
Là phụ nữ, nhưng các cô không chỉ là hậu phương, người nội trợ mà còn là chiến sĩ cách mạng kiên trung trong những năm kháng chiến. Hòa bình, các cô sẵn sàng vượt qua khó khăn, tích cực tham gia công tác dân vận, góp phần ổn định cuộc sống của người dân.
Người tử tù kiên trung
Sinh ra ở vùng đất Trảng Bàng giàu truyền thống cách mạng, nhà nằm trong vùng giải phóng, bà Phan Thị Út (tên thường gọi là Út Nghét) sớm theo con đường cách mạng. Nay đã 56 tuổi Đảng, bà Út bồi hồi nhớ lại buổi đầu giác ngộ cách mạng: “Lúc nhỏ, cô học mới tới lớp 3 thì nghỉ, đi giữ em. Rồi được các cô chú làm cách mạng nhờ giúp đỡ. Cô nấu cơm mang cho mấy chú trú ẩn trong nhà, có lúc trải đệm trước nhà chơi với em nhỏ, nếu có người lạ đến thì làm ám hiệu báo tin cho các chú.
15, 16 tuổi, cô được tuyên truyền, giáo dục, tham gia vào lớp học ở rừng Rong cùng nhiều người khác. Ở đây, cô được dạy về chủ trương, đường lối của Đảng, về phương thức hoạt động cách mạng. Từ đó, cô bắt đầu đi theo cách mạng. Cô được phân công theo dõi địch, làm công tác giao liên. Một lần chứng kiến đồng đội bị sát hại, cô không ngăn được cảm xúc, mạnh dạn đề xuất và được giao nhiệm vụ trừ gian, diệt ác”.
“Lần đầu tiên cô nhận nhiệm vụ ám sát Trung sĩ Bàng ở Suối Sâu. Tên này chuyên đi đột kích, bắt được người mình là tra tấn dã man. Biết được tung tích của kẻ thù ở gần chợ Suối Sâu, cô giả vờ đi chợ. Được đồng đội hỗ trợ, đưa chiếc giỏ có cây súng bên trong, cô lấy súng lận vào bụng, mang giỏ đi vào chợ tiếp. Khi đối tượng vào tiệm sửa xe đạp gần đó, cô cũng theo vào tiệm nhờ thợ vặn lại cái chuồn chuồn xe. Cô đứng ở phía sau lưng kẻ địch, bất ngờ rút súng bắn thẳng vào lưng hắn, tên Bàng chết tại chỗ”- bà Út Nghét kể.
Sau đó, hoạt động bị lộ, bà được tổ chức đưa hoạt động ở huyện Tòa Thánh (nay là thị xã Hòa Thành). Đây cũng là thời khắc lịch sử mà bà không bao giờ quên. Đó là vào ngày rằm tháng 10 âm lịch năm 1972, sau nhiều ngày theo dõi, bà Út Nghét và đồng đội đã gài chất nổ và ám sát thành công Trung tướng Nguyễn Văn Thành- người được tình báo CIA Mỹ đưa về Tòa thánh Tây Ninh làm Tổng Thanh tra chánh trị đạo để khống chế, khủng bố đồng bào ở vùng đạo Cao Đài.
“Sau nhiều ngày theo dõi hoạt động, khi xác định thời cơ đến, cô cùng đồng đội trà trộn đi lễ vào nội ô Tòa thánh, gài chất nổ tại phòng tướng Thành. Khi trái phát nổ, cô bồi thêm 2 quả lựu đạn vào phòng của hắn. Nghe những tiếng nổ chát chúa, bọn lính bảo vệ tỉnh giấc, vội vàng truy đuổi nhưng các cô đã bọc lót, cản địch, rút ra ngoài an toàn và được đồng đội dùng xe honda đưa về cơ sở”- bà Út Nghét kể lại câu chuyện của nửa thập kỷ trước.
Gần một tháng sau khi diệt Trung tướng Thành, bà Út Nghét bị địch bắt, đày ra Côn Đảo. Khi đó, bà mang thai được gần 3 tháng. Nhưng dù bị tra tấn, đánh đập dã man, người nữ chiến sĩ cách mạng ấy vẫn quyết giữ lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng. Sau này vừa sinh con ra, bà bị chuyển về giam trong nhà lao Thủ Đức. Không thể kể hết những gian khó, đau đớn, thiếu thốn trong tù. Thương con, bà cố gắng ăn từng nhúm cơm hẩm cá thiu, chắt chiu từng giọt sữa nuôi con.
Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam. Bà thoát án tử hình. Nhưng mãi đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà và con gái mới được hưởng tự do.
Một đời tham gia công tác xã hội
Đất nước thống nhất, cả nước bước vào giai đoạn ổn định cuộc sống. Cán bộ Hội Phụ nữ trở thành cầu nối, vận động chị em tập trung làm ăn, phát triển kinh tế.
Bà Phạm Thị Tư (thị trấn Châu Thành) là một trong những cán bộ Hội Phụ nữ đầu tiên ở huyện Châu Thành. Ở cái tuổi gần 90, bà Tư vẫn còn minh mẫn, nhớ gần như chi tiết của những năm tham gia kháng chiến và hoạt động công tác Hội.
Lúc mới tham gia cách mạng, bà Tư hoạt động ở Sài Gòn - Gia Định. Năm 1962, đơn vị cử bà và chồng lên Tây Ninh công tác. Gia đình bà ở Châu Thành và gắn bó với mảnh đất Tây Ninh từ đó. Nhờ cách nói chuyện thu hút, đi đâu, làm gì, bà cũng được chị em phụ nữ tin tưởng tâm sự. Cũng từ đó, bà bắt đầu tham gia công tác dân vận, vào mạng lưới Hội Phụ nữ cơ sở. Bà giữ vai trò là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phước Vinh, rồi Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trí Bình. Năm 1983, bà được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN huyện Châu Thành, đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Hội từ năm 1984.
Đó là thời gian công tác tuyên truyền rất gian khó. Địa bàn rộng, người dân thưa thớt, phương tiện đi lại chỉ có xe đạp, nhưng bà Tư không ngại khó ngại khổ, sẵn sàng đi cơ sở hàng tuần để đến với chị em, trực tiếp lắng nghe tâm tư, tình cảm của mọi người.
“Lúc đó đường sá làm gì được như bây giờ. Đi toàn đường ruộng, có đường lớn cũng chỉ đường đất gồ ghề. Đêm tối như mực, không có đèn đường. Mỗi lần đi công tác, cô đi từ 4-5 xã, vài ba ngày, cả tuần lễ mới về nhà. Nhiệm vụ lúc đó là đi học tập chị em rồi lại trao đổi, chia sẻ cho chị em phụ nữ những cái hay, cái tốt trong giữ gìn gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con tốt”- bà Tư nhớ lại.
Đi đến đâu, bà cũng nhận được sự đồng tình, hưởng ứng từ chị em. Có nhiều người sau khi nghe bà Tư chia sẻ những câu chuyện về đời sống gia đình, về hôn nhân một vợ một chồng, đã tìm đến nhà bà, bộc bạch câu chuyện của chính họ và nhờ bà Tư cho lời khuyên. “Đi cơ sở cực lắm, nhưng được cái vui, cảm nhận được tình cảm của chị em dành cho mình, và quan trọng hơn hết là hiệu quả của những chuyến đi mang lại”- bà Tư nói.
Ngoài việc gìn giữ gia đình hạnh phúc, giúp nhau làm ăn, ổn định kinh tế cũng là một nhiệm vụ hàng đầu mà cán bộ Hội Phụ nữ quan tâm thực hiện. “Thời đó chưa có vốn vay ở ngân hàng hay các nguồn quỹ như bây giờ, chị em giúp nhau chủ yếu bằng cách cho mượn qua lại, mượn lại”- bà Tư chia sẻ.
Rồi bà Tư vận động hội viên phụ nữ cùng ủng hộ rau, củ, quả mang đến cho người dân đang tham gia công tác thủy lợi hay cho cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đang công tác tại Campuchia… Năm 1989, bà Tư về hưu ở tuổi 66. Nhưng vốn là người con của cách mạng, đam mê công tác dân vận, bà Tư lại tiếp tục với vai trò Bí thư, Phó Bí thư ở ấp Cao Xá từ năm 1990 đến năm 2002; Ủy viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cán bộ phụ nữ hưu trí từ năm 1997 tới năm 2022; Phó Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến của huyện...
Tháng Mười, gặp lại những người phụ nữ đã làm nên lịch sử vẻ vang cho đất nước, cho quê hương, thấy mình cần sống, lao động, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với những hy sinh, mất mát ấy, như lời bà Út Nghét: “Có đổ máu mới có ngày hôm nay. Đời các cô rồi cũng tàn dần. Lớp trẻ các con phải nối tiếp, phải giữ vững nền độc lập này”.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ky-uc-thang-muoi-a164879.html