Ký ức tháng Tư
Ký ức tháng Tư dương lịch - ngày 30 tháng 4 năm 1975 là một ngày lịch sử trọng đại. Tháng Tư dương lịch thường vào cuối tháng Hai, đầu tháng Ba âm lịch, cận kề với ngày Quốc giỗ - Giỗ Tổ vua Hùng.
Lịch sử nối tiếp lịch sử, chiến công nối tiếp chiến công. Vào thời khắc ấy của quy luật tự nhiên hoa gạo rực rỡ màu son nở chi chít trên cành - cây như đội hoa vươn cao, nghển cổ, khoe màu đỏ của mình với mọi nơi, mọi người vậy.
Tháng Tư, ngày này năm ấy cách đây hơn bốn mươi năm, khi nghe tin miền Nam hoàn toàn giải phóng cây cối cũng treo cờ, treo hoa như hoa gạo mừng đất nước non sông liền một dải. Sau bao nhiêu năm đất nước cắt chia, bây giờ núi liền núi, sông liền sông. Cờ giăng trên mái nhà, đường phố, cổng chào, nhà máy, trên tàu, thuyền, trên xe tải, xe khách... Riêng vùng mới giải phóng ngoài cờ đỏ sao vàng năm cánh còn có cờ của Mặt trận giải phóng mang hai sắc màu: nửa đỏ, nửa xanh, ý nghĩa của lá cờ này nhà thơ Tố Hữu đã viết:
"Lá cờ nửa đỏ, nửa xanh
Màu đỏ của đất, màu xanh của trời"
Mới đó mà đã hơn 40 năm. Nhớ trưa ngày 30-4-1975, năm ấy tôi mới ngoài 30 tuổi đang là anh cán bộ văn hóa thông tin xã, cùng mấy đồng nghiệp trong tổ thông tin tuyên truyền đang hý hoáy vẽ tranh cổ động và viết khẩu hiệu trên mấy bản tin dọc một đoạn đường 39A - thuộc khu vực thị xã Hưng Yên, chuẩn bị chào mừng miền Nam chiến thắng.
Chúng tôi mải mê viết, vẽ đến quên mệt - vì vui, vì mừng - qua cái đài "ori ông tông" để cạnh thấy quân và dân miền Nam dồn dập tiến công từ Xuân Lộc... đến cửa ngõ Sài Gòn. Tôi đang mừng reo giữa cái vui mênh mông của đất nước thì người nhà đến báo tin dữ: "Bà nội tôi vừa mất cách đây ít phút". Tôi lặng người đi trong giây lát, rồi lại viết vẽ tiếp tục hoàn thành công việc. Tôi nén đau thương riêng, để hòa mình vào nỗi vui chung.
Về nhà tôi được biết trước khi mất bà nội tôi vẫn còn tỉnh táo nghe được bản tin lúc 11h30' trưa ngày 30/4/1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, chế độ Sài Gòn sụp đổ và đầu hàng vô điều kiện". Bà nội tôi mong ước bao nhiêu năm nước nhà mau thống nhất, các con cháu đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam sẽ về sum họp. Tiếc thay, ngày đó đến, bà nội tôi lại mất, nhưng được nghe tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, trước khi nhắm mắt xuôi tay, bà tôi đã trào nước mắt...
Tôi quên nỗi đau riêng, sự ra đi đột ngột của bà nội, xong công việc chung, trên đường về nhà, tôi có gom mọi trí nhớ của mình để có thể đọc lại toàn bộ bài thơ: "Nếu không có ngày 30/4" của Đinh Thị Thu Vân. Bài thơ của Vân dài tới 32 câu, 7 khổ với 316 từ, lúc này dù là người thông minh đến mấy cũng không thuộc hết, nhưng hai đoạn cuối đáng nhớ, thì tôi nhớ:
"Từ dạo ấy tháng Tư giải phóng
Để rồi cái vỏ ốc vỡ tan, dễ dàng như quả bóng
Những khát vọng tin yêu em đã gặp lại chính mình
Em đổi những bé mọn của tâm hồn lấy lắm ngọt êm
Lòng vẫn nghĩ tháng Tư làm nhân chứng
Ôi nhân chứng bao dung, nhân chứng vô cùng người lớn
Làm thế nào em có thể đền ơn?
Tháng Tư ơi xinh đẹp mãi tâm hồn"
Những đoạn thơ trên, vẫn nêu những giận hờn, ghen tuông, nhỏ mọn, như cuộn tròn trong vỏ ốc cá nhân. Chỉ có sau ngày 30/4 giải phóng hoàn toàn miền Nam thì mới quên hết cái cá nhân bé nhỏ, cực đoan để nghĩ tới cái chung: "Em ** những cái mọn của tâm hồn lấy lắm ngọt êm". Để rồi:
"Làm thể nào em có thể đều ở
Tháng Tư ơi xinh đẹp mãi tâm hồn"
Tháng Tư, đẹp từ trong tâm hồn mọi người con dân tộc Việt đến mọi miền Tổ quốc: Cờ đỏ tung bay khắp làng phố, công trường, nhà máy, trường học, cổng chào, đến những con thuyền ngoài biển khơi. Trên từng cây gạo, ô kìa: cũng treo cờ bằng hoa của cây. Ôi! Hoa Gạo tháng 4 năm 1975 ấy, sao mà ra nhiều hoa thế. Đỏ nhiều thế! Hoa là cờ mi ni của cây đấy, chào mừng đất nước toàn thắng đấy. Tôi làm sao tả nổi vẻ đẹp trưa ấy của hoa Gạo, đành mượn thơ của Chế Lan Viên:
"Đứng ngã ba đường cây gạo son
Người tình nhân đỏ chói môi hôn
Xe ta qua mãi mà không dứt
Chiều tối màu son đỏ chói hồn"
Ký ức Tháng Tư! là Tổ quốc - năm tháng ấy: - "Trăm sông về một biển Đông, Bắc Nam sum họp vui chung một nhà".
Ký ức Tháng Tư của tôi là quên buồn riêng để vui chung ngày 30/4 với thơ của Đinh Thị Thu Vân và thơ Hoa Gạo tháng 4 của Chế Lan Viên. Ôi! Tháng Tư, thương mến và kỷ niệm trở về, tràn trề kỷ niệm của tôi ơi!
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/ky-uc-thang-tu-637480/