Ký ức tím hoa cà
Tháng ba là thời điểm hoa cà bung nở. Những bông hoa cà không lộng lẫy, kiêu sa, nhưng luôn biết đánh thức ta về một thời tuổi thơ.
Ở quê tôi ngày ấy cà là một loại cây trồng chính trong danh mục những loại cây cứu đói mùa giáp hạt. Cà có nhiều giống, nhưng đất quê tôi chuộng nhất là giống cà cỏ trắng. Chúng được ươm hạt để dành từ năm trước khi mùa xuân bắt đầu chạm ngõ. Cây được hai lá cứng cáp thì mọi người làm đất, ủ phân. Đất phải khô nỏ, đã phơi ải qua nhiều ngày, phân phải ủ vôi hoai mục. Người lớn thì lên luống, đo khoảng cách rồi cuốc từng hố nhỏ, bỏ một vốc phân chuồng rồi lấp một lớp đất mỏng mới trồng cà lên. Bọn trẻ con chúng tôi được giao nhiệm vụ cắt lá chuối, lá khoai môn, sáng sớm ra che cho cây, chiều thì gỡ ra rồi tưới nước. Cứ như thế khoảng một tuần khi cây bén rễ. Công việc ấy làm chúng tôi rất vui, đứa nào cũng thích. Khi cây đến thời kỳ phát triển mạnh, mỗi cây được cuốc một vòng xung quanh gốc, bón phân chuồng, phân đạm và kali rồi lấp lại. Từ đó cây lớn nhanh như thổi. Cà đòi hỏi chăm sóc tỉ mỉ và hao đất nhưng khi ra quả thì nhiều vô kể, những chùm hoa tím khiêm nhường lặng lẽ nấp dưới tán lá xum xuê cho ra những chùm quả tròn đầy, căng mọng trông thật là bắt mắt.
Tháng ba vào mùa giáp hạt, bát canh cà đầu mùa như một đặc sản trong bữa ăn của mỗi gia đình. Mẹ thái mỏng, ngâm chút nước muối rồi xào với vài củ hành, chút mỡ lợn và thìa mắm tôm thật chín, cho nước vào đun sôi rồi nêm muối, bột ngọt, thái lá lốt bỏ vào. Chúng tôi xì xụp húp lấy, húp để sau khi ăn vài bát khoai độn cơm mẹ xéo, sau đó ới nhau đi trộm cà bỏ vào cặp đến trường, bỏ vào túi đi chơi. Biết bao nhiêu trò chơi thú vị từ những quả cà như đánh chuyền, đánh thẻ, đâm gấu... làm chúng tôi say sưa quên cả nắng nóng, đói khát, cả những nỗi nhọc nhằn và nhiều khi quên luôn công việc phải làm hay học bài để tối về bị la mắng.
Những trò chơi ấy đã làm lũ trẻ quê chúng tôi xích lại gần nhau, gắn bó với nhau như người thân vậy, một ngày không gặp nhau là tìm, là nhớ. Và cũng từ đây, biết bao tình yêu đôi lứa nảy nở, nên duyên chồng vợ.
Tháng ba còn là hình ảnh mẹ hái cà lên chợ huyện để bán. Những rổ cà trắng đặt trên là mấy bó hoa bầu màu nắng mới đẹp làm sao. Từng đôi chân trần gánh những gánh hàng chạy phăng phăng trên nẻo đường quê nối dài hun hút trong sương mà lòng thì vui rộn rã. Bởi lẽ, trên vai họ đang gánh ước mơ của con mình trong ngày đói khát. Nào là có bát cơm trắng hơn, có thêm đĩa cá, chút mỡ lợn xào rau bóng nhẫy sau khi bán được cà. Khi đắt hàng có mẹ còn hào phóng mua thêm đồng quà, tấm bánh hay dành dụm cuối mùa mua cho con đôi dép và quần áo đến trường. Thế nên, chúng tôi lúc nào cũng căn giờ tan chợ, rủ nhau ra đầu làng đón mẹ. Nắng tinh nghịch nô đùa như lũ trẻ làm mắt các bà mẹ hoa lên và mồ hôi ướt đẫm mà trên môi ai cũng nở nụ cười ánh lên niềm vui sướng xiết bao.
Hạnh phúc tuổi thơ của chúng tôi được chắt chiu từ những điều bình dị ấy. Thật ngọt ngào và đẹp đẽ nên tâm hồn chúng tôi cứ tinh khôi như bầu trời ngày nắng vậy.
Biết bao mùa giáp hạt đã đi qua, lòng tôi vẫn bâng khuâng hoài niệm về những ngày xưa cũ ấy. Mỗi khi thưởng thức quả cà muối mặn giòn tan, tôi thường nhai thật kỹ như thể sợ nuốt rồi sẽ vụt trôi qua như tuổi thơ mình vậy. Hình ảnh màu hoa cà tím, quả cà trắng tinh khôi, tròn đầy long lanh trong sương sớm thật giống với trẻ thơ. Vị cà chát chính là nỗi gian khó, nhọc nhằn của biết bao người mẹ, nhưng khi được chế biến thành món ăn thì đậm đà hương vị, quyện vào lưỡi, neo vào ký ức mỗi người như tình mẹ bao đời tha thiết ngân lên.
Ôi! Nhớ thương màu tím hoa cà.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/ky-uc-tim-hoa-ca/26519.htm