Ký ức trên chiến trường miền Nam của những cựu chiến binhTin khác47 năm sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nướcChủ động nắm bắt 'cơ hội vàng' phục hồi, phát triển du lịch Xứ Lạng

47 năm trước, vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ của Quân giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, non sông Việt Nam thống nhất. Nhớ về thành quả cách mạng ấy, những cựu chiến binh (CCB) Lạng Sơn từng tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam đầy khốc liệt lại không khỏi nghẹn ngào, xúc động, hồi tưởng lại những ngày trực tiếp cầm súng đánh giặc giữ nước.

Năm 1970, khi vừa tròn 18 tuổi, ông Lý Văn Tư, sinh năm 1952, CCB xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình xung phong viết đơn xin nhập ngũ và được tuyển vào Đoàn 305, Bộ Tư lệnh Đặc Công, đóng quân tại huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội). Trải qua thời gian huấn luyện, đầu năm 1971, ông Tư cùng 350 chiến sĩ lên đường hành quân tiến vào chiến trường miền Nam.

CCB (từng tham gia kháng chiến chống Mỹ) xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình (bên phải) giáo dục truyền thống đấu tranh đến thế hệ trẻ

CCB (từng tham gia kháng chiến chống Mỹ) xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình (bên phải) giáo dục truyền thống đấu tranh đến thế hệ trẻ

Băng qua bao ngọn núi, con sông, ông Tư cùng đoàn quân vượt đường Trường Sơn và đặt chân đến chiến trường Đồng Tháp sau gần 4 tháng hành quân. Trên chiến trường, với lòng căm thù giặc sâu sắc, bằng tinh thần dũng cảm của một người lính, ông Tư hăng hái cầm súng chiến đấu. Cuối năm 1973, trong một lần phá chốt chặn của địch, Thượng sĩ Lý Văn Tư không may trúng đạn, bị chấn thương 26% và phải lui về hậu phương.

Dẫu không đủ điều kiện để tiếp tục chiến đấu nhưng sau khi bình phục, ông Tư vẫn trụ lại miền Nam, tích cực tham gia cùng bà con tăng gia sản xuất, trở thành hậu phương vững chắc cho đồng chí, đồng đội. Ông kể với chúng tôi: Không thể chiến đấu, tôi bất lực chứng kiến những đồng đội ngã xuống, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm cầm súng, niềm an ủi lớn nhất đối với tôi và những đồng đội đã nằm xuống chính là khoảnh khắc trưa 30/4/1975, khi chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối.

Cũng như ông Tư, ông Đinh Vĩnh Thái, sinh năm 1944, CCB thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định xung phong nhập ngũ vào tháng 5/1968, đóng quân tại huyện Lạng Giang, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang). Sau 6 tháng huấn luyện chiến sĩ mới, tháng 12/1968, ông Thái cùng đồng đội tiến quân chi viện cho miền Nam ruột thịt và chiến đấu trên mặt trận Đường 9 – Nam Lào. Ông Thái kể lại: Tôi nhớ mãi ngày 28/3/1970, trong một lần tập kích đánh địch, chúng tôi vô tình bị địch phát hiện nơi ẩn nấp, Chính trị viên của tôi khi đó bị địch bắn, hy sinh ngay tại chỗ. Thấy chỉ huy của mình ngã xuống, tôi vùng lên tấn công thì bị địch bắn xuyên đùi, tôi được đồng đội cứu nên giữ được mạng sống và được chứng kiến khoảnh khắc chiến dịch phản công Đường 9 – Nam Lào thắng lợi.

Không chỉ hai CCB trên, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, có rất nhiều người con của Lạng Sơn được rèn luyện, thử thách trong khói lửa. Trong số hơn 38.800 hội viên CCB hiện nay, có trên 8.800 CCB từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Nếu như những người như ông Tư, ông Thái trực tiếp xông pha ra tiền tuyến thì những người lính ở miền Bắc tích cực tham gia học tập, chiến đấu, tăng gia sản xuất, trở thành hậu phương vững chắc cho chiến trường miền Nam.

Những câu chuyện về thời chiến khốc liệt ấy, giờ đây được các CCB kể lại để truyền thụ lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Cùng với đó, khi trở về với cuộc sống đời thường, các CCB tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 1.300 mô hình kinh tế do CCB làm chủ đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho hơn 3.200 lao động địa phương; năm 2021, các thế hệ cựu binh đã ủng hộ Chương trình hỗ trợ triệu phần quà Đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua dịch COVID-19 số tiền trên 200 triệu đồng; ủng hộ quỹ phòng chống COVID-19 được trên 940 triệu đồng; phối hợp tuyên truyền, vận động, động viên hơn 1.400 công dân lên đường nhập ngũ; CCB các thế hệ cũng tích cực tham gia bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đường biên mốc giới; xây dựng hình ảnh người lính “Bộ đội Cụ Hồ” gương mẫu, trở thành tấm gương sáng để thế hệ sau học tập, noi theo.

Có lẽ, sẽ không có một cuốn sách, một thước phim hay lời nói nào có thể đặc tả lại được sự khốc liệt của chiến tranh và niềm hạnh phúc trong ngày đại thắng mùa Xuân năm 1975 trong lòng mỗi người lính năm xưa. Hơn ai hết, những người lính Cụ Hồ, trong đó có những CCB Lạng Sơn hiểu rõ nhất về giá trị của độc lập – tự do, về thành quả cách mạng để từ đó hằng ngày, hằng giờ nỗ lực xây dựng quê hương Xứ Lạng phát triển, giàu đẹp.

DƯƠNG KIM

MAI TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-tri/496528-ky-uc-tren-chien-truong-mien-nam-cua-nhung-cuu-chien-binh.html